Error

Web Part Error: A Web Part or Web Form Control on this Page cannot be displayed or imported. The type TVPortal.Publishing.Category.wpMenuLeftDaiBieuQuocHoi2, TVPortal.Publishing.Category, Version=1.0.0.0, Culture=neutral, PublicKeyToken=616514c961de576d could not be found or it is not registered as safe. Correlation ID: 7b7267a1-c9e0-90f0-dd35-d6997a75dfdf.

Error Details:
[UnsafeControlException: A Web Part or Web Form Control on this Page cannot be displayed or imported. The type TVPortal.Publishing.Category.wpMenuLeftDaiBieuQuocHoi2, TVPortal.Publishing.Category, Version=1.0.0.0, Culture=neutral, PublicKeyToken=616514c961de576d could not be found or it is not registered as safe.]
  at Microsoft.SharePoint.ApplicationRuntime.SafeControls.GetTypeFromGuid(Boolean isAppWeb, Guid guid, Guid solutionId, Nullable`1 solutionWebId, String assemblyFullName, String typeFullName, Boolean throwIfNotSafe)
  at Microsoft.SharePoint.WebPartPages.SPWebPartManager.CreateWebPartsFromRowSetData(Boolean onlyInitializeClosedWebParts)

GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: NHÀ Ở XÃ HỘI - THIẾU HỤT NGUỒN CUNG

28/08/2019

Thời gian qua, các chính sách phát triển nhà ở xã hội đã mang lại nhiều lợi ích cho hàng trăm nghìn hộ gia đình thu nhập thấp có chỗ ở ổn định. Tuy nhiên, theo Bộ Xây dựng, đến năm 2020, các khu vực đô thị của cả nước có hơn 1,7 triệu người khó khăn về nhà ở và 1,7 triệu công nhân có nhu cầu ổn định chỗ ở. Mặc dù các văn bản quy phạm pháp luật về nhà ở hiện tương đối đầy đủ và đồng bộ nhưng trên thực tế nguồn cung nhà ở xã hội vẫn đang trong tình trạng thiếu trầm trọng.

Khu đô thị Đặng Xá, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội

Khu Đô thị Đặng Xá được coi là khu nhà ở xã hội tiên phong của thành phố Hà Nội và đến nay sau nhiều năm, Đặng Xá vẫn là mô hình mẫu phát triển cho nhiều khu đô thị cho người thu nhập thấp của Thủ đô. Năm 2015, các dự án nhà ở cho người thu nhập thấp và nhà ở xã hội với 23 tòa chung cư, gồm hơn 3 nghìn căn hộ tại khu đô thị được đưa vào hoạt động, với hệ thống hạ tầng khá đồng bộ, từ nhà trẻ, trường mầm non, khu thể thao, dịch vụ, góp phần giải quyết nhu cầu nhà ở cho hàng nghìn gia đình thu nhập thấp.

Ông Đặng Văn Tích, Khu đô thị Đặng Xá, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội là một trong những người nhận được hỗ trợ từ chính sách nhà ở xã hội. Ông Tích cho biết: “Nhà ở xã hội phù hợp với những hộ khó khăn về nhà ở, cán bộ công nhân viên làm việc ở Hà Nội không đủ tiền để mua nhà ở thương mại. Đây là chủ trương hay, người dân được vay, trả nợ dần về lâu dài.Chúng tôi cảm thấy rất vui”.

Theo Bộ Xây dựng, Chương trình phát triển nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp đến nay đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 98 dự án nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 40.700 căn hộ (đang tiếp tục triển khai 153 dự án, quy mô xây dựng khoảng 93.800 căn hộ) và đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 100 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp, với quy mô xây dựng khoảng 41.000 căn hộ (đang tiếp tục triển khai 73 dự án với quy mô xây dựng khoảng 88.400 căn hộ). Nhờ các chính sách phát triển dự án nhà ở xã hội mà các hộ dân sống trong các dự án nhà ở xã hội ở nhiều địa phương đều rất hài lòng với cuộc sống là minh chứng cho tính đúng đắn của chủ trương phát triển nhà ở xã hội.

Ông Lê Quang Hùng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho biết, thời gian qua đã có một loạt các hành lang pháp lý từ Luật Nhà ở, dẫn chiếu tới các nghị định, thông tư, các chương trình mục tiêu. Ngoài ra, Chính phủ cũng có các gói tín dụng để hỗ trợ cho việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, cũng như hỗ trợ cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội với lãi xuất thấp.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng

Từ khi gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ mua nhà dành cho người nghèo, người thu nhập thấp kết thúc thời hạn giải ngân vào năm 2016, các doanh nghiệp bất động sản không còn mặn mà đầu tư nhà ở xã hội; còn người thu nhập thấp không được tiếp cận với nguồn vốn vay lãi suất thấp. Trong khi đó, với dân số đô thị chiếm hơn 30 triệu người và tăng trưởng dân số đô thị dự kiến hàng năm khoảng 900 nghìn người, vấn đề nhà ở cho người dân tại các thành phố ở Việt Nam đang ngày càng cấp bách.

