TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 31/5: QUỐC HỘI TIẾP TỤC THẢO LUẬN VỀ TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
Đánh giá 9 nhóm chính sách đã ban hành liên quan đến lao động, việc làm
Cho ý kiến liên quan đến vấn đề lao động việc làm, đại biểu Tô Ái Vang – Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng chỉ ra rằng, trong nền kinh tế thị trường tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm sẽ kéo theo tỷ lệ thất nghiệp tăng và lạm phát cũng tăng theo và ngược lại. Hiện nay Việt Nam chúng ta đã tham gia cộng đồng kinh tế ASEAN, việc ký kết các hiệp định thương mại đã mở ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động, nhưng đi kèm là không ít thách thức, nhất là tỷ lệ thất nghiệp ngày càng gia tăng. Điều này Chính phủ đã lường trước và đã có những quyết sách mang tính vĩ mô và cụ thể.
Tuy nhiên, hiện nay tình trạng thất nghiệp của người lao động và những tác động trực tiếp hay gián tiếp của thất nghiệp lên kinh tế - xã hội tiếp tục đặt ra nhiều vấn đề quan tâm. Vì thế, đại biểu kiến nghị năm 2023 Chính phủ xác định là năm dữ liệu số Việt Nam, các bộ, ngành liên quan sớm hoàn chỉnh dữ liệu thống kê về tình trạng thất nghiệp hiện nay và phân thất nghiệp thành ba loại chính, đó là: thất nghiệp xảy ra khi có sự mất cân đối về mặt cơ cấu giữa cung và cầu lao động; thất nghiệp do tình trạng suy thoái về kinh tế; thất nghiệp xảy ra do quy luật cung cầu trên thị trường quy định. Bên cạnh đó, thất nghiệp được phân tích phân theo giới tính, theo lứa tuổi, theo vùng, theo ngành nghề, đồng thời thực hiện kết nối và chia sẻ dữ liệu dọc, ngang thông suốt.
Đại biểu Tô Ái Vang – Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng
Từ những vướng mắc, bất cập đặt ra, đề xuất Chính phủ kịp thời chỉnh sửa, bổ sung, trên cơ sở đó, các bộ, ngành liên quan kịp thời rà soát, đánh giá 9 nhóm chính sách đã ban hành liên quan đến lao động, việc làm. Chính phủ cần kịp thời chỉnh sửa, bổ sung hay thay thế bằng chính sách mới hay tích hợp lại một số chính sách để phù hợp với thực tế hiện nay.
Xem xét có cơ chế cho vay linh hoạt, đa dạng
Vấn đề thứ hai, liên quan đến vốn vay của doanh nghiệp. Đại biểu cho biết, đầu năm 2023 Ngân hàng Nhà nước đã có 3 đợt giảm lãi suất điều hành. Đây được xem là sự nỗ lực rất lớn của Ngân hàng Nhà nước để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay doanh nghiệp cũng khó tiếp cận với vốn vay. Vậy nguyên nhân từ đâu? Theo đại biểu, hiện nay hệ thống ngân hàng đang đối mặt với 3 tác động chính.
Tác động thứ nhất, hệ thống ngân hàng là kênh cung ứng vốn chủ yếu cho nền kinh tế, trong khi hệ thống ngân hàng huy động khoảng 88% tiền gửi với kỳ hạn 12 tháng trở xuống nhưng vẫn phải đáp ứng trên 52% dư nợ tín dụng của cả hệ thống là trung hạn và dài hạn nên tạo sức ép lên lãi suất huy động, đồng thời do mặt bằng lãi suất thế giới gia tăng, buộc các ngân hàng lớn trên thế giới vẫn tiếp tục triển khai lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ và duy trì lãi suất ở mức độ cao.
Tác động thứ hai, thực tế hệ thống ngân hàng vẫn đang trong quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, nâng cấp chuẩn mực quản trị điều hành theo thông lệ quốc tế. Việc sử dụng lãi suất tái cấp vốn là nghiệp vụ diễn ra khi một số ngân hàng đang gặp khó khăn lớn về thanh khoản buộc phải vay vốn từ Ngân hàng Nhà nước, khi không vay được thông qua kênh liên ngân hàng.
Tác động thứ ba, đó là các doanh nghiệp nhỏ và vừa không tiếp cận được vốn vay vì không còn tài sản đảm bảo hoặc tình hình tài chính yếu kém. Nhiều doanh nghiệp không được giải ngân, chuyển sang nhóm nợ xấu do ngân hàng vẫn phải đảm bảo khả năng thanh toán tài sản thế chấp.
