4 bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo phân công của thành viên Chính phủ, Bộ trưởng tiếp thu các ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội và làm rõ thêm một số vấn đề được đại biểu quan tâm.
Về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết bước vào năm 2020, sau kết quả của 4 năm cơ bản đạt và vượt tất cả các mục tiêu đề ra và kinh tế - xã hội của nước ta phát triển toàn diện và mạnh mẽ, tuy nhiên, ngay từ đầu năm 2020 thì chúng ta đã phải đối mặt ngay với rất nhiều khó khăn, thách thức từ đại dịch của COVID-19. Cuối năm 2020, Việt Nam lại phải chịu ảnh hưởng rất nghiêm trọng bởi thiên tai, bão, lụt với tần suất liên tiếp và cường đội lớn, tập trung chủ yếu vào khu vực miền Trung. Mặc dù vậy, kinh tế - xã hội của năm 2020 có nhiều điểm sáng và đạt được kết quả khá tích cực. Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát thì được kiểm soát, các cân đối lớn thì được đảm bảo. Việt Nam là một trong số rất ít các nền kinh tế trên thế giới đạt được mức tăng trưởng dương. Các lĩnh vực sản xuất đã có dấu hiệu phục hồi, xuất siêu đạt mức kỷ lục. Giải ngân vốn đầu tư công đã có nhiều tiến bộ, môi trường kinh doanh thì được cải thiện, số doanh nghiệp thành lập mới và thu hút đầu tư nước ngoài đạt được kết quả khá, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ thích ứng nhanh với bối cảnh của dịch bệnh, an sinh xã hội và đời sống nhân dân thì cơ bản được bảo đảm. Đạt được kết quả nổi bật nêu trên và đặc biệt trong bối cảnh hết sức khó khăn, có thể nói là chưa từng có trong lịch sử, đó là nhờ vào sự lãnh đạo kịp thời của Đảng, sự đồng hành, ủng hộ và giám sát của Quốc hội, sự điều hành, chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cuối cùng đó là sự nỗ lực của toàn thể nhân dân cũng như là hệ thống chính trị của chúng ta. Các kết quả đạt được ấn tượng nêu trên được cộng đồng quốc tế đánh giá cao và càng ngày càng khẳng định nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, đặc biệt đã củng cố được niềm tin và sự đồng lòng, ủng hộ của người dân cả nước.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo, giải trình thêm một số nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm về mục tiêu tăng trưởng năm 2021 và những năm tiếp theo.
Từ những kết quả đạt được này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết có thể rút ra 4 bài học kinh nghiệm quý giá trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành:
Thứ nhất là, niềm tin và sự đồng thuận, đồng lòng ủng hộ của người dân là hết sức quan trọng.
Thứ hai, tinh thần đoàn kết dân tộc, nhân ái của con người Việt Nam đã trở thành động lực chủ yếu, lan tỏa những hành động tốt đẹp, nhân văn trong xã hội.
Thứ ba, sự lãnh đạo, chỉ đạo hết sức đúng đắn, chính xác và kịp thời của Đảng, của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả và nỗ lực, cố gắng của toàn hệ thống chính trị trong hành động cũng là những bài học của chúng ta.
Thứ tư, tính tự chủ của nền kinh tế, khả năng chống chịu cũng như thích nghi của nền kinh tế là yếu tố nền tảng để chúng ta có thể đứng vững và vượt qua được những giai đoạn khó khăn.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh, trong quá trình phát triển, mặc dù đạt được những kết quả tích cực, nhưng nền kinh tế của Việt Nam vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần tập trung xử lý, kể cả trong trước mắt và lâu dài. Đó là nền kinh tế có sự phục hồi nhưng không đồng đều. Một số ngành, lĩnh vực người lao động còn gặp nhiều khó khăn, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và của toàn nền kinh tế còn hạn chế. Việc thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng cũng như thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược chưa đáp ứng được yêu cầu. Giải ngân vốn đầu tư công có chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Cổ phần hóa và thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước tại các doanh nghiệp chưa đạt được kế hoạch, nguy cơ nợ xấu của ngân hàng đang còn tiềm ẩn. Cân đối, thu chi ngân sách nhà nước gặp khó khăn. Môi trường kinh doanh chưa thật sự thông thoáng, thuận lợi. Việc giải ngân gói hỗ trợ người dân, doanh nghiệp còn chậm, còn một số vấn đề. Khoảng cách giàu, nghèo có nguy cơ gia tăng do ảnh hưởng từ đại dịch COVID cũng như thiên tai, dịch bệnh.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định sẽ nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu để tham mưu cho Chính phủ bổ sung trong hệ thống các giải pháp, trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của năm 2021 cũng như các năm tiếp theo mà Chính phủ đã trình Quốc hội.
Đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2021 khoảng 6% để quyết tâm phấn đấu và tạo nền tảng phát triển vững chắc cho giai đoạn 2021-2025.
Về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch đầu tư công của năm 2020 cũng như giai đoạn 2021-2025 được các đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, một số đại biểu có băn khoăn về chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2021, tức là tăng khoảng 6% là tương đối cao và khó có khả năng thực hiện. Bộ trưởng khẳng định, như Chính phủ đã báo cáo, bước vào năm 2021 dự báo nước ta vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức đến từ môi trường quốc tế, còn nhiều rủi ro và bất định, cạnh tranh giữa các quốc gia lớn, suy thoái kinh tế thế giới ảnh hưởng sâu rộng và kéo dài của dịch COVID-19, tình hình thiên tai, dịch bệnh trong nước vẫn còn diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhận thấy có không ít những cơ hội và tiềm năng mà nước ta có thể nắm bắt để vươn lên phát triển mạnh mẽ như tác động tích cực từ các Hiệp định FTA, trong đó có EVFTA với EU, cơ hội thu hút FDI từ việc dịch chuyển dòng vốn đầu tư quốc tế, chuyển đổi số, thương mại điện tử, sự hình thành các ngành nghề, mô hình kinh doanh mới sáng tạo, từ nguồn nhân lực dồi dào, năng động của chúng ta. Nếu tận dụng triệt để các cơ hội này và khắc phục được những khó khăn nội tại của nền kinh tế thì khả năng đạt được mức tăng trưởng cao vào năm 2021 cũng như giai đoạn 2021-2025 là có cơ sở. Hơn nữa, do mức tăng trưởng của năm 2020 dự kiến đạt thấp, tức là chúng ta dự kiến đạt khoảng 2%-3% cũng là căn cứ để xây dựng mục tiêu tăng trưởng của 2021 cao hơn ở mức bình thường. Điều này vừa phù hợp với dự báo tăng trưởng của Việt Nam và của các tổ chức quốc tế, vừa phù hợp với thực tiễn tăng trưởng của các quốc gia trên thế giới. Việc đặt mục tiêu tăng trưởng của năm 2021 khoảng 6% cũng là nhằm tạo động lực để quyết tâm phấn đấu cao, vừa để tạo nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế - xã hội của giai đoạn 2021-2025.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, việc đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2021 khoảng 6% để quyết tâm phấn đấu và tạo nền tảng phát triển vững chắc cho giai đoạn 2021-2025.
Về thực hiện kế hoạch 2021, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đồng ý với một số ý kiến của đại biểu nêu, đó là trong quá trình điều hành phải xây dựng thêm một số kịch bản để đối phó và ứng phó cho kịp thời với tình hình diễn biến của dịch bệnh. Thứ hai là, các nhiệm vụ trọng tâm trước mắt thì phải tập trung vào khắc phục hậu quả và khôi phục sản xuất, ổn định đời sống cho người dân ở vùng bão, lũ. Tranh thủ các cơ hội mới sau khi các dịch bệnh đi qua.
Đánh giá lại quy mô GDP của Việt Nam nhằm nhận diện chính xác, toàn diện quy mô của nền kinh tế.
Đối với ý kiến của một số đại biểu Quốc hội về kết quả đánh giá lại quy mô GDP, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc đánh giá lại quy mô GDP của Việt Nam là cần thiết và là hoạt động bình thường để khắc phục các vấn đề đánh giá thường xuyên chúng ta không thực hiện được nhằm nhận diện được chính xác, toàn diện quy mô của nền kinh tế, phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn của nhiều quốc gia trên thế giới.
