Kỳ họp thứ Tám vừa qua là kỳ họp mà QH đã có những chuyển động hết sức tích cực, đáp ứng được đòi hỏi của thực tế cuộc sống. QH chủ động đặt vấn đề và tạo điều kiện các kiến nghị của ĐBQH có thể ra được Nghị quyết. Ví dụ như vấn đề cai nghiện ma túy, theo kiến nghị của Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh và Đoàn ĐBQH một số tỉnh, thành khác thì thực tế đang cho thấy có những khó khăn, vướng mắc khi áp dụng xử lý vi phạm hành chính, đưa người nghiện vào những trung tâm cai nghiện...
Hay như Đề án đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Đây là một trong những nội dung rất quan trọng, ảnh hưởng đến cả thế hệ học sinh, được đông đảo dư luận xã hội quan tâm. Các ĐBQH đã trao đổi, thảo luận, mổ xẻ trước khi đưa ra quyết định ban hành Nghị quyết của QH về Đề án này, trong đó xác định mục tiêu nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông...
Đây là những ví dụ sinh động để khẳng định rằng QH đã bắt kịp nhịp đập và hơi thở của cuộc sống.
Với công tác xây dựng luật, đa số các dự án luật được tiến hành theo đúng quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trình QH xem xét, thông qua tại 2 kỳ họp. Trong đó một số dự án luật nhận được sự quan tâm đặc biệt của các ĐBQH. Ví dụ Đoàn TP Hồ Chí Minh chúng tôi đặc biệt quan tâm đến dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Tôi nhận thấy phong cách làm việc của ĐBQH đã có sự thay đổi theo hướng ngày càng tích cực, trách nhiệm. Trước mỗi vấn đề nêu ra, các ĐBQH đưa ra những ý kiến trái chiều. ĐBQH không phát biểu ý kiến theo một hướng mà có sự mổ xẻ, nhìn nhận, đánh giá vấn đề từ nhiều khía cạnh khác nhau. Ở đây chưa bàn đến ai đúng ai sai, nhưng rõ ràng chúng ta chỉ tìm ra chân lý khi có sự tranh luận, nhìn nhận các vấn đề từ nhiều phía và trong không khí thật dân chủ để ĐBQH trình bày ý kiến của mình. Sau đó trên cơ sở các ý kiến đó để chọn ra phương án hay nhất, hợp lý nhất. Các phiên thảo luận ở tổ và hội trường về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương là một trong những dự án luật như vậy, có rất nhiều ý kiến khác nhau.
Tôi cho rằng, trong cách thức tiến hành Kỳ họp, có lẽ chúng ta không nên đánh đồng tất cả các luật, luật nào cũng theo đúng quy trình xem xét thông qua tại 2 kỳ họp, một kỳ thảo luận cho ý kiến và một kỳ xem xét thông qua. Như vậy phải chăng có phần máy móc? Bởi mỗi dự án luật có một tầm vóc khác nhau. Nhất là đối với những dự án luật chưa đạt được sự thống nhất cao, còn nhiều ý kiến khác nhau mặc dù đã qua 2 kỳ họp, thì cần dành thêm thời gian để mổ xẻ sâu hơn. Đặc biệt cần tập trung vào những nhóm vấn đề chưa đạt được sự thống nhất để tìm ra giải pháp, phương án xử lý tốt nhất. Ở đây cần có vai trò quan trọng của người điều hành các phiên họp. Khi có nhiều ý kiến trái chiều đã đành, nhưng nếu có quá nhiều ý kiến trùng lặp nhau thì người điều hành phiên họp cần có sự dẫn dắt và quyết liệt hơn để cắt bỏ những phát biểu như vậy, dành thời lượng cho những phát biểu mới. Về phía ĐBQH, nhất là những đại biểu phát biểu sau, đối với những vấn đề nào đã cơ bản đạt được sự thống nhất thì nên nói ngắn gọn, không nên lặp lại. Như vậy rất lãng phí thời gian của QH.