Từ những phân tích trên, đại biểu có 2 kiến nghị sau: Thứ nhất, trước những vấn đề đặt ra buộc Ngân hàng Nhà nước phải quy định trần room tín dụng. Tuy nhiên, tỷ lệ bắt buộc mà mỗi ngân hàng phải đảm bảo chính là hệ số an toàn trong các lĩnh vực cùng với dự trữ bắt buộc đã giúp Ngân hàng Nhà nước kiểm soát lạm phát nên chỉ cần Ngân hàng Nhà nước sử dụng nhiều công cụ dự trữ bắt buộc cùng với áp dụng quy định hệ số an toàn kèm theo thì đã giúp các ngân hàng tự điều chỉnh mà không lệ thuộc quá nhiều vào trần room tín dụng. Vì thế, Ngân hàng Nhà nước cần có phương thức điều hành linh hoạt, đó là giao tổng room từ đầu năm và điều hành trên cơ sở kế hoạch được lập ra bởi sự thỏa thuận giữa ngân hàng với khách hàng, tránh tình trạng nửa đầu năm tăng tốc, cuối năm hết room hoặc là bị siết lại một cách đột ngột, làm cho doanh nghiệp có thể đi đến vỡ kế hoạch trong đầu tư hoặc là trong sản xuất, kinh doanh.
Hai, Ngân hàng Nhà nước xem xét có cơ chế cho vay linh hoạt, đa dạng, nhất là các gói cho vay tín chấp dựa trên thời gian hoạt động có hiệu quả và dòng tiền của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cần chỉ đạo các ngân hàng thương mại rà soát lại toàn bộ thủ tục, điều kiện tín dụng, tăng khả năng tiếp cận vốn vay của doanh nghiệp, đẩy nhanh giải ngân gói hỗ trợ lãi suất, triển khai hiệu quả chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn.
Ba, tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết 43 của Quốc hội khóa XV. Nếu được Quốc hội chấp nhận thì sẽ ban hành nghị quyết và áp dụng sớm nhất là từ tháng 6 hoặc từ tháng 7/2023 đến cuối năm 2023.
Giảm thuế giá trị gia tang để kích thích tiêu dùng
Đồng tình với Tờ trình của Chính phủ cũng như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách, đại biểu bổ sung 3 kiến nghị sau đây:
Một là, Chính phủ huy động các kênh thông tin, làm tốt công tác truyền thông để người tiêu dùng biết và đón nhận. Bởi vì, việc giảm thuế giá trị gia tăng người tiêu dùng có thể thấy rõ nhất ở siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi vì có thể kiểm tra trên hóa đơn, trong khi các chợ truyền thống, cửa hàng nhỏ lẻ, tiệm tạp hóa thì người mua và người bán tự thỏa thuận giá trong đó có bao gồm cả thuế. Họ cũng không biết nếu giảm thuế giá trị gia tăng thì được giảm bao nhiêu tiền. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng thiếu đồng bộ, cũng đồng nghĩa là người tiêu dùng tiếp tục chịu thiệt thòi, nên phải tăng cường truyền thông để mọi người dân được hiểu và áp dụng.
Hai là, Quốc hội xem xét mức giảm thuế giá trị gia tăng xuống từ 3-4%, vì nếu chỉ giảm 2% thì chưa phải là mức tốt cho nền kinh tế. Bởi vì, trong bối cảnh các nước đang cạnh tranh bằng cách giảm gánh nặng thuế cho doanh nghiệp để thu hút đầu tư thì chúng ta cũng nên xem xét giảm thuế giá trị gia tăng ở mức cao hơn là từ 3-4% để khuyến khích tiêu dùng, tăng sức mua, từ đó doanh nghiệp có thể tiêu thụ hàng hóa nhiều hơn, giải phóng được lượng hàng tồn kho, sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh, góp phần vực dậy doanh nghiệp, góp phần cho sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương và trong cả nước.
Ba là, Quốc hội xem xét áp dụng giảm thuế giá trị gia tăng kéo dài đến hết năm 2024. Thực tế, các cuộc khủng hoảng về địa chính trị, năng lượng, đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng khiến số lượng đơn hàng giảm mạnh đã tác động tiêu cực đến xuất khẩu của một số nhóm hàng chủ lực của Việt Nam.
Hiện nay thị trường nước ngoài đã tác động đến doanh nghiệp, đó là sự giảm sút trong tiêu dùng của các nước trên thế giới. Chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục đứng trước nguy cơ bị gián đoạn, đứt gãy, dẫn đến nhiều hệ lụy cho hoạt động sản xuất, nhập khẩu và tăng trưởng kinh tế; sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục giảm ở một số ngành; giá nguyên vật liệu liên tục gia tăng ở thị trường trong nước, v.v.. Vì thế, việc kéo dài thời gian giảm thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2024 sẽ giúp cho chính sách này mang tính bền vững, lâu dài, giúp cho doanh nghiệp xây dựng các phương án kinh doanh ổn định.