Về thực tiễn hiện nay Mỹ và Trung Quốc hay bất kỳ nước nào trên thế giới sau một thời gian phát triển đều phải đánh giá lại GDP. Các nước cũng đều đánh giá lại 3, 4 lần, cũng tăng mấy trăm tỷ USD và quy mô cũng tăng thêm 3%-4%. Bộ trưởng khẳng định đây là chuyện bình thường bởi quá trình đánh giá lại GDP của Việt Nam được thực hiện theo quy trình chặt chẽ, khoa học và đảm bảo công khai, minh bạch. Tất cả các thông tin tham vấn và có sự tham gia liên tục của các chuyên gia, thống kê Liên hợp quốc, chuyên gia của IMF, chuyên gia là các nhà khoa học, nhà quản lý và quan trọng hơn cả là việc đánh giá lại của chúng ta là không thay đổi phương pháp tính GDP, nhưng bổ sung những thông tin và cập nhật quy định mới của thống kê Liên hợp quốc, cũng như các nguồn thông tin đánh giá lại dựa vào các cuộc tổng điều tra, đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát, báo cáo của các bộ, ngành thông tin và ngành thuế.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, chúng ta nên dùng từ "GDP đánh giá lại", chúng ta không nên dùng từ "GDP điều chỉnh". Nếu dùng "GDP điều chỉnh" thì rất dễ hiểu nhầm sang việc chúng ta tự điều chỉnh thay đổi phương pháp tính. Trên cơ sở kết quả đánh giá lại đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, quy mô GDP bình quân đã tăng 25,4%/1 năm. Theo đó, từ năm 2021 trở đi tốc độ tăng GDP và GDP bình quân đầu người được tính trên GDP đã đánh giá lại của năm 2020, theo đó tốc độ tăng là 6% của năm 2021 và GDP bình quân đầu người của năm 2021 là 3.700 USD.
Việc triển khai lập quy hoạch vùng đang còn chậm, ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các ngành, địa phương.
Về vấn đề quy hoạch, một số đại biểu quan tâm đến các quy hoạch hiện nay tuy đang được triển khai nhưng tiến độ còn chậm, ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các ngành, địa phương. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, do đây là những nhiệm vụ mới và khó, lần đầu tiên chúng ta triển khai đồng bộ hệ thống quy hoạch theo Luật Quy hoạch và theo phương pháp tích hợp, lần đầu tiên chúng ta làm theo phương pháp này. Bên cạnh đó là sự hạn chế cả về số lượng và chất lượng của các đơn vị tư vấn, cùng với việc lập quy hoạch đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ, tổng hợp, đa ngành giữa các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai đang còn lúng túng, phối hợp chưa thật hiệu quả giữa các cơ quan, đơn vị tư vấn trong lập kế hoạch.
Việc chậm phân định vùng kinh tế - xã hội để lập các quy hoạch vùng theo quy định của Luật Quy hoạch cũng là nguyên nhân ảnh hưởng tới việc triển khai lập quy hoạch vùng đang còn chậm. Nhận thức được các nguyên nhân này, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sát sao các bộ, cơ quan trung ương, địa phương khẩn trương đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch. Đến nay, nhiệm vụ lập quy hoạch tổng thể quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua. Công tác lựa chọn tư vấn đang được thực hiện. Đến nay, đã 25/39 quy hoạch ngành quốc gia đã được phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch và đang lựa chọn tư vấn theo quy định hiện hành và đẩy nhanh tiến độ để lập quy hoạch. Còn 14 quy hoạch còn lại đang khẩn trương hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ để trình thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch ngành quốc gia.
Việc phân định vùng kinh tế - xã hội để xây dựng quy hoạch vùng đã được Thủ tướng Chính phủ kết luận, hiện đang tổ chức thẩm định dự toán nhiệm vụ lập quy hoạch vùng và lựa chọn tư vấn để xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch. Riêng đối với quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến 2050 đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện, dự kiến tháng 12 này sẽ trình cho hội đồng thẩm định quy hoạch để tổ chức thẩm định quy hoạch và sẽ trình phê duyệt chính thức trong nửa đầu năm 2021.
Về quy hoạch cấp tỉnh, đến nay đã có 56/63 địa phương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch và các địa phương đang đẩy nhanh tiến độ. 7 địa phương còn lại cũng đang hoàn thiện các hồ sơ để trình Thủ tướng Chính phủ.
Vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương trong thực hiện đầu tư công chưa được phát huy.
Về định hướng kế hoạch đầu tư công của giai đoạn 2021-2025, nhiều đại biểu cho rằng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 đã đạt được những kết quả nổi bật, khắc phục cơ bản được tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán, khắc phục tình trạng phê duyệt dự án không đảm bảo được các nguồn vốn. Chấm dứt được phát sinh, nợ đọng xây dựng cơ bản. Bố trí đủ vốn cho các chương trình mục tiêu quốc gia. Đẩy mạnh phân cấp trong quản lý hoạt động đầu tư gắn với cả trách nhiệm của từng cấp. Góp phần nâng cao được hiệu quả, hiệu lực trong công tác quản lý và sử dụng vốn nhà nước đối với cả toàn bộ quá trình đầu tư. Kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động đầu tư cũng đã được nâng cao. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đầu tư công giai đoạn 2016-2020 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế đã được các đại biểu chỉ ra như là chất lượng chuẩn bị đầu tư dự án thì thấp. Vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương chưa được phát huy. Cơ cấu đầu tư chậm, thay đổi cơ chế chính sách chưa đủ mạnh để thu hút nguồn lực xã hội tham gia đầu tư vào khu vực không có sinh lời. Giải ngân vốn đầu tư công được mặc dù đã có chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn rất chậm so với yêu cầu và tình trạng lãng phí, thất thoát cũng chưa được xử lý triệt để, v.v..
