Error

Web Part Error: A Web Part or Web Form Control on this Page cannot be displayed or imported. The type TVPortal.Publishing.Category.wpMenuLeftDaiBieuQuocHoi2, TVPortal.Publishing.Category, Version=1.0.0.0, Culture=neutral, PublicKeyToken=616514c961de576d could not be found or it is not registered as safe. Correlation ID: e97a67a1-79d0-90f0-19a0-59380c63b83a.

Error Details:
[UnsafeControlException: A Web Part or Web Form Control on this Page cannot be displayed or imported. The type TVPortal.Publishing.Category.wpMenuLeftDaiBieuQuocHoi2, TVPortal.Publishing.Category, Version=1.0.0.0, Culture=neutral, PublicKeyToken=616514c961de576d could not be found or it is not registered as safe.]
  at Microsoft.SharePoint.ApplicationRuntime.SafeControls.GetTypeFromGuid(Boolean isAppWeb, Guid guid, Guid solutionId, Nullable`1 solutionWebId, String assemblyFullName, String typeFullName, Boolean throwIfNotSafe)
  at Microsoft.SharePoint.WebPartPages.SPWebPartManager.CreateWebPartsFromRowSetData(Boolean onlyInitializeClosedWebParts)

ĐẠI BIỂU ĐỖ ĐỨC HỒNG HÀ: ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ DI DỜI TRỤ SỞ, TRƯỜNG HỌC, BỆNH VIỆN, CƠ SỞ Ô NHIỄM RA KHỎI NỘI ĐÔ

31/10/2019

Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội và Luật Thủ đô 2012 đưa ra mục tiêu đến hết năm 2020, hoàn thành việc di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, một số trường đại học, cơ sở khám, chữa bệnh ra khỏi trung tâm thành phố. Tuy nhiên, hiện vẫn còn hàng chục cơ sở trong danh sách vẫn chưa được di dời. Theo đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội, việc đẩy nhanh tiến độ di dời là rất cần thiết bởi Thủ đô đang đứng trước sức ép rất lớn về cơ sở hạ tầng, môi trường, giao thông.

Cơ sở hạ tầng, môi trường, giao thông Thủ đô đang bị quá tải nghiêm trọng.

Nghị quyết 11 năm 2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020 nêu rõ: đến năm 2020, hoàn thành việc di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, một số trường đại học, cơ sở khám, chữa bệnh ra khỏi trung tâm thành phố. Phấn đấu trước năm 2020, khắc phục cho được nạn úng ngập, khắc phục cơ bản nạn ùn tắc giao thông trong nội đô và đạt được những tiêu chí cơ bản của một Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại.

Ngay sau khi Nghị quyết 11 được ban hành, Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua năm 2012 cũng đã quy định: Thủ tướng Chính phủ quyết định biện pháp và lộ trình di dời một số cơ sở sản xuất công nghiệp ra khỏi nội thành; di dời một số bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp ra khỏi nội thành hoặc xây dựng cơ sở khác của các bệnh viện, cơ sở này ở bên ngoài nội thành. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội có trách nhiệm bố trí quỹ đất cho các cơ quan trung ương, đơn vị sự nghiệp công lập để di dời trụ sở theo quy hoạch. Ngân sách nhà nước bố trí kinh phí đầu tư cho cơ quan, đơn vị di dời theo phân cấp.

Như vậy, Nghị quyết của Bộ Chính trị và quy định trong Luật Thủ đô cũng đã nêu rõ yêu cầu cũng như mốc thời gian phải hoàn thành việc di dời các cơ sở ô nhiễm môi trường, trường học, bệnh viện, trụ sở làm việc ra khỏi nội đô. Tuy nhiên, đến thời điểm này việc thực thi trên thực tế vẫn chậm chạp và gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Di dời cơ sở gây ô nhiễm: bao giờ mới hoàn thành?

- Cơ sở hạ tầng của Thủ đô luôn trong tình trạng quá tải.

- Tình trạng tắc đường diễn ra thường xuyên, nhất là vào giờ cao điểm và các kỳ nghỉ lễ, Tết.

- Không khí ngột ngạt vì ô nhiễm.

