Error

Web Part Error: A Web Part or Web Form Control on this Page cannot be displayed or imported. The type TVPortal.Publishing.Category.wpMenuLeftDaiBieuQuocHoi2, TVPortal.Publishing.Category, Version=1.0.0.0, Culture=neutral, PublicKeyToken=616514c961de576d could not be found or it is not registered as safe. Correlation ID: a13d67a1-9968-90f0-dd35-d89b163cf88b.

Error Details:
[UnsafeControlException: A Web Part or Web Form Control on this Page cannot be displayed or imported. The type TVPortal.Publishing.Category.wpMenuLeftDaiBieuQuocHoi2, TVPortal.Publishing.Category, Version=1.0.0.0, Culture=neutral, PublicKeyToken=616514c961de576d could not be found or it is not registered as safe.]
  at Microsoft.SharePoint.ApplicationRuntime.SafeControls.GetTypeFromGuid(Boolean isAppWeb, Guid guid, Guid solutionId, Nullable`1 solutionWebId, String assemblyFullName, String typeFullName, Boolean throwIfNotSafe)
  at Microsoft.SharePoint.WebPartPages.SPWebPartManager.CreateWebPartsFromRowSetData(Boolean onlyInitializeClosedWebParts)

CẦN XÁC ĐỊNH VAI TRÒ, VỊ TRÍ CỦA TỔ CHỨC CÔNG ĐOÀN KHI HIỆP ĐỊNH CPTPP CÓ HIỆU LỰC

02/11/2018

Thảo luận tại tổ về việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (gọi tắt là CPTPP) cùng các văn kiện liên quan, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, khi Việt Nam tham gia Hiệp định CPTPP sẽ tác động nhiều đến lĩnh vực lao động và công đoàn.

Đại biểu Lê Quân, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội, đề xuất sửa đổi pháp luật liên quan đến lao động và công đoàn

Cho ý kiến về Chương 19, Hiệp định CPTPP, đại biểu Lê Quân - Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội, nhấn mạnh, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới yêu cầu tất cả các nước tham gia phải thông qua và duy trì các quyền được nêu trong Tuyên bố năm 1998 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Các quyền này được quy định trong 8 công ước cơ bản của ILO với nền tảng cơ bản là tự do liên kết và công nhận hiệu quả quyền thương lượng tập thể; loại bỏ tất cả các hình thức lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc; xóa bỏ phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp… Tất cả các quốc gia thành viên của ILO, bao gồm cả Việt Nam đều phải tôn trọng các quyền này. Đây được coi là những quyền được ghi nhận trên toàn thế giới trong xã hội hiện đại. Hiện Việt Nam vẫn chưa phê chuẩn ba công ước cơ bản (Công ước số 87, 98 và 105) liên quan đến tự do liên kết, quyền thương lượng tập thể và loại bỏ lao động cưỡng bức. Mặc dù pháp luật Việt Nam phần lớn đã tương thích với những nội dung này, trừ quy định về tự do liên kết quy định tại Chương 19 của Hiệp định CPTPP có quy định về tổ chức đại diện của người lao động. Như vậy, khi Hiệp định CPTPP được Quốc hội phê chuẩn, chúng ta phải chấp nhận có thêm tổ chức đại diện của người lao động bên cạnh tổ chức công đoàn đang hoạt động tại các doanh nghiệp hiện nay. Do vậy, để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, đại biểu Lê Quân đề xuất cần sửa đổi pháp luật liên quan đến lao động và công đoàn.

Một số đại biểu cho rằng khi có thêm một tổ chức đại diện cho người lao động thì đây là thách thức lớn đối với hoạt động của các tổ chức công đoàn. Bởi hiện nay tổ chức công đoàn ở doanh nghiệp chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thậm chí nhiều nơi không có tổ chức công đoàn. Đó là chưa kể vai trò của tổ chức công đoàn chưa thực sự mạnh mẽ. Bằng chứng là trong tất cả các cuộc đình công những năm gần đây chưa có cuộc đình công nào do công đoàn lãnh đạo. Tuy nhiên, Ban chấp hành Trung ương Đảng cũng nhận thức rõ thách thức này và thể hiện trong Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII về hội nhập quốc tế. Nghị quyết nhấn mạnh, khi tham gia các hiệp định thương mại thế hệ mới những cơ hội và thách thức có mối quan hệ qua lại và có thể chuyển hóa lẫn nhau. Cơ hội có thể thành thách thức nếu không được tận dụng kịp thời và thách thức có thể biến thành cơ hội nếu chúng ta chủ động ứng phó thành công.

