Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất của Quốc hội.
Theo thường lệ, Quốc hội tổ chức 2 kỳ họp/năm để lắng nghe ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội, cử tri cả nước về các các đạo luật, Nghị quyết cũng như giải quyết những vấn đề phát sinh trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, ngay từ những ngày đầu của năm 2022, Quốc hội khóa XV đã có sự đột phá với việc tổ chức kỳ họp bất thường lần thứ Nhất theo hình thức trực tuyến từ điểm cầu Nhà Quốc hội kết nối cùng với 62 điểm cầu của các Đoàn Đại biểu các tỉnh, thành phố. Đây được coi là sự đột phá trong hoạt động của Quốc hội. Đặc biệt, kỳ họp diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường và đã thông qua 01 luật và 04 Nghị quyết với sự thống nhất cao đã cho thấy quyết tâm của Quốc hội trong việc sửa đổi, đưa các chính sách pháp luật phải mang hơi thở của cuộc sống cũng như phải giải quyết được những vấn đề cấp bách từ đời sống thực tiễn.
Nhìn lại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên nêu quan điểm: Kỳ họp Quốc hội ở Việt Nam được tổ chức định kỳ 2 lần/năm. Tuy nhiên, trở lại lịch sử đã cho thấy, trong điều kiện chiến tranh, Quốc hội khóa III được kéo dài. Vì vậy, ngay từ những đầu tiên của năm 2022, Quốc hội khóa XV tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất thì cũng là điều hết sức bình thường. Việc tổ chức Kỳ họp này được Quốc hội triển khai đúng theo pháp luật và đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, giải quyết được những vấn đề cấp thiết trong đời sống xã hội. Điều này thể hiện trách nhiệm của Quốc hội luôn song hành cùng Chính phủ trong việc giải quyết những vấn đề quốc kế dân sinh, những vấn đề tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế-xã hội và đời sống của người dân.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường đòi hỏi Quốc hội và Chính phủ phải đưa ra những quyết sách cấp bách, phù hợp để vừa bảo đảm đúng theo luật pháp, vừa bảo đảm thời gian nhanh nhất, giải quyết một cách kịp thời nhất những vấn đề mà thực tiễn đời sống đặt ra. Vì thế, những Nghị quyết mà Quốc hội đã thông qua trong Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất được đánh giá cao là đã đáp ứng được những yêu cầu đó. Nhiều nội dung, vấn đề về chính sách tài khóa, tiền tệ, đầu tư công và an sinh xã hội đã được tích hợp lại ở trong các Nghị quyết nên các đại biểu Quốc hội, cử tri cả nước cũng kỳ vọng các Nghị quyết sớm được triển khai nhanh trong thực tiễn cuộc sống.
Theo đó Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành, cần cụ thể hóa các Nghị quyết thông qua những cơ chế, chính sách, chương trình, dự án đảm bảo cơ sở pháp lý. Do vậy, các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ cần nỗ lực lớn để đưa những nội dung của các Nghị quyết được áp dụng nhanh chóng trong thực tiễn.
Quyết tâm triển khai những nhiệm vụ chiến lược mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra trong bất kỳ tình huống nào
Năm nay là lần đầu tiên trong lịch sử 76 năm hình thành và phát triển, Quốc hội khóa XV tổ chức Kỳ họp bất thường. Tiến sĩ khoa học Nghiêm Vũ Khải - nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, đại biểu Quốc hội khóa XI, XII, XIV nhận định: Trong 14 nhiệm kỳ khóa trước, Quốc hội thường họp 2 lần/năm và chưa lần nào tổ chức Kỳ họp bất thường. Vì vậy, các hoạt động của Kỳ họp bất thường này đều thực hiện theo quy định của pháp luật về quy trình, thủ tục triển khai các nhiệm vụ. Việc Quốc hội tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất cho thấy Quốc hội đã thích ứng một cách kịp thời, đáp ứng được yêu cầu cấp bách của quá trình phát triển đất nước trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường.
Tại Kỳ họp này, Quốc hội đã đưa ra những quyết định phù hợp và như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định: Với việc tổ chức thành công Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, chúng ta có bài học quý để những kỳ họp “bất thường” trở thành hoạt động “bình thường” của Quốc hội nhằm đáp ứng kịp thời đòi hỏi cấp bách của thực tiễn. Như vậy từ nay, Quốc hội không chỉ tổ chức 2 kỳ/năm mà còn có thể họp 3-4 lần/năm hoặc họp vài ngày/tuần để đưa ra những quyết định cấp bách, khơi thông những vấn đề về chính sách để ứng phó với những vấn để phát sinh và bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước.
Tiến sĩ khoa học Nghiêm Vũ Khải- nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, đại biểu Quốc hội khóa XI, XII, XIV.
Việc Quốc hội tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất đã thể hiện quyết tâm trong việc triển khai những nhiệm vụ chiến lược mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra trong bất kỳ tình huống nào. Các Nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp này đã thể hiện sự nỗ lực chung của cơ quan soạn thảo và thẩm tra, có ý nghĩa to lớn để chúng ta vượt qua những thách thức gay gắt từ nội tại nền kinh tế đất nước và tác động mạnh mẽ từ dịch bệnh Covid-19.
Theo Tiến sĩ khoa học Nghiêm Vũ Khải, đại dịch Covid-19 đã tác động rất lớn và ảnh hưởng tới nền kinh tế-xã hội của nhiều quốc gia. Do đó, các nước đã sẵn sàng thông qua những gói hỗ trợ, chương trình tài khóa, tiền tệ lớn để phục hồi nền kinh tế - xã hội. Việt Nam cũng không đứng ngoài tình hình như vậy và việc Quốc hội thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất nhằm đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ, tài khóa, an sinh xã hội nhưng đồng thời cũng huy động tối đa được những nguồn lực để bù đắp cho những tổn thất do dịch bệnh Covid-19 gây ra là quyết định đúng đắn, kịp thời.
Theo Tiến sĩ khoa học Nghiêm Vũ Khải, khi Quốc hội họp bất thường để thông qua những Nghị quyết hết sức bài bản thì khi triển khai phải có sự kiểm tra, giám sát một cách nghiêm túc, kỹ lưỡng nhằm tránh hiện tượng tham nhũng; các cá nhân, tổ chức lợi dụng chính sách để tư lợi… Việc làm này cũng là để Nghị quyết được triển khai đúng đối tượng được thụ hưởng, phục vụ sự phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm đảm lợi ích của Nhân dân./.