..... Đây là kết quả quả của sự phát triển chóng mặt của Hà Nội trong nhiều năm qua, làm thay đổi bộ mặt đô thị thành phố nhưng điều này cũng đặt ra yêu cầu về về giảm mật độ dân số, phương tiện nội đô, hạn chế ùn tắc giao thông, đặc biệt là giảm ô nhiễm môi trường đang ngày càng cấp bách…

Theo các chuyên gia môi trường, nguồn phát thải ô nhiễm không khí tại Thủ đô Hà Nội chủ yếu do hoạt động của các cơ sở sản xuất công nghiệp, mật độ giao thông dày đặc và rác thải sinh hoạt do mật độ dân cư dày đặc… khiến ô nhiễm không khí ô nhiễm không khí càng trở nên tồi tệ hơn. Điều đáng lo ngại, đã có thời điểm Thủ đô Hà Nội được cảnh báo lọt vào top các thành phố có mức ô nhiễm không khí nhất thế giới.

Bà Trần Lệ Thùy, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến Truyền thông và Phát triển, thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cảnh báo: “Ô nhiễm không khí ở Hà Nội đang tăng rất nhanh và ngày càng cao, thường xuyên đứng ở top 4 trên thế giới, đôi khi top 2 hoặc top 1. Thực trạng ô nhiễm không khí ở Việt Nam, đặc biệt tại  Hà Nội ở mức khá nghiêm trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân”.

Bà Trần Lệ Thùy, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến Truyền thông và Phát triển, thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam

Sau khi Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt, vấn đề di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp quy hoạch trên địa bàn 12 quận, huyện đã được đặt ra. Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, trên địa bàn 12 quận của thành phố có 186 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, có nguy cơ cháy nổ cao phải di dời. Trong đó, nhiều nhà máy có quy mô đất đai lớn, nằm tại các khu đất vàng của Thủ đô.

Hiện, Hà Nội đã hoàn thành việc khảo sát, đánh giá, phân tích và phân loại được 117 cơ sở gây ô nhiễm môi trường; đồng thời xác định lộ trình đến năm 2020 sẽ di dời toàn bộ 117 cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi nội thành. Tính đến tháng 6/2019, có 67 cơ sở sản xuất công nghiệp phải di dời đã có quyết định chuyển mục đích sử dụng đất sang xây dựng nhà ở, trường học, hạ tầng kỹ thuật, đất dịch vụ thương mại, với tổng diện tích hơn 100 ha; 27 cơ sở đã được thành phố chấp thuận chủ trương hoặc phê duyệt quy hoạch cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Như vậy, danh mục, lộ trình di dời cũng được xác, từ nay đến năm 2020, thành phố Hà Nội tiếp tục phải di dời 23 cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi nội đô.

Bà Bùi Thị An, nguyên ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội 

Lo lắng vì Hà Nội là một trong những thành phố có mức ô nhiễm không khí ở mức báo động, Bà Bùi Thị An, nguyên ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, tình trạng ô nhiễm không ở Thủ đô đang ảnh hưởng đến sức khỏe của con người và gây nhiều hệ lụy. Bà Bùi Thị An cho rằng, ai cũng biết thực trạng này, từ cơ quan chức năng tới người dân nhưng làm thế nào để giải quyết vấn đề này?. Thời gian vừa qua, thành phố Hà Nội đã đưa ra nhiều giải pháp cũng mang tính căn cơ, như di chuyển toàn bộ các làng nghề trong nội đô ra khỏi khu dân cư; đưa các trường học, bệnh viện ra ngoại thành… nhưng giải pháp này chưa được giải quyết triệt để, Bà Bùi Thị An nói.

Đại biểu Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, với tốc độ phát triển đô thị như hiện nay thì việc để các nhà máy sản xuất công nghiệp giữa nội đô thì phải có giải pháp quy hoạch để tập trung các nhà máy sản xuất vào khu công nghiệp có điều kiện đảm bảo về môi trường, trong đó có cả phương án xử lý sự cố môi trường xảy ra.

