Error

Web Part Error: A Web Part or Web Form Control on this Page cannot be displayed or imported. The type TVPortal.Publishing.Category.wpMenuLeftDaiBieuQuocHoi2, TVPortal.Publishing.Category, Version=1.0.0.0, Culture=neutral, PublicKeyToken=616514c961de576d could not be found or it is not registered as safe. Correlation ID: b94a66a1-f909-90f0-19a0-57dfe8ea2a05.

Error Details:
[UnsafeControlException: A Web Part or Web Form Control on this Page cannot be displayed or imported. The type TVPortal.Publishing.Category.wpMenuLeftDaiBieuQuocHoi2, TVPortal.Publishing.Category, Version=1.0.0.0, Culture=neutral, PublicKeyToken=616514c961de576d could not be found or it is not registered as safe.]
  at Microsoft.SharePoint.ApplicationRuntime.SafeControls.GetTypeFromGuid(Boolean isAppWeb, Guid guid, Guid solutionId, Nullable`1 solutionWebId, String assemblyFullName, String typeFullName, Boolean throwIfNotSafe)
  at Microsoft.SharePoint.WebPartPages.SPWebPartManager.CreateWebPartsFromRowSetData(Boolean onlyInitializeClosedWebParts)

ĐBQH LÊ NHẬT THÀNH: TIẾP TỤC TẠO ĐIỀU KIỆN THUẬN LỢI CHO CÔNG DÂN VIỆT NAM VÀ NGƯỜI NƯỚC NGOÀI TRONG VIỆC XUẤT NHẬP CẢNH

27/05/2023

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, đại biểu Lê Nhật Thành - Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội khẳng định cần tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam trong việc cấp giấy tờ xuất nhập cảnh và người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam.

ĐƠN GIẢN HÓA THỦ TỤC, NÂNG CAO HIỆU QUẢ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ NHẬP CẢNH, XUẤT CẢNH, QUÁ CẢNH, CƯ TRÚ CỦA NGƯỜI NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM

Theo chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc  hội sẽ thảo luận ở Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam vào ngày 02/6 tới.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. 

Bộ Trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, trong thời gian qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Bộ Chính trị đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị để yêu cầu các cơ quan nhà nước chủ động ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với mục tiêu “Phấn đấu đến năm 2030, hoàn thành xây dựng Chính phủ số, đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ ba trong khu vực ASEAN về Chính phủ điện tử, kinh tế số”. Đồng thời, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy nhiên, qua rà soát các quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam chưa đáp ứng được các chủ trương, chính sách của Đảng nên cần thiết phải nghiên cứu sửa đổi để kịp thời thể chế hóa các chủ trương, chính sách này.

Ngoài ra, tại Nghị quyết số 76/2022/QH15 ngày 15/11/2022 về Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã đồng ý bổ sung thông tin “nơi sinh” vào hộ chiếu cấp cho công dân Việt Nam và giao Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền để triển khai thực hiện; khẩn trương nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét, quyết định việc sửa đổi khoản 3 Điều 6 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết, Quyết định phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính và thúc đẩy phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn.

Đại biểu Lê Nhật Thành – Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp.Hà Nội.

Tuy nhiên, qua rà soát, các quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) chưa đáp ứng được các yêu cầu chính trị, pháp lý và thực tiễn. Do đó, việc xây dựng dự án Luật nhằm thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, đáp ứng yêu cầu của Quốc hội và tiến trình cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số của Chính phủ.

Nên giao cho Bộ Công an chủ trì ký kết thỏa thuận quốc tế trong tiếp nhận công dân Việt Nam

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, đại biểu Lê Nhật Thành – Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp.Hà Nội khẳng định: Việc sửa đổi, bổ sung lần này góp phần đơn giản hóa thủ tục, đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi tường điện tử, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam trong việc cấp giấy tờ xuất nhập cảnh và người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam; góp phần phát triển kinh tế - xã hội; vừa bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Hoàn thiện cơ sở pháp lý, bảo đảm đồng bộ, thống nhất và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư vào tìm hiểu thị trường, đầu tư.

