Error

Web Part Error: A Web Part or Web Form Control on this Page cannot be displayed or imported. The type TVPortal.Publishing.Category.wpMenuLeftDaiBieuQuocHoi2, TVPortal.Publishing.Category, Version=1.0.0.0, Culture=neutral, PublicKeyToken=616514c961de576d could not be found or it is not registered as safe. Correlation ID: 432b67a1-99c4-90f0-19a0-557a5ff792ce.

Error Details:
[UnsafeControlException: A Web Part or Web Form Control on this Page cannot be displayed or imported. The type TVPortal.Publishing.Category.wpMenuLeftDaiBieuQuocHoi2, TVPortal.Publishing.Category, Version=1.0.0.0, Culture=neutral, PublicKeyToken=616514c961de576d could not be found or it is not registered as safe.]
  at Microsoft.SharePoint.ApplicationRuntime.SafeControls.GetTypeFromGuid(Boolean isAppWeb, Guid guid, Guid solutionId, Nullable`1 solutionWebId, String assemblyFullName, String typeFullName, Boolean throwIfNotSafe)
  at Microsoft.SharePoint.WebPartPages.SPWebPartManager.CreateWebPartsFromRowSetData(Boolean onlyInitializeClosedWebParts)

SẠT LỞ Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG - THIÊN TAI HAY NHÂN TAI?

28/09/2018

Tính đến giữa năm 2018, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có 562 điểm sạt lở, với chiều dài gần 800km, trong đó 55 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm, đe dọa trực tiếp cuộc sống của gần 20 triệu người. Thiên tai hay nhân tai đang khiến tình trạng sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng nghiêm trọng?

Nhiều ngôi nhà của người dân biến mất do tốc độ sạt lở bờ sông diễn ra ngày càng nghiêm trọng

Những ngôi nhà bỗng chốc sụp đổ … Đất ở, đất sản xuất cũng bị cuốn trôi… Hàng triệu hộ dân luôn thấp thỏm, sống trong nỗi sợ hãi, bất an… Đó là cuộc sống của hàng chục triệu người dân tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Nước biển dâng cao, cùng với sự thay đổi dòng chảy tại các con sông đã khiến tình trạng sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long những năm gần đây diễn ra phổ biến. Năm sau nghiêm trọng hơn năm trước. Thống kê mới nhất của Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến nay khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có 562 điểm sạt lở, với chiều dài gần 800km, trong đó 55 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm và 140 điểm ở mức nguy hiểm đe dọa cuộc sống của gần 20 triệu người. Nhiều tỉnh đã phải công bố tình trạng khẩn cấp do sạt lở nghiêm trọng. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh An Giang xảy ra 36 vụ sạt lở bờ sông với tổng chiều dài 1.800 mét. Ðáng lo ngại hơn, hiện toàn tỉnh có 51 đoạn sông, kênh, rạch thuộc diện cảnh báo với khoảng 20.000 hộ dân bị ảnh hưởng.

Đường giao thông bị cuốn trôi do sạt lở bờ sông

Tình trạng sạt lở bờ biển cũng diễn biến hết sức phức tạp. Bờ biển từ Bạc Liêu đến Kiên Giang nhiều nơi bị sạt lở với tốc độ nhanh, trung bình mỗi năm mất khoảng 5km2. Riêng tại tỉnh Cà Mau, từ năm 2005, triều cường kèm theo sóng lớn thường xuyên đã cuốn trôi bình quân 5 - 8 km bờ biển mỗi năm, nhiều vạt rừng ngập mặn bị nước biển "gặm nhấm" hàng trăm héc-ta.

Các chuyên gia nhận định, nguyên nhân gây ra sạt lở bờ sông, bờ biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng trầm trọng là do tác nhân của thiên tai và nhân tai. Bên cạnh chịu sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, còn có tác động không nhỏ từ hoạt động của con người như việc phát triển cơ sở hạ tầng không theo quy hoạch, tình trạng gia tăng dân số, gây sức ép với các công trình, nhà ở ven sông, ven biển. Ngoài ra là sự mất cân bằng bùn cát do việc xây dựng các hồ chứa, hệ thống thủy điện ở thượng nguồn sông Mê Kong và tình trạng khai thác cát, sỏi bừa bãi ở lòng sông, ven biển và việc chặt phá rừng bừa bãi đã khiến tình trạng sạt lở có xu thế gia tăng cả về phạm vi và quy mô.