Đại biểu Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên và Nhi đồng của Quốc hội

Hơn 20 năm trước, nhiều khu, cụm công nghiệp được quy hoạch cách nội thành Hà Nội khoảng 25 - 35 km có thể được coi là phù hợp. Nhưng với sự phát triển chóng mặt của đô thị, những khu công nghiệp này nhanh chóng bộc lộ khuyết điểm và hạn chế, trong đó có nhiều khu công nghiệp nằm ở vùng lõi trung tâm bắt đầu gây ô nhiễm nặng nề. Nhìn vào danh mục các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn Thủ đô có thể thấy, bốn bề Hà Nội đều phát triển công nghiệp và mùa nào người dân cũng phải gánh chịu hậu quả của không khí ô nhiễm. Chính những cơ sở, khu công nghiệp này là thủ phạm gây ra nhiều hệ lụy về môi trường sống, mà vụ cháy (tối 28/8) vừa qua tại Công ty Rạng Đông (quận Thanh Xuân) là một thí dụ điển hình. Dư luận lại tiếp tục đặt câu hỏi: đến bao giờ những nhà máy, xí nghiệp tồn tại trong nội đô, hoặc ở nơi có quần thể cư dân mới được di dời?

Chậm trễ di dời trường học, bệnh viện ra khỏi nội đô.

Hoàn Kiếm là một quận trung tâm của Thủ đô Hà Nội, nhưng tính riêng trên địa bàn này đã có hơn chục bệnh viện lớn, như Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam Cu Ba, Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108... chưa kể là hệ thống các Trung tâm y tế, phòng khám, trường học và các công trình công cộng khác. Mỗi ngày, số người đến khám, chữa bệnh tại địa bàn quận Hoàn Kiếm đã lên tới hàng vạn người, kéo theo đó là các phương tiện giao thông cá nhân, phương tiện vận chuyển đi lại dày đặc trên các tuyến phố. Các bãi xe bệnh viện thì luôn chật cứng phương tiện, nhiều bệnh viện còn dùng cả vỉa hè cho người đi bộ để làm bãi giữ xe cho bệnh nhân và người nhà...

Theo Quyết định số 1259 ngày 26/7/2011 phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP. Hà Nội yêu cầu 13 cơ sở y tế và 12 cơ sở giáo dục phải di dời. Song, thực tế thời gian qua cho thấy mới chỉ có số ít các cơ sở thực hiện di dời, còn lại vẫn... án binh bất động.

Hiện nay mới chỉ có một số bệnh viện lớn và cơ sở y tế di dời một số hạng mục ra khỏi khu vực trung tâm, như: Bệnh viện K, Bệnh viện Nội tiết, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức… Còn các cơ sở khác chưa biết đến khi nào mới hoàn thành việc di dời.

Về phía các cơ sở giáo dục, Đại học Y tế Công cộng là cơ sở giáo dục đầu tiên thực hiện di dời ra khu ngoại thành thuộc quận Bắc Từ Liêm. Đầu năm 2019, Trường Đại học Luật Hà Nội đã khởi công Dự án xây dựng cơ sở 2 tại Bắc Ninh. Đại học Quốc gia Hà Nội khởi công xây dựng tại Hòa Lạc từ ngày 20/12/2003, với tổng kinh phí ước tính đầu tư cho dự án là 7.320 tỷ đồng song đến nay vẫn chưa đưa vào sử dụng. Đại học Bách Khoa Hà Nội sau hành trình gian nan đi tìm quỹ đất xây dựng cơ sở 2 thì đến cuối năm 2016 mới chốt được việc sẽ xây dựng ở tỉnh Bắc Ninh với quy hoạch chi tiết 1/500 và đã cắm mốc quy hoạch. Tuy nhiên, việc bao giờ khởi công và xây dựng để đưa vào sử dụng thì vẫn còn là dấu hỏi. Còn lại các trường đại học khác như Công đoàn, Kinh tế kỹ thuật công nghiệp, Ngoại thương, Răng Hàm Mặt, Văn hóa Hà Nội, Xây dựng... cũng vẫn chưa hoàn thành việc di dời khỏi nội đô.

Nguyên nhân dẫn đến việc di dời các trường học, cơ sở ô nhiễm chậm trễ là do chính sách ưu đãi về đất đai, thuế chưa phù hợp; thủ tục hành chính, việc lập hồ sơ thu hồi đất, chuyển nhượng, quyền sử dụng đất vẫn chưa linh hoạt. Nhưng các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chính là các khu đất trong nội đô đều ở vị trí đẹp, có giá trị cao cho nên các đơn vị chần chừ trong việc di dời, bàn giao đất cho thành phố.