Từ Thanh Hóa ra Hưng Yên làm công nhân, lương tháng của hai vợ chồng chị Lê Thị Nương chỉ đủ chi phí sinh hoạt hàng ngày và nuôi con, nên không có đủ dư dả để mua nhà ở thương mại. Chị mong muốn Nhà nước có chính sách hỗ trợ những người thu nhập tháp có thể mua nhà giá rẻ hoặc có hình thức mua nhà theo kiểu trả góp.

Theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nhu cầu nhà ở bình dân ngày càng bức thiết khi cơ cấu dân số đang bước vào thời kỳ dân số vàng, với 70% dân số trong độ tuổi lao động, sự phát triển của các gia đình trẻ, nhu cầu tách hộ của các gia đình lớn... Đến năm 2020, 40% dân số Việt Nam trên tổng số khoảng 100 triệu dân sẽ sống ở khu vực đô thị/thành phố. Như vậy, theo tính toán của Bộ Xây dựng, thời điểm hiện nay, tại các khu vực đô thị cả nước có hơn 1,7 triệu người khó khăn về nhà ở và 1,7 triệu công nhân có nhu cầu ổn định chỗ ở. Để đáp ứng nhu cầu nhà ở này, cần phải xây dựng khoảng 700.000 căn hộ.

Mặc dù Chiến lược Phát triển nhà ở Quốc gia, đến năm 2020, cả nước phấn đấu xây dựng tối thiểu khoảng 12,5 triệu mét vuông nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho người thu nhập thấp tại các đô thị lớn. Tuy vậy, việc triển khai trên thực tế đang gặp khó khi đến thời điểm này mới đạt trên 30% kế hoạch. Nguyên nhân khiến các chủ đầu tư không mặn mà xây nhà xã hội chủ yếu do thiếu nguồn vốn hỗ trợ, chính quyền địa phương chưa quan tâm nhất là tạo quỹ đất cho các chủ đầu tư. Bên cạnh đó, không ít trường hợp người mua được nhà ở xã hội tìm cách bán hưởng lợi, hoặc cho thuê lại sai quy định. Trong khi đó, giá nhà ở xã hội ngày một cao, có nơi tương đương mức giá nhà ở thương mại đã khiến dư luận nghi ngờ về chính sách nhà ở dành cho người thu nhập thấp đang bị biến tướng.

Ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục Quản lý Nhà ở và Thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng

Ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục Quản lý Nhà ở và Thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng, nguyên nhân của những khó khăn này là các nguồn vốn hỗ trợ cho các đối tượng thu nhập thấp từ ngân sách còn hạn chế. Theo quy định của Luật đầu tư công, việc bố trí, hỗ trợ ngân sách phải đưa vào kế hoạch trung hạn, nhưng trong danh mục hỗ trợ của các chương trình dự án giai đoạn 2016-2020 chưa có danh mục hỗ trợ về nhà ở. Do đó, việc triển khai vốn hỗ trợ gặp khó khăn. Đây là khó khăn nhất trong quá trình triển khai các dự án nhà ở xã hội.

Mặc dù, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về nhà ở xã hội đã từng bước được bổ sung, hoàn thiện về cơ bản đã hình thành khung pháp lý tương đối đầy đủ và đồng bộ để điều chỉnh việc phát triển nhà ở xã hội. Đặc biệt, Luật Nhà ở được Quốc hội ban hành năm 2014 đã nêu rõ: Nhà nước ban hành cơ chế, chính sách miễn, giảm thuế, miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tín dụng dài hạn với lãi suất ưu đãi, các cơ chế ưu đãi tài chính khác và hỗ trợ từ nguồn vốn của Nhà nước để thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại phải dành diện tích đất ở để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở. Tuy nhiên, việc phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà ở xã hội cho công nhân các khu công nghiệp, nhà ở cho người thu nhập thấp thời gian qua vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Vì vậy, thời gian tới Bộ Xây dựng cần tiếp tục phối hợp với các bộ ngành, địa phương nghiên cứu, tham mưu Chính phủ giải bài toán thiếu nguồn cung nhà ở xã hội, đặc biệt tại các thành phố lớn.

Theo ý kiến của một số đại biểu Quốc hội, để phát triển hơn nữa các dự án nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng cần chủ trì phối hợp với các bộ ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện thể chế, bổ sung các cơ chế chính sách như thế nào để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, bảo đảm phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của đất nước và khả năng chi trả của từng đối tượng? Phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã ghi nhận ý kiến của một số đại biểu Quốc hội về vấn đề này:

Phóng viên: Thưa đại biểu, thời gian qua Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ người thu nhập thấp mua nhà ở xã hội, tuy nhiên vẫn tình trạng thiếu nguồn cung nhà ở xã hội vẫn đang diễn ra do tốc độ đô thị hóa nhanh. Quan điểm của đại biểu về vấn đề này như thế nào?