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế của giai đoạn 2016-2020, tạo hành lang pháp lý đồng bộ cho giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nguyên tắc tiêu chí định mức phân bổ vốn đầu tư công ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 tại Nghị quyết số 973 ngày 08/7. Trong đó, tăng cường phân cấp, trao quyền gắn với trách nhiệm của từng bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong việc lựa chọn, lập thẩm định, phê duyệt và phân bổ vốn đầu tư công kế hoạch 2021-2025 cho từng dự án và phân theo 13 ngành lĩnh vực do cấp mình quản lý. Nghị quyết này cũng quy định cụ thể về việc bố trí vốn đảm bảo thu hồi toàn bộ số vốn ứng trước đến nay chưa thu hồi. Bố trí đủ số vốn còn thiếu trong kế hoạch đầu tư trung hạn ngân sách 2016-2020 theo nghị quyết của Quốc hội cho các bộ, cơ quan, địa phương. Ưu tiên phân bổ vốn cho các dự án chuyển tiếp bảo đảm đầu tư, tập trung, tránh dàn trải, phát huy hiệu quả đầu tư các dự án.
Đối với các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm thì ngân sách Trung ương bố trí đủ vốn để tập trung xây dựng hoàn thành ngay một số trục giao thông như đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông toàn tuyến từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau. Giai đoạn 1 của Cảng hàng không quốc tế Long Thành chuẩn bị để triển khai dự án đường sắt tốc độ cao; đường sắt vùng kết nối đồng bộ các hệ thống giao thông với các khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng hàng không, cảng biển. Thực hiện đầu tư các dự án truyền tải điện tới vùng nông thôn, miền núi, hải đảo, các công trình thủy lợi, hồ chứa nước trọng yếu của các vùng Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và đồng bằng sông Cửu Long, bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập, tăng cường năng lực hệ thống hạ tầng thích ứng biến đổi khí hậu phục vụ sản xuất, đời sống của nhân dân.
Để bảo đảm phát triển nhanh và bền vững, Nghị quyết cũng ưu tiên hỗ trợ vốn ngân sách Trung ương cao hơn cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, miền núi phía Bắc và Tây Nguyên để đầu tư phát triển các vùng khó khăn, biên giới chịu nhiều tác động từ thiên tai, biến đổi khí hậu, v.v.. Đối với các trung tâm kinh tế, đô thị lớn thì tập trung đầu tư và đẩy nhanh tiến độ hoàn thành một số công trình giao thông trọng yếu, giải quyết các vấn đề bức xúc, cản trở đến phát triển như là ùn tắc giao thông hay úng ngập ở một số thành phố lớn. Theo đó, ưu tiên tập trung đầu tư vào các tuyến vành đai, các đường nối, cả đường cao tốc, các quốc lộ quan trọng, giao thông nội đô, đường sắt đô thị, đường xuyên tâm, các công trình đầu mối về cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải và rác thải, v.v..
Về đầu tư các công trình kết nối của các địa phương, Chính phủ sẽ hỗ trợ đầu tư cho tuyến đường ven biển của cả nước và cơ bản sẽ hoàn thành toàn tuyến từ Quảng Ninh đến Nghệ An và toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Phấn đấu đến năm 2025, cơ bản hoàn thành khép kín được từ Quảng Ninh đến Nghệ An và toàn bộ vùng đồng bằng sông Cửu Long, để tạo sự đột phá, phát triển và đảm bảo cho các địa phương. Ưu tiên dành một số vốn thỏa đáng để xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số, hình thành hệ thống trung tâm dữ liệu quốc gia, các trung tâm dữ liệu vùng và địa phương kết nối đồng bộ và thống nhất gắn phát triển dữ liệu lớn với trí tuệ nhân tạo, phát triển kinh tế số, hạ tầng số, chuyển đổi số để nâng cao năng suất lao động, năng lực quản lý, điều hành, xây dựng và hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia.
Về đề nghị của một số đại biểu đối với một số dự án kết cấu hạ tầng cụ thể, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết sẽ ghi nhận và chỉ đạo rà soát để xem xét phù hợp với Nghị quyết 973 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết 26 của Chính phủ để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định./.