Đại biểu Nguyễn Thúy Anh cho rằng, khi có thêm một tổ chức đại diện cho người lao động sẽ thách thức lớn đối với hoạt động của các tổ chức công đoàn

Đại biểu Nguyễn Thúy Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ, cho biết, trong thư thỏa thuận song phương với 10 quốc gia thì Việt Nam cũng đạt được sự nhượng bộ của các nước tham gia Hiệp định CPTPP về vấn đề này. Như vậy, đối với quy định về tự do liên kết này thì Việt Nam có 7 năm để rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật kể từ khi hiệp định có hiệu lực vào ngày 30/12/2018. Đại biểu Nguyễn Thúy Anh cũng đề nghị, trong thời điểm Việt Nam chưa kịp thời sửa đổi các luật liên quan thì Chính phủ cần có hướng xử lý kịp thời, giảm ảnh hưởng, thiệt hại không đáng có cho người lao động cũng như doanh nghiệp.

Đang giữ cương vị Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đại biểu Ngọ Duy Hiểu - Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội, chia sẻ tâm tư về vai trò của tổ chức công đoàn Việt Nam khi Hiệp định CPTPP được phê chuẩn. Đại biểu khẳng định: Khi tham vào CPTPP tổ chức công đoàn Việt Nam sẽ đứng trước những thách thức lớn nhưng vì lợi ích quốc gia dân tộc là trên hết nên chúng tôi chấp nhận thách thức này, tìm cách vượt qua và thích ứng. Theo đại biểu Ngọ Duy Hiểu, thách thức tại doanh nghiệp đó là đặt công đoàn Việt Nam trước sự cạnh tranh về việc tập hợp, kết nạp đoàn viên, thành lập tổ chức ở cơ sở, về chia sẻ nguồn lực tài chính, cũng như những khó khăn phức tạp trong việc thực thi các quy định của pháp luật về đối thoại, thương lượng tập thể, ký kết thỏa ước lao động tập thể, tổ chức và lãnh đạo đình công. Đây là những thách thức lớn của tổ chức công đoàn Việt Nam và đây là vấn đề chưa có tiền lệ trong cách tiếp cận của hệ thống chính trị nước ta. Tức là có tổ chức khác tồn tại đồng thời với tổ chức công đoàn. Nhưng khi Hiệp định CPTPP được phê chuẩn cũng có nhiều cơ hội với người lao động, đó là việc làm được tăng thêm, những tiêu chuẩn về lao động tiếp tục được nâng cao theo yêu cầu của Tổ chức Lao động quốc tế ILO. Việc tham gia Hiệp định CPTPP cũng là dịp để các tổ chức công đoàn Việt Nam phải đổi mới, nâng cao năng lực, đội ngũ cán bộ, tập trung vào nhiệm vụ cốt lõi, đổi mới tư duy và hành động, đặc biệt hướng tới việc bảo vệ và chăm lo quyền lợi người lao động.

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu đề nghị nghiên cứu hoàn thiện thể chế liên quan đến lĩnh vực lao động và công đoàn khi tham gia Hiệp định CPTPP

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu cũng nêu lên 3 đề xuất để công đoàn Việt Nam đổi mới theo hướng hiệu quả và thực chất hơn. Thứ nhất, tích cực tuyên truyền đến doanh nghiệp, người lao động, tổ chức, cơ quan về nội dung của Hiệp định cả về cơ hội và thách thức. Thứ hai, Chính phủ cần xây dựng kịch bản để phát huy mặt tích cực, lợi ích thời cơ và có kịch bản, giải pháp để hạn chế tác động tiêu cực để có môi trường phát triển bền vững, tạo thêm nhiều việc làm, hạn chế rủi ro cho doanh nghiệp. Thứ ba là hoàn thiện thể chế liên quan đến lĩnh vực lao động và công đoàn. Trong đó việc hoàn thiện Bộ Luật Lao động hiện nay là một trong những yêu cầu quan trọng. Yêu cầu bắt buộc trong Bộ Luật lao động sửa đổi là quy định về Tổ chức đại diện cho người lao động. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Chính phủ nghiên cứu quy định ở mức độ nào để đảm bảo phù hợp với cam kết quốc tế, đảm bảo Tổ chức đại diện cho người lao động hoạt động đúng mục đích tránh tình trạng lợi dụng những mục tiêu về chính trị trong hình thành tổ chức này.

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu cũng lo ngại nếu không cẩn trọng, từ tổ chức đại diện cho người lao động này lại hình thành nên loại công đoàn gọi là “công đoàn vàng” do giới chủ tự thành lập nên và thao túng, biến công đoàn là tay chân của giới chủ. Đây cũng là những vấn đề mà Tổ chức Lao động Quốc tế ILO lo lắng, quan ngại. Bên cạnh đó còn có nguy cơ hình thành tổ chức người lao động nhưng thực ra đối tượng tham gia không phải là đại diện người lao động mà lợi dung tổ chức hoạt động có động cơ chính trị và có hành động chống phá làm phức tạp tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đại biểu đề nghị Chính phủ cũng cần có giải pháp để xây dựng hệ thống pháp lý nhất định cho phù hợp để tránh những rủi ro này./.

Lan Hương - Nhóm ảnh