ĐBQH TRẦN THỊ THU HẰNG: THƯỜNG XUYÊN KIỂM TRA, THANH TRA TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT VỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI

31/05/2024

Điểm nổi bật trong thực thi bình đẳng giới ở Việt Nam là việc hoàn thiện khung luật pháp, chính sách về bình đẳng giới đã tạo điều kiện cho phụ nữ có cơ hội tiếp cận và tham gia nhiều hơn vào các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tuy nhiên, việc thực hiện bình đẳng giới vẫn còn bộ lộ những tồn tại, cần giải quyết. Đại biểu Trần Thị Thu Hằng – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông đã kiến nghị một số giải pháp về cơ chế, chính sách để việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới ở Việt Nam hiệu quả hơn.

NÂNG CAO NHẬN THỨC, THAY ĐỔI THÁI ĐỘ, HÀNH ĐỘNG VỀ THỰC HIỆN BÌNH ĐẲNG GIỚI

Khoảng cách giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình được rút ngắn

Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã trình Quốc hội Báo cáo về Kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023. Qua nghiên Báo cáo, đại biểu Trần Thị Thu Hằng – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông bày tỏ vui mừng vì nhiều kết quả đạt được như báo cáo đã nêu. Theo đại biểu, Hiến pháp Việt Nam đã khẳng định nguyên tắc bình đẳng giới, như một cam kết mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị trong việc thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam. Điểm nổi bật trong thực thi bình đẳng giới ở Việt Nam là việc hoàn thiện khung luật pháp, chính sách về bình đẳng giới đã tạo điều kiện cho phụ nữ có cơ hội tiếp cận và tham gia nhiều hơn vào các lĩnh vực của đời sống xã hội. Khoảng cách giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình được rút ngắn đáng kể. 

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông 

Đại biểu dẫn chứng báo cáo mới được công của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), thì giá trị HDI (chỉ số phát triển con người) của Việt Nam năm 2022 là 0,726, đứng thứ 107/193 quốc gia và vùng lãnh thổ. Từ năm 1990 đến năm 2022, giá trị HDI của Việt Nam thay đổi từ 0,492 lên 0,726, tăng gần 50%, đưaViệt Nam vào trong nhóm các nước có HDI ở mức cao. Với chỉ số phát triển giới ở mức 1,003, Việt Nam thuộc nhóm dẫn đầu trong số 5 nhóm gồm 166 nước trên toàn thế giới, xếp thứ 68 trong số 166 nước về chỉ số phát triển giới. Đặc biệt, Việt Nam nằm trong nhóm 1/3 các nước đứng đầu thế giới về tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội; khoảng cách giữa nam giới và nữ giới trên nhiều lĩnh vực được rút ngắn.

Tuy nhiên, đại biểu Trần Thị Thu Hằng cho rằng, việc thực hiện bình đẳng giới vẫn còn bộ lộ những tồn tại, cần giải quyết như: Định kiến giới còn nặng nề, là rào cản chủ yếu đối với những nỗ lực thúc bình đẳng giới; Bạo lực giới diễn biến phức tạp và có xu hướng tăng ở một số dạng bạo lực, vi phạm quyền của phụ nữ và tác động nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống của phụ nữ. Địa vị kinh tế- xã hội, cơ hội việc làm, thu nhập, vị thế việc làm... của nữ giới còn có khoảng cách rất lớn so với nam giới: Chênh lệch thu nhập giữa nam và nữ, cơ hội phụ nữ tiếp cận những việc làm có thu nhập cao vẫn thấp hơn so với nam giới, lao động nữ chưa được đánh giá cao như lao động nam, là đối tượng dễ bị rủi ro và tổn thương hơn khi doanh nghiệp có nhu cầu cắt giảm nhân lực. 

Cùng với đó, chính sách, pháp luật về bình đẳng giới triển khai còn chậm, việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về công tác phụ nữ, cán bộ nữ chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ.

