DỰ KIẾN NỘI DUNG KỲ HỌP THỨ 5, QUỐC HỘI KHÓA XV
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV
Dự thảo Nghị quyết gồm 7 nhóm cơ chế chính sách từ Điều 4 đến Điều 10 với 44 nội dung cụ thể. Trong đó, có: Nhóm cơ chế chính sách được kế thừa từ Nghị quyết số 54/2017/QH14; Nhóm cơ chế chính sách được quy định tại các Nghị quyết đặc thù của các địa phương khác; Nhóm các cơ chế chính sách được quy định tại các dự thảo Luật đang trình Quốc hội cho ý kiến; Nhóm các cơ chế chính sách mới, đột phá, có tác động lan tỏa.
Theo đại biểu Lê Minh Nam, Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang, cơ chế đặc thù là hết sức cần thiết, vừa giúp Tp. Hồ Chí Minh khai thác thế mạnh phát triển thành phố, quay lại đóng góp cho vùng và lan toả trên phạm vi toàn quốc. Đồng thời, khi thành phố phát triển cũng sẽ quay lại đóng góp cho ngân sách nhà nước nhiều hơn, chia sẻ được kinh nghiệm quản lý, phát triển và là cái nôi đào tạo thực tiễn về nguồn nhân lực cho khu vực và cho cả nước.
Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng, hiện số lượng chính sách đề nghị là tương đối nhiều nhưng ít có sức nặng mang lại yếu tố đột phá. Dó đó, cần nghiên cứu đề xuất chính sách có trọng tâm, có tính tháo gỡ, đột phá cao, tránh dàn trải. Đánh giá tính phù hợp thực tiễn, khả thi và có thể mang lại tác động rõ rệt. Những cơ chế nếu đột phá cần đi đối với việc xác định năng lực thực hiện, khả năng quản lý, điều hành, kiểm soát; bảo đảm tính minh bạch, tránh lợi dụng chính sách gây thất thoát, lãng phí. Việc hoạch định dự kiến về tổ chức thực hiện và đánh giá tác động của chính sách phải được lượng hoá, khoa học.
Đại biểu Lê Minh Nam, Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang
Đại biểu tỉnh Hậu Giang nhấn mạnh, chính sách đặc thù cần phải thiết thực, hiệu quả và xứng với kỳ vọng của Đảng, Nhà nước, Nhân dân. Nếu không hiệu quả sẽ bỏ lỡ những cơ hội về thời điểm, bối cảnh hoàn cảnh. Việc tổng kết thực hiện Nghị quyết 54 cũng đã cho thấy, thành phố chưa khai thác được nhiều thành quả từ thực tiễn. Do vậy, đại biểu đề nghị phải có sự lựa chọn, trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải để bảo đảm chính sách thực sự có thể đi vào cuộc sống. “Chỉ đưa vào Nghị quyết những chính sách đã rõ về căn cứ thực tiễn, rõ về nội hàm, không quy định vấn đề chưa rõ, tránh vướng mắc trong triển khai….”, đại biểu Lê Minh Nam đề xuất.
Góp ý vào những chính sách cụ thể, đại biểu kiến nghị 03 nội dung cụ thể nhằm đảm bảo chính sách sau khi được ban hành đảm bảo khả thi, hiệu quả:
Một là, đề xuất thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD). Mô hình đặt ra nhiệm vụ phát triển: “các khu đô thị mới, xung quanh các nhà ga Metro theo mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng (TOD)”. Đây là chính sách rất tích cực vì sẽ tạo nguồn lực xã hội cho phát triển, giảm chi ngân sách nhưng như đề xuất thì quy mô vẫn rất hẹp.
