ĐBQH NGUYỄN THỊ THU HÀ: CÂN NHẮC VIỆC ĐỔI MỚI TAND CẤP TỈNH, CẤP HUYỆN THEO THẨM QUYỀN XÉT XỬ

26/03/2024

Góp ý vào dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh thống nhất với việc giữ nguyên quy định hiện hành về Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện, tuy nhiên đại biểu cũng đề nghị cần làm rõ khi thời cơ đủ chín, nên thành lập Toà án nhân dân sơ thẩm, Tòa án phúc thẩm.

10 VẤN ĐỀ LỚN TIẾP THU, CHỈNH LÝ DỰ THẢO LUẬT TỔ CHỨC TÒA ÁN NHÂN DÂN (SỬA ĐỔI)

HỘI NGHỊ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI HOẠT ĐỘNG CHUYÊN TRÁCH LẦN THỨ 5, NHIỆM KỲ KHÓA XV CHO Ý KIẾN VỀ DỰ ÁN LUẬT TỔ CHỨC TÒA ÁN NHÂN DÂN (SỬA ĐỔI)

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung phiên họp.

Chiều 26/3, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5, nhiệm kỳ khóa XV, các đại biểu đã thảo luận, cho ý kiến về Dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung phiên họp.

Phát biểu góp ý vào dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh bày tỏ đồng tình và đánh giá cao với dự thảo Luật. Đại biểu cho rằng cơ quan trình và cơ quan thẩm tra đã rất trách nhiệm, nghiêm túc tiếp thu, mạnh dạn đề xuất các nội dung sửa đổi với tính thuyết phục cao; đặc biệt là việc khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 để chỉnh lý dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi). 

Về nội dung cụ thể, tại khoản 1 Điều 4 về Tổ chức và thẩm quyền thành lập các Tòa án nhân dân, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Thu Hà thống nhất với việc giữ nguyên quy định hiện hành về Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện, bảo đảm thống nhất tên gọi với các cơ quan tư pháp ở địa phương, phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn của các Tòa án này đang thực hiện trong giai đoạn hiện nay.

Tuy nhiên đại biểu cũng đề nghị cần làm rõ khi thời cơ đủ chín, nên thành lập Toà án nhân dân sơ thẩm, Tòa án phúc thẩm như phương án 2 của dự thảo (đó là việc đổi mới Toà án nhân dân cấp tỉnh, Toà án nhân dân cấp huyện theo thẩm quyền xét xử thành Tòa án nhân dân phúc thẩm và Tòa án nhân dân sơ thẩm).

Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Thu Hà góp ý dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).

Theo đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Hiến pháp năm 2013 quy định “Tòa án là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Như vậy, Tòa án thực hiện thẩm quyền tài phán của quốc gia, không phải là Tòa án của tỉnh, của huyện hay của địa phương nào. Tòa án hoạt động theo thẩm quyền tố tụng nên việc tổ chức Tòa án theo cấp xét xử sơ thẩm, phúc thẩm không chỉ đơn thuần là đổi tên mà chính là tuân thủ Hiến pháp và thực hiện đúng chủ trương của Nghị quyết Trung ương 27 về các “Tòa án được tổ chức theo thẩm quyền xét xử”. Góp phần thực hiện nguyên tắc độc lập xét xử và khẳng định địa vị pháp lý của Toà án trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Bên cạnh đó, theo Báo cáo của Tòa án Nhân dân Tối cao, việc tổ chức các Tòa án theo thẩm quyền xét xử đã có trong lịch sử tổ chức Tòa án ngay từ những ngày đầu thành lập. Điều 63 Hiến pháp năm 1946 quy định Cơ quan tư pháp của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà gồm có: (a) Toà án tối cao; (b) Các Toà án phúc thẩm; (c) Các Toà án đệ nhị cấp và sơ cấp.

Theo thống kê của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh: trong 3 năm qua, toàn tỉnh Quảng Ninh có 7/13  Tòa án Nhân dân cấp huyện, thị xã thành phố (hơn 50%) thụ lý dưới 200 vụ/năm, trong đó 4 huyện thụ lý dưới 100 vụ/năm; có 4 Tòa án Nhân dân cấp huyện thụ lý trên 500 vụ; cao nhất là 1500 vụ/năm (gấp 7 lần so với 7 huyện); trong đó: cấp huyện thụ lý cao nhất 1700 vụ/năm; gấp 68 lần so với huyện thấp nhất 25 vụ (huyện Cô Tô); gấp 34 lần so với huyện thấp thứ 2 là: 50 vụ (huyện Ba Chẽ).

Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh cho rằng nếu thực hiện tòa sơ thẩm, chia theo vùng, theo khu vực thì sẽ giảm tải tổ chức bộ máy, trụ sở nếu cứ tính theo địa bàn cấp huyện; Thẩm phán, thư ký tòa, sẽ tăng kỹ năng, kinh nghiệm khi được va chạm với nhiều vụ việc hơn, nhiều loại án hơn; mang lại lợi ích to lớn, lâu dài. Số huyện chỉ có từ 3 đến dưới 5 thẩm phán là rất lớn, sẽ khó đảm bảo thực hiện xét xử nếu đi công tác, đi học, nghỉ phép… Đồng thời sẽ điều tiết dần đối với các vụ sơ thẩm từ toà án nhân dân cấp tỉnh về toà sơ thẩm, khi mà đội ngũ đảm bảo điều kiện xét xử.

Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng việc tổ chức Tòa án nhân dân phúc thẩm, Tòa án nhân dân sơ thẩm theo thẩm quyền xét xử đảm bảo Cơ chế lãnh đạo của cấp ủy Đảng, giám sát của cơ quan dân cử địa phương đối với các Tòa án; quan hệ phối hợp công tác với các Cơ quan thực thi pháp luật vẫn được thực hiện theo quy định hiện hành, không ảnh hưởng đến tổ chức, hoạt động và quan hệ phối hợp của các cơ quan tiến hành tố tụng.

Các đại biểu dự Hội nghị.

Về Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật (khoản 2 Điều 11 dự thảo Luật) Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị cần xem xét trách nhiệm của Tòa án trong việc giải trình, thông tin về quan điểm giải quyết vụ án vụ việc đang trong quá trình thụ lý, giải quyết vụ án, vụ việc.

Dự thảo quy định: “2. Tòa án, Thẩm phán, Hội thẩm và chức danh tư pháp khác của Tòa án không phải giải trình, không được thông tin về quan điểm giải quyết vụ án, vụ việc đang trong quá trình thụ lý, giải quyết vụ án, vụ việc đó”.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, tại Khoản 2 Điều 103 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”. Như vậy, Điều 103 không quy định đối với chủ thể “Toà án” gắn với nguyên tắc độc lập trong xét xử. Đồng thời, khoản 3 Điều 2 Hiến pháp năm 2013 có quy định: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Vì vậy, trong thực tế, Thẩm phán, Hội thẩm cần được độc lập trong hoạt động xét xử nhưng đối với cơ quan Toà án thì ngoài chức năng xét xử, còn phải tham gia nhiệm vụ chính trị ở địa phương, phối hợp và chịu sự kiểm soát quyền lực của các cơ quan nhà nước khác ở địa phương nên Toà án cần có trách nhiệm trong việc thông tin về tiến độ, tình hình giải quyết một số vụ án cụ thể (án điểm), những vụ án mà có thể có ảnh hưởng, tác động lớn, sâu rộng đến tình hình bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội của địa phương nên trách nhiệm Toà án phải giải trình, thôn tin về một số vụ án, vụ việc là cần thiết.

Về Giám sát hoạt động của Tòa án (tại khoản 2 Điều 21 dự thảo Luật), đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị bổ sung chủ thể “thường trực HĐND, các Ban của HĐND” giám sát hoạt động của tòa án nhân dân, theo đó, khoản 2 điều 21 điều chỉnh thành: “2. Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận giám sát hoạt động của Tòa án theo quy định của pháp luật. Việc giám sát hoạt động của Tòa án để bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật, kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động của Tòa án. Việc giám sát phải bảo đảm không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của Tòa án và độc lập của Thẩm phán, Hội thẩm khi xét xử”.

Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh cho rằng, theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân hiện hành, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện có thẩm quyền giám sát đối với hoạt động của Toà án nhân dân cùng cấp, vì vậy cần bổ sung chủ thể Thường trực và Ban của Hội đồng nhân dân vào dự thảo để bảo đảm thống nhất giữa quy định của Luật Tổ chức Toà án nhân dân và các quy định pháp luật có liên quan./.

Trọng Quỳnh - Phạm Thắng

Các bài viết khác