Ông Lê Đăng Doanh, Chuyên gia Kinh tế phân tích: Nghị quyết 11 đề ra mục tiêu là đưa các trường đại học ra khỏi nội đô để giảm bớt lượng ùn tắc giao thông, bởi lượng sinh viên đi về các trường đại học rất lớn. Nhưng đề án đó chưa thực hiện tốt trong thực tiễn. Có rất nhiều lý do, liên quan đến đất đai, nhưng có lý do liên quan đến giao thông công cộng, nếu chuyển đi xa thì sinh viên sẽ đi lại như thế nào. Nếu không thì phải xây dựng các ký túc xá với đầy đủ điều kiện như internet, thể dục, văn hóa, văn nghệ. Đó là những điều mà chúng ta chưa đáp ứng được. Vì vậy, Nghị quyết 11 đúng về nguyên tắc nhưng thực hiện chậm vì thiếu những điều kiện kỹ thuật cần thiết.

Ông Lê Đăng Doanh, Chuyên gia Kinh tế

Đối với việc di dời trụ sở các bộ, ngành, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp tại hội trường kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, nhiều đại biết chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng đề nghị cho biết vì sao tiến độ di dời 13 bộ, ngành từ nội đô ra khu vực Mễ Trì, Tây Hồ Tây vẫn chậm. Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng thừa nhận mặc dù hiện nay Hà Nội đã bố trí một số địa điểm, lập danh mục phải di dời nhưng tiến độ còn chậm. Nguyên nhân là vấn đề này liên quan tới nhiều cơ quan, nhiều bộ. Cụ thể, Bộ Xây dựng được giao lập danh mục và biện pháp di dời, Bộ Y tế lập danh sách các bệnh viện, Bộ Giáo dục lập danh mục tiêu chí lộ trình di dời cơ sở giáo dục đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội lên danh sách các cơ sở dạy nghề và các tiêu chí ra ngoài ngoại thành. Bộ Tài chính có nhiệm vụ xây dựng cơ chế chính sách tài chính để khai thác quỹ đất trụ sở nội đô, đề xuất phương án án tài chính để đầu xây dựng trụ sở mới. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết: "Một số bệnh viện như cơ sở 2 của các bệnh viện: Nội tiết trung ương, Bạch Mai, Việt Đức đã di dời xong nhưng một số cơ sở của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vẫn chưa hoàn thành việc lập danh mục cũng như tiêu chí di dời".

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà

Có thể nói , việc di dời hệ thống trường học, bệnh viện và những cơ sở sản xuất ô nhiễm nhằm giãn bớt dân số và giảm thiểu những áp lực lên hệ thống hạ tầng, môi trường của khu vực trung tâm Thủ đô là vấn đề cấp bách, nhưng vấn đề này dường như vẫn dậm chân tại chỗ. Thậm chí tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định đây là một thực tế hiện hữu, cần phải được giải quyết nhanh chóng. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Việc này thực hiện rất chậm, có trách nhiệm của các Bộ ngành và cả Bộ Xây dựng nữa, đề nghị sau cuộc chất vấn này, Bộ trưởng phải ngồi lại với các bộ, ngành để làm rõ chậm ở chỗ nào, khắc phục như thế nào”.

Phó Thủ tướng Chính phủ trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Hồng Hà

Qua tổng hợp vừa rồi có thể thấy, chủ trương di dời các cơ quan, trường học, bệnh viện, cơ sở ô nhiễm ra khỏi nội đô đã có từ lâu và được đưa vào Nghị quyết của Bộ Chính trị và quy định trong Luật Thủ đô năm 2012. Vấn đề này cũng được các đại biểu Quốc hội theo dõi, giám sát và chất vấn từ họp thứ 4 đến kỳ họp thứ 7. Tuy nhiên, đến nay những khó khăn, vướng mắc vẫn chưa được tháo gỡ dứt điểm, khiến tiến độ thực hiện còn chậm so với yêu cầu đề ra. Vì vậy tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã chất vấn Thủ tướng Chính phủ về tiến độ di dời các cơ sở gây ô nhiễm, bệnh viện, trường học ra khỏi nội đô.

Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã ký Công văn số 1960 ngày 20/12/2017 trả lời Đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Hồng Hà, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội. Công văn nêu rõ: Thực hiện Nghị quyết 11 ngày 06/01/2012 của Bộ Chính trị, trong giai đoạn 2012 -2016 kinh tế của Thủ đô tăng trưởng nhanh và bền vững, quy mô chiếm 13% cả nước; đóng góp hơn 15% tổng thu ngân sách của cả nước; GRDP bình quân đầu người đến năm 2016 đạt 79,4 triệu đồng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; là một trong 5 địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông được đầu tư phát triển đồng bộ và từng bước hiện đại hóa. Lĩnh vực văn hóa – xã hội tiếp tục phát triển, đã hình thành hệ thống quy tắc ứng xử nhằm xây dựng ngừoi Hà Nội thanh lịch, văn minh; chất lượng giáo dục luôn dẫn đầu cả nước; đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao. Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh Thủ đô; chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh nhìn chung còn thấp; một số chỉ tiêu chủ yếu chưa đạt kế hoạch đề ra, còn hiện tượng quy hoạch treo, quy hoạch chồng chéo; tiến độ di dời trụ sở các cơ quan, bộ ngành, cơ sở gây ô nhiễm, bệnh viện, trường học ra khỏi nội đô còn nhiều vướng mắc, chậm tiến độ…

Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình trả lời chất vấn đại biểu

Tại văn bản, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại nêu trên là do Thủ đô luôn chịu sức ép lớn về tốc độ đô thị hóa mạnh và tăng dân số cơ học nhanh. Sự phối hợp quản lý, điều hành giữa một số Bộ, ngành trung ương và thành phố trong một số việc chưa kịp thời, chưa chặt chẽ. Một số cơ chế chính sách thiếu đồng bộ hoặc chậm ban hành, có nội dung không còn phù hợp với thực tiễn của Thủ đô…Một số cấp, ngành, lĩnh vực còn thiếu năng lực quản lý, lãnh đạo, tính năng động, sáng tạo, công tác dự báo chưa tốt. Một bộ phận đảng viên, công chức làm việc còn thiếu trách nhiệm. Năng lực một số chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn còn yếu, dẫn đến chậm tiến độ dự án,..

Để khắc phục bất cập, Chính phủ cũng nêu rõ các giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới. Trong đó, có giải pháp: Rà soát, hoàn thiện, thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các quy hoạch phát triển thành phố Hà Nội. Phát huy tinh thần “Hà Nội ”Quy hoạch, xây đựng và phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông ở ngoại thành để thực hiện di dời các cơ sở công nghiệp, trường đại học, các trung tâm, viện nghiên cứu và cơ sở y tế ra khỏi khu vực nội thành.

Về bố trí ngân sách, Chính phủ yêu cầu thành phố Hà Nội ưu tiên vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước để tập trung đầu tư các công trình, dự án cơ sở hạ tầng đô thị, thoát nước, khắc phục xử lý ô nhiễm môi trường, các cơ sở hạ tầng xã hội thiết thực phục vụ nhu cầu xã hội như giáo dục, y tế. Tập trung phát triển giao thông công cộng, xây dựng lộ trình từng bước hạn chế phương tiện giao thông cá nhân sau năm 2020 nhằm giảm ùn tắc giao thông…

Cần đẩy nhanh tiến độ di dời trụ sở, trường học, bệnh viện, cơ sở ô nhiễm ra khỏi Thủ đô

Trong phần trả lời đại biểu của Chính phủ cũng đã nêu những kết quả, hạn chế và những giải pháp thực hiện đạt các mục tiêu mà Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về phát triển Thủ đô đã đề ra, đặc biệt là phấn đấu đến năm 2020 di dời trụ sở cơ quan, bệnh viện, trường học, cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra khỏi nội đô. Vậy những giải pháp đó có nhận được sự đồng tình của đại biểu? Những giải pháp này liệu đã thực chất, hiệu quả và đáp ứng yêu cầu thực tiễn hay chưa? Phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã phỏng vấn đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội về vấn đề này:

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội

Phóng viên: Cảm ơn đại biểu đã nhận lời phỏng vấn của Cổng thông tin điện tử Quốc hội. Thưa đại biểu, được biết tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, đại biểu đã có câu hỏi chất vấn đối với Thủ tướng Chính phủ. Vậy xin đại biểu cho biết cụ thể nội dung đại biểu đã chất vấn?