PGS.TS Nguyễn Thế Chinh - Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên môi trường, cho rằng: Dòng chảy có quy luật, không bao giờ chảy thẳng vì quy luật trái đất là vòng xoay, nên có hiện tượng bên lở bên bồi. Nhưng có nhiều nguyên nhân khiến tình hình sạt lở diễn ra ngày càng nghiêm trọng, diễn biến bất thường. Theo kết quả nghiên cứu thì tình trạng sạt lở ở khu vực này do hoạt động khai thác cát phục vụ xây dựng quá mức. Thứ hai, do tác động của các đập thủy điện vùng thượng lưu và những tác động của biến đổi khí hậu bất thường, khiến lưu lượng lúc tăng lúc giảm. Hậu quả rõ ràng nhất là ảnh hưởng đến đời sống của cư dân sống dọc bờ sông, bờ biển, nhà cửa bị cuốn trôi; hoạt động sản xuất bị ảnh hưởng và gây ra những thiệt hại cho hệ thống công trình cảng biển, đê biển.

Ông Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện Chính sách Tài nguyên và Môi trường

Kết quả nghiên cứu của Viện Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu cho thấy 38% diện tích đất ĐBSCL có thể bị nước biển nhấn chìm vào năm 2100. Các chuyên gia cũng cảnh báo, nếu khuynh hướng sạt lở diễn ra ngày càng trầm trọng, thì sẽ gây thiệt lại lớn đối với nền kinh tế đất nước. Bởi Đồng bằng sông Cửu Long là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam: đóng góp 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% các loại trái cây của cả nước; 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu. Ngoài ra, Đồng bằng sông Cửu Long còn có vị trí thuận tiện trong giao thương với các nước ASEAN và Tiểu vùng sông Mê Công.

Tình trạng sông "nuốt" đất, "nuốt" nhà, biển "gặm nhấm" rừng phòng hộ  đang xảy ra từng ngày, từng giờ tại Đồng bằng sông Cửu Long. Đáng báo động hơn khi những năm gần đây sạt lở bờ sông, bờ biển diễn ra bất thường và nghiêm trọng, không theo một quy luật nhất định; tần suất và cường độ những trận sạt lở diễn ra vào mùa khô ngày một nhiều. Việc giải quyết vấn đề sạt lở này đã và đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết, khi sinh kế của hàng chục triệu người đang đứng trước nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đâu là giải pháp cho vấn đề này cả trước mắt và lâu dài.

Cổng thông tin điện tử Quốc hội đã ghi nhận ý kiến của một số đại biểu Quốc hội:

Phóng viên: Tình hình sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường. Bên cạnh tác động của biến đổi khí hậu thì cũng có nguyên nhân từ hoạt động của con người. Quan điểm của đại biểu về vấn đề này như thế nào?

Ông Đặng Thuần Phong, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre: Sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long là thách thức thật sự. Người dân nơi đây có thói quen sống bám theo kênh rạch và sông ngòi. Nếu sạt lở diễn ra thì thiệt hại về tài sản và tính mạng là rất lớn, nhưng nguyên nhân vì sao lại sạt lở? Chúng ta cũng đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng do lưu lượng nước ở khu vực này bị thay đổi do việc xây dựng các công trình thủy điện ở thượng nguồn nên nguồn nước không còn nhiều phù sa như trước đây. Hơn nữa, nạn khai thác cát không theo quy hoạch, diễn biến phức tạp, gây sạt lở bờ sông. Không chỉ sạt lở ở sông, rạch mà sạt lở bờ biển diễn biến phức tạp, nhất là ở Mũi Cà Mau, khu vực đê biển tây Kiên Giang.

Đại biểu Đặng Thuần Phong cho rằng khai thác cát là một trong những nguyên nhân khiến sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng nghiêm trọng

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: Sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long là vấn đề rất lớn, diễn ra trên phạm vi rộng. 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang ít nhiều đều phải gánh chịu hậu quả. Tính chất sạt lở cũng diễn ra nghiêm trọng, đã có nhiều vụ sạt lở gây thiệt hại lớn về tài sản và tính mạng người dân. Những ngôi nhà bị nhấn chìm trong phút chốc đã khiến tâm lý của người dân ở khu vực này rất bất an. Các đại biểu quốc hội khi tiếp xúc cử tri tại các địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long rất bức xúc và chia sẻ với những bất an mà người dân đang phải đối mặt.

