Ảnh: Hạnh Nam
Tại Khoản 2, Điều 2 Dự thảo Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi) quy định: Tổ chức của Chính phủ gồm các bộ, cơ quan ngang bộ. Việc thành lập, bãi bỏ bộ, cơ quan ngang bộ do Chính phủ trình Quốc hội quyết định.
Phân tích điều này, Phó Chủ nhiệm Hồ Trọng Ngũ cho rằng, “thực ra chúng ta có Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ”, các cơ quan thuộc Chính phủ không ngang Bộ nhưng phải quản lý nhà nước trên một lĩnh vực nhất định. Trên thực tế nhiều cơ quan của Chính phủ đã hình thành trong các luật, ví dụ như trong Luật cơ yếu, mặc dù Ban cơ yếu Chính phủ thuộc Bộ Quốc phòng nhưng lại được xác định là cơ quan của Chính phủ, Bộ Quốc phòng chỉ thay mặt Chính phủ trực tiếp quản lý. Do đó, Phó Chủ nhiệm Hồ Trọng Ngũ đề nghị, phải đưa các cơ quan thuộc Chính phủ vào cơ cấu tổ chức của Chính phủ, xác định rõ trong Dự thảo Luật để từ đó tạo vị thế để quản lý nhà nước trên lĩnh vực đó.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật xác định rất kỹ cơ cấu tổ chức của các Bộ, cơ quan ngang bộ nhưng lại không xác định cơ cấu tổ chức của Chính phủ. Đây là vấn đề chưa nhất quán bởi cơ cấu tổ chức của Chính phủ ổn định hơn so với bộ, tổng cục và pháp luật thì điều chỉnh những vấn đề ổn định. Do đó, Phó Chủ nhiệm Hồ Trọng Ngũ đề nghị “cần phải có tư duy ngược lại”, phải xác định cơ cấu tổ chức của Chính phủ, còn cơ cấu cấp dưới đến tổng cục thì không cần.
Về cơ cấu tổ chức của các bộ, Phó chủ nhiệm Hồ Trọng Ngũ cho rằng, có bộ có tổng cục nhưng có bộ không có, bên cạnh đó, tất cả các bước soạn thảo văn bản cho đến điều hành trực tiếp là từ các cục đưa lên đến bộ, tổng cục sẽ “chơi vơi” vì không là một cấp quản lý hành chính nước. Đặt câu hỏi: “Cấp quản lý nhà nước sau bộ đến cục hay tổng cục?” và “Tổng cục có phải là một cấp quản lý hành chính nhà nước không?”, Phó chủ nhiệm Hồ Trọng Ngũ đề nghị cần phải nhất quán giải quyết vấn đề này trong Dự thảo Luật.