ĐBQH MAI VĂN HẢI: KHÔNG NÊN ĐẶT TÊN TÒA ÁN SƠ THẨM CHUYÊN BIỆT GẮN VỚI 3 LĨNH VỰC LÀ HÀNH CHÍNH, SỞ HỮU TRÍ TUỆ VÀ PHÁ SẢN

05/04/2024

Góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), đại biểu Mai Văn Hải – Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đồng tình với sự cần thiết thành lập Tòa án sơ thẩm chuyên biệt để thực hiện xét xử đổi với những vụ việc khó và có tính chất đặc biệt. Đại biểu cho rằng, không kên đặt tên tòa án sơ thẩm chuyên biệt gắn với 3 lĩnh vực: hành chính, sở hữu trí tuệ và phá sản.

CHÁNH ÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO NGUYỄN HÒA BÌNH: ĐỂ BẢO ĐẢM CHẤT LƯỢNG PHIÊN TÒA, CÁC NƯỚC TRÊN THẾ GIỚI CŨNG KHÔNG CHO PHÉP TRUYỀN THÔNG GHI ÂM, GHI HÌNH

Sau khi dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) được cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo phối hợp tiếp thu, giải trình, chỉnh lý nhiều nội dung đại biểu cho ý kiến. Dự thảo luật tiếp tục được hoàn thiện trên cơ sở ý kiến góp ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, trước khi trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 7 tới.

Đánh giá về bản dự thảo mới nhất sau khi đã tiếp thu các ý kiến góp ý, đại biểu Mai Văn Hải – Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa đánh giá, dự thảo Luật Tổ chức Tòa án (sửa đổi) đã được tiếp thu nhiều ý kiến xác đáng, đại biểu Quốc hội cũng thống nhất rất cao với Báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau Kỳ họp thứ 6.

Đại biểu Mai Văn Hải – Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa

Về đổi mới Toà án nhân dân cấp tỉnh, Toà án nhân dân cấp huyện theo thẩm quyền xét xử (khoản 1 Điều 4), có hai loại ý kiến: đề nghị đề nghị quy định Tòa án nhân dân sơ thẩm, Tòa án nhân dân phúc thẩm. Đóng góp ý kiến nhằm tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu Mai Văn Hải thống nhất với nội dung như dự thảo luật, quy định Tòa án nhân dân sơ thẩm, Tòa án nhân dân phúc thẩm nhằm hướng đến hoàn thiện theo hướng tổ chức Tòa án theo thẩm quyền xét xử và không giới hạn bởi địa giới hành chính. Tuy vậy, nội hàm của vấn đề này trong dự thảo luật chưa thể hiện rõ.

Cũng tại Điều 4 về tổ chức Tòa án sơ thẩm chuyên biệt, đại biểu Mai Văn Hải cho biết, điểm đ nêu rất cụ thể là Tòa án sơ thẩm chuyên biệt hành chính, Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt sở hữu trí tuệ, Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt phá sản. Cơ bản thống nhất cần quy định thành lập tòa án chuyên biệt để thực hiện xét xử đối với những vụ việc mang tính chất rất đặc biệt và khó, nhưng theo đại biểu Mai Văn Hải, không nên đặt tên tòa án gắn với 3 lĩnh vực hành chính, sở hữu trí tuệ và phá sản.

Đại biểu cho rằng, còn rất nhiều lĩnh vực khác cũng rất khó và phức tạp có thể cũng cần phải có tòa án chuyên biệt, ví dụ đất đai cũng là lĩnh vực có nhiều vụ việc cực kỳ phức tạp, thương mại quốc tế hay nhiều lĩnh vực khác, nếu chúng ta chỉ đặt 3 tòa án sơ thẩm chuyên biệt gắn với 3 lĩnh vực cụ thể chưa phù hợp. Do vậy, đại biểu đề nghị chỉ quy định rất rõ về chức năng, nhiệm vụ của các tòa án chuyên biệt trên các lĩnh vực.

Đại biểu lấy ví dụ quy định Tòa án sơ thẩm chuyên biệt trong lĩnh vực hành chính, trong lĩnh vực hành chính, tòa án cấp huyện hay tòa án cấp tỉnh lâu nay vẫn xử bình thường, theo báo cáo đã giải quyết số lượng vụ việc rất lớn, trên 25.000 vụ việc trong 7 năm (bình quân khoảng 3.600 vụ việc/năm). Đại biểu băn khoăn số lượng chúng ta giải quyết rất lớn, vậy có nên hay không nên thành lập tòa chuyên biệt sơ thẩm hành chính?. Do vậy, nên quy định tòa án sơ thẩm chuyên biệt và bên cạnh đó quy định rất rõ chức năng, nhiệm vụ xét xử ở một số lĩnh vực cụ thể, đặc thù, phức tạp.

Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

Về quy định lựa chọn ngẫu nhiên thẩm phán và hội thẩm, đại biểu Mai Văn Hải – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho biết, tại Kỳ họp thứ 6, nhiều đại biểu có ý kiến về nội dung này, nhưng trong dự thảo luật lần này vẫn giữ nguyên quy định lựa chọn ngẫu nhiên thẩm phán và hội thẩm tại phiên tòa. Đại biểu biểu bày tỏ băn khoăn vấn đề giao trách nhiệm cho Chánh án thực hiện phân công ngẫu nhiên được thực hiện theo cơ chế nào, tiêu chí để thực hiện phân công ngẫu nhiên là gì?. Theo đại biểu, nếu giao quyền cho Chánh án phân công, phải căn cứ vào trình độ, năng lực để phân công, làm sao cho trình độ thẩm phán cũng như hội thẩm phù hợp để thực hiện xét xử những vụ án đảm bảo chất lượng.

“Ví dụ như bây giờ không may rơi vào trường hợp trình độ, năng lực của thẩm phán hoặc hội thẩm hạn chế mà giao một vụ án rất khó, rất phức tạp thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng xét xử. Theo tôi ở đây chúng ta nên quy định giao trách nhiệm cho Chánh án căn cứ vào trình độ, năng lực và khả năng của thẩm phán, hội thẩm để phân công xét xử cho phù hợp với từng vụ án, như thế sẽ đảm bảo chặt chẽ và dễ thực hiện. Bây giờ giao phân công ngẫu nhiên, cơ chế thực hiện không có thì không biết như thế nào là ngẫu nhiên”, đại biểu Mai Văn Hải nêu quan điểm.

Đối với quy định về bảo vệ Tòa án tại Điều 140, đại biểu Mai Văn Hải đề xuất không nên quy định nội dung này, bởi vị trí việc làm hay con người làm bảo vệ là thực hiện hợp đồng lao động theo quy định của Chính phủ. Tòa án tối cao hay tòa án cấp cao là mục tiêu được bảo vệ, sẽ có lực lượng cảnh sát nhân dân bảo vệ. Còn lực lượng bảo vệ tòa án nhân dân các cấp, cấp tỉnh, cấp huyện nên thực hiện theo chế độ hợp đồng.

“Quy định một điều ở đây rất khó hiểu, "chuyên trách" là như thế nào, thực hiện theo chế độ hợp đồng hay chuyên trách là hưởng chế độ giống như công chức, nếu hưởng chế độ giống công chứcm cũng gần như là tăng biên chế, lại làm phình bộ máy, như vậy không đúng chủ trương. Theo tôi, riêng lực lượng bảo vệ không nhất thiết phải quy định một Điều và chúng ta thực hiện theo quy định của Chính phủ”, đại biểu Mai Văn Hải nêu ý kiến.

Lan Hương

Các bài viết khác