Ông Lưu Bình Nhưỡng, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre: Năm nay người dân ở Đồng bằng sông Cửu Long vui hơn mọi năm vì có nước về thì đồng nghĩa với có thu nhập. Nước về cũng sẽ chống được xâm nhập mặn từ biển vào. Tuy nhiên, tình trạng sạt lở vẫn là nỗi lo thường trực của người dân nơi đây. Nguyên nhân thì có nhiều, trong đó có cả nhân tai và thiên tai. Tôi cho rằng, muốn có giải pháp tổng thể, trước mắt cần có sự đánh giá chính xác của các nhà khoa học về thủy lợi, thủy nông, địa chất, quy hoạch dân cư, khai thác tài nguyên…

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh cần có sự đánh giá chính xác của các nhà khoa học tìm nguyên nhân thì mới có giải pháp tổng thể khắc phục tình trạng sạt ở ở Đồng bằng sông Cửu Long

Phóng viên: Thưa đại biểu, trước yêu cầu cấp bách ứng phó, thích nghi với biến đổi khí hậu, sạt lở đất, các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cần làm gì để hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản?

Ông Đặng Thuần Phong, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre: Chúng tôi rất mừng là Chính phủ đã chỉ đạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng có những dự án, xây dựng các nguồn quỹ để hỗ trợ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long khắc phục tình trạng sạt lở. Nhưng khắc phục theo hướng nào để có giải pháp căn cơ tránh tình trạng tạm bợ khiến người dân không an tâm sinh sống tại nơi mình từng gắn bó. Theo tôi, những giải pháp đó phải gắn với chương trình biến đổi khí hậu, gắn với việc hợp tác quốc tế với các quốc gia. Với nguồn lực đầu tư thì cần có sự hỗ trợ của ngân sách và phân bổ ngân sách khoa học, bài bản. Đồng thời, học tập kinh nghiệm của các nước trên thế giới để chống xâm nhập mặn, ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong công tác quản lý nhà nước thì cần tăng cường công tác quản lý khai thác cát, tránh tình trạng khai thác trái phép, khai thác không theo quy hoạch. Còn với người dân, khuyến cáo, hướng dẫn để người dân chủ động di dời đến nơi an toàn nếu có dấu hiệu sạt lở. Những giải pháp này cần được triển khai đồng bộ, trong đó nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương quan trọng.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, để giải quyết vấn đề sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long cần có sự phân cấp và liên kết vùng

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: Theo tôi cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp theo hướng đồng bộ và tổng thể. Về mặt đối ngoại, chúng ta cần có những cuộc gặp với các nước liên quan, bàn giải pháp và có thể ra điều ước quốc tế để xác định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ gắn với quyền lợi của các nước có liên quan đến sông Mê Kông. Còn ở trong nước, tôi nghĩ Chính phủ cần rà soát quy hoạch vùng, quy hoạch ngành gắn với ứng phó với biến đổi khí hậu, sạt lở bờ sông bờ biển. Có như vậy mới giải quyết vấn đề tổng thể. Và chúng ta cần có sự phân cấp mạnh mẽ hơn từ Chính phủ tới các bộ, ngành, địa phương và có sự liên kết phối hợp giải quyết đối với những vấn đề mang tính liên ngành, liên vùng.

Ông Lưu Bình Nhưỡng, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre: Ở đây cần có sự nghiên cứu đồng bộ, tổng thể. Tôi được biết Chính phủ đang chỉ đạo gấp rút các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, sạt lở. Trong đó cũng đã huy động các nhà khoa học nghiên cứu nguyên nhân, giải pháp, từ đó thực hiện chống sạt lở hiệu quả hơn. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm hiện nay đó là Chính phủ cần có chỉ đạo quyết liệt đối với các địa phương ngăn chặn hoạt động khai thác cát trái phép. Thứ hai là cần quy hoạch xây dựng cho bà con vùng sạt lở, tránh tình trạng người dân xây dựng nhà dọc hai bờ sông, gây nguy hiểm tính mạng và tài sản của người dân. Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải cũng cần nghiên cứu hệ thống giao thông đường bộ tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn các Đại biểu!

Lan Hương