Với quan điểm trên, đại biểu Lê Nhật Thành cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam là cần thiết trong tình hình hiện nay xuất phát từ yêu cầu tạo điều kiện hơn nữa cho người nước ngoài nhập xuất cảnh Việt Nam phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của Việt Nam trong từng thời kỳ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đại biểu Lê Nhật Thành, thời gian xây dựng dự án Luật không dài, có thể nói là rất gấp. Tuy nhiên, cơ quan chủ trì soạn thảo đã chuẩn bị kỹ lưỡng, cẩn trọng; hồ sơ dự án Luật đã được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử để lấy ý kiến tham gia; gửi xin ý kiến các Bộ, ngành, địa phương có liên quan. Hồ sơ dự án Luật đã được Bộ Tư pháp tiến hành thẩm định, Ủy ban Thường vụ Quốc đã hội cho ý kiến. Đến nay, các tài liệu có trong hồ đã đầy đủ, đúng theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhiều tài liệu được chuẩn bị công phu, chi tiết, có chất lượng; đủ điều kiện để trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến, thông qua tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023).

Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. 

Qua nghiên cứu, đại biểu Lê Nhật Thành nhất trí với dự án Luật sửa đổi, bổ sung do Chính phủ trình. Theo đó, dự án Luật sửa đổi quy định tại các điều 45 và 46 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam để thống nhất cơ quan chủ trì đề xuất đàm phán, ký kết các Điều ước quốc tế, Thỏa thuận quốc tế liên quan đến nhận trở lại công dân Việt Nam không được nước ngoài cho cư trú.

Theo quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, Bộ Công an là đơn vị chủ trì ký kết thỏa thuận quốc tế trong việc tiếp nhận công dân Việt Nam không được phía nước ngoài cho cư trú theo phân công của Chính phủ (Điều 45). Bộ Ngoại giao là đơn vị chủ trì trong việc ký kết điều ước quốc tế liên quan đến xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và tiếp nhận công dân Việt Nam không được phía nước ngoài cho cư trú (Điều 46).

Như vậy, cùng một vấn đề ký kết hợp tác quốc tế về nhận trở lại công dân nhưng có 02 Bộ chủ trì. Việc này không phù hợp với của trương của Đảng, cụ thể tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả nêu rõ: “Khắc phục triệt để sự trùng lắp, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ để một tổ chức có thể đảm nhiệm nhiều việc, nhưng một việc chỉ do một tổ chức chủ trì và chịu trách nhiệm chính” (tiết 2.2 mục 2 Phần III  Nghị quyết) và chủ trương của Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới đã nêu rõ “Thực hiện nguyên tắc một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính, các cơ quan có liên quan phối hợp thực hiện”.

Theo quy định của Luật Cư trú và Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, Bộ Công an là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước về cư trú và xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Công tác tiếp nhận công dân Việt Nam không được nước ngoài cho cư trú là một trong những nội dung của công tác quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Bộ Công an là đơn vị trực tiếp tổ chức thực hiện các hiệp định, thỏa thuận về nhận trở lại công dân Việt Nam không được nước ngoài cho cư trú, như: tổ chức xác minh, cấp giấy tờ đi lại, thực hiện tiếp nhận công dân khi nước ngoài trao trả…

Do đó, theo đại biểu Lê Nhật Thành, nếu giao cho Bộ Ngoại giao đề xuất đàm phán ký kết, Bộ Công an tổ chức thực hiện sẽ thiếu tính thống nhất và không bám sát được thực tiễn. Về việc thực hiện công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài, trên thực tế Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài chỉ thực hiện công tác bảo hộ trong giai đoạn công dân đang bị tố tụng (bị bắt giữ, xét xử). Sau khi đã có quyết định xét xử, trục xuất của cơ quan chức năng nước ngoài thì việc xác minh, tổ chức tiếp nhận công dân Việt Nam bị nước ngoài trục xuất hoàn toàn do các cơ quan chức năng của Bộ Công an thực hiện.

Chính vì những lý do nêu trên nên cần phải điều chỉnh lại, theo hướng chỉ giao một Bộ chủ trì ký kết thỏa thuận quốc tế trong việc tiếp nhận công dân Việt Nam không được phía nước ngoài cho cư trú. Theo đó, đại biểu Lê Nhật Thành nhất trí với việc quy định giao cho Bộ Công an là phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành và phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay, không trái với quy định của Luật Điều ước quốc tế./.

Bích Lan