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Chất vấn của tôi tập trung vào việc thực hiện Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về…. trong việc dịch chuyển trụ sở của các cơ quan thuộc Chính phủ, các trường học, bệnh viện ra khỏi khu vực nội thành của Thủ đô Hà Nội.

Phóng viên: Sau khi nhận được câu hỏi chất vấn của đại biểu, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 1960 trả lời chất vấn của đại biểu. Vậy đại biểu có đồng tình với nội dung trả lời của Thủ tướng Chính phủ?

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Tôi đã nhận được văn bản trả lời và tôi đồng tình với phần trả lời của Thủ tướng với những khó khăn và thuận lợi. Về thuận lợi, Chính phủ và UBND thành phố Hà Nội đều nhận thấy việc di dời các trụ sở các cơ quan của Chính phủ, trường học, bệnh viện ra khỏi nội đô là rất cần thiết. Bởi lẽ chúng ta đang đứng trước sức ép rất lớn về cơ sở hạ tầng, môi trường, giao thông và nhiều vấn đề liên quan đến cuộc sống của người dân Thủ đô. Điều này tạo sự đồng thuận giữa Chính phủ, UBND thành phố Hà Nội và người dân.

Tuy nhiên, việc di dời này cũng gặp rất nhiều khó khăn, trong đó lớn nhất cũng là do nhận thức. Nhận thức của một số người cho rằng khi di dời trụ sở ra khỏi nội đô thì có ảnh hưởng đến cuộc sống của cán bộ, công nhân viên chức, họ phải đi làm xa hơn, tất cả hoạt động trong khu vực nội đô có thể tạo ra nguồn thu tốt hơn so với việc phải di dời ra khỏi nội đô. Ví dụ trường học, bệnh viện, nếu chúng ta đào tạo học sinh, sinh viên hoặc đào tạo sau đại học ở trong nội thành thì sẽ rất thuận lợi, vì những cán bộ công chức, viên chức hết giờ làm việc là họ có thể đến cơ sở đào tạo để tham gia các lớp học, khóa học. Nếu chuyển ra khỏi nội đô thì cơ hội học tập của những đối tượng này sẽ khó khăn hơn. Cơ hội học tập khó khăn thì các cơ sở đào tạo cũng gặp khó khăn vì không có đầu vào, không có thêm thu nhập. Chính vì vậy, đây là cản trở lớn nhất trong việc di dời trụ sở các bộ, cơ quan trung ương, cơ sở đào tạo, bệnh viện ra khỏi nội đô.

Phóng viên: Tại văn bản trả lời, Thủ tướng Chính phủ cũng nêu rất nhiều giải pháp nhằm khắc phục những bất cập cũng như đẩy nhanh việc di dời các trụ sở ra khỏi nội đô. Đại biểu đánh giá như thế nào về những giải pháp mà Chính phủ đưa ra cũng như những chuyển biến trên thực tế thời gian qua ?

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Giải pháp mà Thủ tướng, tôi đánh giá là có sự chuyển biến rõ rệt, nhiều trụ sở hiện nay được di dời ra khỏi khu vực trung tâm. Nhiều cơ quan như Thanh tra Chính phủ, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã chuyển ra trụ sở mới ở khu vực Mỹ Đình. Nhiều cơ sở đào tạo, các bệnh viện cũng bắt đầu mở ra ở các địa bàn lân cận, ví dụ Bệnh viện Bạch Mai cơ sở ở Hà Nam, Trường Đại học Luật Hà Nội cũng có cơ sở tại Bắc Ninh. Đó là những chuyển biến, nhưng trong quá trình thực hiện cũng gặp một số khó khăn, đó là vấn đề về tài chính cũng cản trở việc thực hiện Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị.