- Bà Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII: Tình trạng thiếu nhà ở xã hội thì ở đất nước nào cũng xảy ra không riêng gì ở Việt Nam. Thời gian qua, tạo điều kiện cho chủ đầu tư lấy đất làm nhà xã hội sau đó bán lại cho người có nhu cầu. Theo tôi đây chỉ là một giải pháp và chưa giải quyết được triệt để vấn đề, đó là chưa kể nhiều dự án nhà ở xã hội chất lượng kém, có trường hợp bán nhà ở không đúng đối tượng. Vấn đề này Chính phủ đã phát hiện ra nên công tác quản lý nhà ở xã hội đã có chuyển biến.

Bà Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII

- Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình: Thời gian qua, chính sách nhà ở xã hội được Đảng, Quốc hội, Chính phủ quan tâm mở rộng nguồn vốn vay cho các doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội. Tuy nhiên, có tình trạng nhiều nơi, nhiều doanh nghiệp xây nhà ở xã hội nhưng người dân không ở mà bán đi, làm sai lệch chính sách nhà ở xã hội, dẫn đến tình trạng người thực sự cần thì không được mua. Chính sách ngân hàng ban hành cho vay hỗ trợ, có doanh nghiệp áp dụng, có doanh nghiệp lại không áp dụng, nên chính sách chưa thực sự đi vào cuộc sống. Nguyên nhân cơ bản theo tôi do nền kinh tế gặp khó khăn làm cho nhiều hộ dân không có điều kiện phát triển kinh tế; nguyên nhân thứ hai là có tình trạng một số đối tượng lợi dụng chính sách hỗ trợ của nhà nước để mua bán nhà ở xã hội không đúng quy định.

Phóng viên: Để đáp ứng nhu cầu nhà ở xã hội ngày càng tăng hiện nay, theo đại biểu Bộ Xây dựng cũng như Chính phủ cần có những giải pháp gì?

- Bà Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII: Tôi đề nghị Chính phủ chỉ đạo, Bộ Xây dựng nghiên cứu và có giải pháp cho các cặp vợ chồng trẻ, người thu nhập thấp thuê với mức thấp, chứ không nhất thiết mua nhà xã hội. Có lẽ cơ quan chức năng của Việt Nam nên tham khảo kinh nghiệm từ các nước tiên tiến, bằng cách với những gia đình thu nhập thấp, chưa đủ điều kiện có thể thuê nhà. Còn nhà nước quản lý chất lượng công trình nhà ở cho thuê. Bởi thực tế hiện nay nhiều người dân phản ánh chất lượng các công trình nhà ở xã hội xuống cấp rất nhanh, nhiều nhà chưa đủ điều kiện vận hành an toàn như phòng cháy chữa cháy, chất lượng nước….

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho rằng cần quản lý chặt chẽ các đối tượng được mua nhà ở xã hội.

- Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình: Theo tôi giải pháp sắp tới, Bộ Xây dựng cần rà soát kỹ, khi thực hiện chính sách nhà ở xã hội, cho các doanh nghiệp vay vốn và cho các hộ gia đình mua nhà cần đúng đối tượng, không được bán và chuyển nhượng. Giải pháp thứ hai là quản lý chặt chẽ các đối tượng được mua nhà ở xã hội xứng đáng, tránh tình trạng lợi dụng chính sách hỗ trợ của nhà nước, gây tổn hại đến quyền được của người khác. Bên cạnh đó cũng cần vận động các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm huy động vốn, tài trợ để tài trợ cho người có thu nhập thấp, hộ nghèo có chỗ ở ổn định.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

“Nhà ở xã hội” là chủ trương, chính sách đúng đắn, với những đột phá từ quan điểm, tư tưởng, cách thức tiếp cận cho tới giải pháp thực thi, cùng với sự quyết tâm và vào cuộc tích cực của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã đem lại nhiều kết quả quan trọng trong thời gian qua. Nhưng theo ý kiến của đại biểu Bùi Thị An và Nguyễn Ngọc Phương, để xây dựng chính sách tổng thể phát triển nhà ở xã hội, Chính phủ cần nghiên cứu áp dụng hệ thống tài chính nhà ở một cách bền vững, trong đó huy động cả nguồn tài chính xã hội hoá và vốn nước ngoài. Bên cạnh đó, để cải thiện hiệu quả các chính sách nhà ở xã hội đòi hỏi phải có số liệu thống kê chính xác nhu cầu thực tế, rà soát các quy định để xác định đúng đối tượng cần hỗ trợ, đảm bảo thực hiện thành công mục tiêu an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước./.

Lan Hương