Vì vậy, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu để có bước thực sự đột phá, mở rộng hơn, đặc biệt để phù hợp với chính sách hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính về đất đai đặt ra yêu cầu điều tiết chênh lệch theo tinh thần của nghị quyết 18. Thực tế cho thấy, khi nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng, quy hoạch phát triển đô thị, thương mại dịch vụ...đã làm cho giá đất tại các khu vực xung quanh tăng lên rất cao nhưng Nhà nước chưa điều tiết được phần lớn giá trị tăng thêm đối với đối tượng này.
Qua tìm hiểu kinh nghiệm của một số quốc gia cho thấy, để đạt mục tiêu này họ quy hoạch và mở rộng phạm vi thu hồi/ rồi tổ chức đấu giá diện tích đất khu vực mở rộng, qua đó sử dụng phần giá trị chênh lệch tăng thêm để hỗ trợ cho người có đất thu hồi và tái đầu tư trở lại cho dự án.
Từ đó, đại biểu cho rằng TP. HCM cần làm rõ và mở rộng hơn phạm vi về vùng phụ cận (Vùng phụ cận là vùng đất tiếp giáp với các công trình hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất) và xem xét các khu vực có tiềm năng tăng giá trị để đưa vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất làm cơ sở để tổ chức tăng thu nguồn lực này. Thực hiện chính sách này, không chỉ giúp cho TP. HCM điều tiết nguồn thu, tăng thu từ đất mà còn tạo môi trường minh bạch, đem lại công bằng cho những người dân phải di dời, tạo cho đô thị một bộ mặt văn minh, hiện đại, thu hút các nhà đầu tư chuyên nghiệp, đồng thời giúp dễ định hướng, định hình được loại hình sản xuất kinh doanh cho khu vực liền kề sau thu hồi.
Hai là, về chính sách cho công ty đầu tư tài chính nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh (HFIC) (khoản 8, Điều 5): Nhất trí với chủ trương cần có chính sách để phát triển HFIC thành công ty tài chính lớn mạnh của Thành phố để thực hiện các mục tiêu như đề xuất của Thành phố và Chính phủ là huy động các nguồn vốn để cho vay và đầu tư các dự án phát triển hạ tầng KT-XH của thành phố.
Tuy nhiên, cần xem xét xác định và xây dựng cơ chế tài chính, quy chế tổ chức và hoạt động sao cho HFIC hoạt động đảm bảo hiệu quả, hiệu lực, an toàn và quan trọng là đạt mục tiêu mà thành phố và Chính phủ đề xuất, trong đó với nguyên tắc “không vì mục tiêu lợi nhuận, bảo toàn và phát triển vốn” cần phải xác định một cách thật rõ ràng, cụ thể: Không lợi nhuận thì đã khó đảm bảo bảo toàn vốn vì lạm phát, nếu giữ nguyên mức vốn đã là không bảo toàn rồi. Thứ hai, để phát triển vốn thì bắt buộc phải có thặng dư từ đầu tư, tức là phải có lợi nhuận và còn phải tính đến những rủi ro trong quá trình cho vay và đầu tư.
Ba là, cơ chế phát triển điện mặt trời sử dụng mái nhà trụ sở công (khoản 11 Điều 5): Khai thác trong bối cảnh khai thác năng lượng xanh, sạch, thay thế sử dụng nhiên liệu hoá thạch nhưng cần phải tính đến hiệu quả tổng thể và môi trường. Và kết hợp cả hai yếu tố: Phát triển bền vững/ cần có giải pháp xử lý kỹ thuật, tránh quá tải, mất an toàn vận hành lưới điện; bảo đảm không gây hậu quả cho môi trường (pin thải).
Hệ thống điện quốc gia vận hành có những yếu tố kỹ thuật rất đặc thù, cần nhìn nhận ở góc độ tổng thể và bền vững không chỉ đơn giản nhìn nhận ở góc độ cụ thể, lợi ích cụ thể. Do đó, đại biểu tỉnh Hậu Giang đề nghị thành phố lưu tâm đánh giá cụ thể mức độ tác động để vận hành chính sách này./.