Phóng viên: Để sớm thực hiện việc di dời các trụ sở cũng như các trường đại học ra khỏi nội đô, đại biểu có đề xuất những giải pháp như thế nào ?

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội:  Theo tôi, giải pháp thứ nhất cần đẩy mạnh tuyên truyền, chỉ khi nào tuyên truyền để mọi người đều hiểu việc di dời ra khỏi nội đô là tất yếu và phải thực hiện. Nhận thức thay đổi thì sẽ thay đổi thái độ và hành vi, khi đó sẽ tự giác thực hiện Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị. Giải pháp thứ hai là khắc phục khó khăn cho các cơ sở phải di dời, ví dụ trường học, bệnh viện, trụ sở các bộ ngành thì cần có phương tiện giao thông thuận lợi để việc di chuyển đỡ khó khăn, vất vả.

Ví dụ, trụ sở của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chuyển từ Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội chuyển ra khu Phạm Văn Bạch thì nhiều người phải di chuyển rất xa, cũng ảnh hưởng và làm đảo lộn cuộc sống sinh hoạt của cán bộ, nhân viên. Đây cũng là điều mà cơ quan chức năng cần tính tới để hỗ trợ cho việc di chuyển trụ sở thuận lợi hơn.

Thứ ba là cần có nguồn ngân sách để hỗ trợ ban đầu khi việc di dời đó gặp khó khăn, có thể thu nhập, đời sống bị ảnh hưởng, tuy nhiên giải pháp này rất khó vì trong điều kiện khó khăn chung của đất nước thì cũng phải tính toán rất kỹ.

Ngoài ra, cũng cần có cơ chế chính sách an cư lạc nghiệp khi chúng ta chuyển ra khỏi nội thành, thậm chí ra các địa phương khác, cần có cơ chế để cán bộ yên tâm công tác. Để làm được điều này cũng cần có thời gian. Ở một số quốc gia trên thế giới, việc đi làm từ thành phố này sang thành phố khác cách nhau 100-200km là điều bình thường nhưng vấn đề giao thông ở Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được điều này.

Phóng viên: Hà Nội với vai trò là Thủ đô của cả nước, là trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế của quốc gia. Vậy theo ý kiến của đại biểu, trong chiến lược phát triển thủ đô giai đoạn 2011 -2020 cần ưu tiên, chú trọng nội dung nào?

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Theo quan điểm của tôi, Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung cần phát triển kinh tế nhưng cũng phải giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa, không thể đánh đổi kinh tế lấy bất cứ thứ gì. Ngoài ra, chúng ta phải bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn giao thông, đây là vấn đề quan trọng đối với bất cứ thành phố nào, nhất là Thủ đô Hà Nội cần phải được ưu tiên hàng đầu.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đại biểu!

Chủ trương di dời các cơ sở gây ô nhiễm, không phù hợp quy hoạch chung ra khỏi nội đô Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2011. Việc di dời hệ thống trường học, bệnh viện và những cơ sở sản xuất ô nhiễm nhằm giãn bớt dân số và giảm thiểu những áp lực lên hệ thống hạ tầng, môi trường của khu vực trung tâm Thủ đô là vấn đề cấp bách, nhưng vấn đề này dường như vẫn dậm chân tại chỗ.

Qua ý kiến của Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà cho thấy, việc di dời trụ cơ cơ quan làm việc, trường đại học, bệnh viện và cơ sở gây ô nhiễm môi trường là điều cần thiết. Tuy nhiên, để làm được điều này, Chính phủ và các bộ ngành liên quan cần nghiên cứu, tính toán phương án di dời phù hợp, giảm những tác động tiêu cực tới đối tượng thuộc diện phải di dời. Đặc biệt, là cần tăng cường đầu tư hệ thống giao thông đồng bộ, thông thoáng, kết nối giữa trung tâm Thủ đô với các vùng được quy hoạch bố trí di dời, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân di chuyển dễ dàng. Có như vậy mới đạt được các mục tiêu mà Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị năm 2012 đã nêu ra, nhằm xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội xứng đáng với vai trò là trung tâm chính trị -hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng đồng bằng Sông Hồng và cả nước./.

Lan Hương