Đội ngũ cán bộ nhìn chung còn thiếu về số lượng, hạn chế về kiến thức, kỹ năng và thiếu kinh nghiệm trong tổ chức triển khai nhiệm vụ. Ở các bộ, ngành, địa phương, hầu hết cán bộ làm công tác bình đẳng giới đều kiêm nhiệm và thường xuyên thay đổi nên hiệu quả công tác còn hạn chế.

Một số chính sách được tạo ra để “bảo vệ phụ nữ” đã không còn phù hợp với mọi phụ nữ trong tình hình hiện nay. Các quy định yêu cầu cơ quan, doanh nghiệp sử dụng lao động thực hiện ưu đãi lao động nữ và đảm bảo một số điều kiện đặc biệt như nghỉ thai sản, chăm sóc trẻ em… cũng là những yếu tố rào cản đáng kể khiến các doanh nghiệp không muốn tuyển lao động nữ vào làm việc.

Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận về Báo cáo kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023

Công tác tuyên truyền, giáo dục về bình đẳng giới còn nhiều bất cập, chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Nguồn kinh phí bố trí cho việc thực hiện công tác bình đẳng giới hạn hẹp, chưa đáp ứng so với nhu cầu đặt ra.

Công tác thống kê, thông tin, báo cáo về bình đẳng giới chưa đảm bảo hỗ trợ có hiệu quả cho công tác quản lý nhà nước về bình đẳng giới ở các cấp. Số liệu tách biệt theo giới phục vụ cho công tác nghiên cứu, xây dựng kế hoạch và lập ngân sách chưa được quan tâm xây dựng ở từng bộ, ngành cũng như trong cả nước. Thông tin về giới ở nhiều lĩnh vực còn thiếu và chưa đồng bộ…

Thường xuyên kiểm tra, thanh tra tình hình thực hiện pháp luật, chính sách, về bình đẳng giới

Từ những tồn tại, hạn chế nêu trên, đại biểu Trần Thị Thu Hằng đề xuất một số giải pháp khắc phục. Trong đó, tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về BĐG, cụ thể hóa các Nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước về bình đẳng giới thành kế hoạch, hành động và các hướng dẫn kịp thời, cụ thể. Thường xuyên kiểm tra, thanh tra tình hình thực hiện pháp luật, chính sách, về bình đẳng giới để kịp thời xử lý các hành vi vi phạm. 

Tăng cường hơn nữa trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác bình đẳng giới. Đầu tư nguồn lực tài chính cho công tác bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới.

Đẩy mạnh, thông tin, truyền thông, giáo dục, vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức về bình đẳng giới. Xem việc thực hiện bình đẳng giới là một công việc lâu dài và cần sự phối hợp đồng bộ của toàn xã hội. “Trách nhiệm bình đẳng giới không chỉ là trách nhiệm của mỗi cá nhân, mà là trách nhiệm của mỗi gia đình và toàn xã hội; là cơ sở quan trọng để xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc”, đại biểu Trần Thị Thu Hằng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, kiên quyết đấu tranh loại bỏ các hành vi bạo lực gia đình; nâng cao hiệu quả các mô hình, cơ sở cung cấp dịch vụ phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Hỗ trợ các điều kiện cần thiết để nâng cao chỉ số phát triển giới tính với các ngành, lĩnh vực và địa phương mà chỉ số giới tính thấp hơn mức trung bình của cả nước.

Tăng cường nhân lực, nâng cao trình độ, năng lực, chế độ đãi ngộ cho cho đội ngũ cán bộ là hướng đi cần thiết trong bối cảnh nguồn nhân lực cho công tác này còn thiếu và yếu. Đồng thời, xây dựng cơ chế phối hợp liên bộ để thống nhất việc thu thập và công bố số liệu của Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển giới quốc gia từ Trung ương đến địa phương.

Lan Hương

Các bài viết khác