GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: QUY ĐỊNH TÒA ÁN KHÔNG CÓ TRÁCH NHIỆM THU THẬP CHỨNG CỨ NHẰM ĐẢM BẢO VÔ TƯ, KHÁCH QUAN TRONG QUÁ TRÌNH XÉT XỬ

13/03/2024

Điều 15 của dự thảo Luật Toà án nhân dân (sửa đổi) về việc thu thập chứng cứ có nhiều điểm mới so với Luật hiện hành khi quy định Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ... Theo ý kiến của một số đại biểu Quốc hội, quy định như dự thảo luật sẽ đảm bảo vô tư, khách quan trong hoạt động xét xử; nhưng cũng cần bổ sung thêm các phương pháp thu thập chứng cứ, nhằm nâng cao trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc cung cấp chứng cứ.

UỶ BAN TƯ PHÁP TỔ CHỨC HỘI NGHỊ VỀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ LỚN TIẾP THU, CHỈNH LÝ DỰ THẢO LUẬT TỔ CHỨC TÒA ÁN NHÂN DÂN (SỬA ĐỔI)

Theo chương trình, Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra từ ngày 14-19/3 sẽ cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng, trong đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).

Trước đó, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 6, với nhiều điểm mới hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của Tòa án nhân dân; xây dựng hệ thống Tòa án chuyên nghiệp, hiện đại, liêm chính. Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm, cho ý kiến của đại biểu Quốc hội là quy định về thu thập chứng cứ. Theo đó, tại Điều 15 của dự thảo Luật Toà án nhân dân (sửa đổi) về việc thu thập chứng cứ có nhiều điểm mới so với Luật hiện hành khi quy định Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ.

Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân – Phó Trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk

Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân – Phó Trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk cho biết, tại Khoản 1, Điều 15 dự thảo luật quy định Tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được các bên thu thập, cung cấp, giao nộp làm rõ tại phiên tòa theo quy định của pháp luật tố tụng và kết quả tranh tụng tại phiên tòa để xét xử. Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ.

Từ thực tế áp dụng pháp luật, pháp luật tố tụng, kết quả hội nghị góp ý, dự thảo luật do Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk tổ chức cho thấy, có rất nhiều quan điểm đồng thuận với quy định trong dự thảo luật và phù hợp với thực tiễn. Bởi, theo pháp luật tố tụng hiện hành trong vụ án hình sự, nghĩa vụ thu thập chứng cứ để chứng minh cho hành vi phạm tội thuộc về trách nhiệm của cơ quan điều tra, Viện kiểm sát. Còn trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính đương sự có nghĩa vụ thu thập chứng cứ, đưa ra chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình và có căn cứ khách quan, đúng đắn và hợp pháp. Việc Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ có thể dẫn tới việc không vô tư, không khách quan.

Mặt khác, việc quy định Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ là phù hợp với thông lệ của các nước có nền tư pháp phát triển và xu hướng từng bước phát triển của nền tư pháp nước ta. Tuy nhiên, thực tế kiến thức pháp luật của một bộ phận người dân vẫn còn chưa cao, khả năng tự thu thập chứng cứ rất khó khăn. Cho nên việc bỏ quy định này bước đầu áp dụng sẽ gặp những khó khăn nhất định. Để khắc phục vấn đề này đại biểu đề nghị Ban soạn thảo quan tâm nội dung sau khi quy định việc Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ.

Trong đó, cần tập trung đầu tư nguồn lực cho trung tâm trợ giúp pháp lý của Bộ Tư pháp, Trung tâm trợ giúp pháp lý của 63 tỉnh, thành để hoạt động hiệu lực, hiệu quả và đáp ứng nhu cầu trợ giúp pháp lý miễn phí cho các đối tượng yếu, gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo và nhất là những hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Hơn nữa, khi quy định Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ, cần nghiên cứu bổ sung thêm các phương pháp thu thập chứng cứ vào dự thảo luật, nhằm nâng cao trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc cung cấp chứng cứ.

Đối với quy định tại Khoản 4, Điều 15 về Tòa án hỗ trợ đương sự là người yếu thế trong xã hội, thu thập chứng cứ trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính, cũng cần quy định rõ đối tượng yếu thế gồm những ai và trong đó nghiên cứu thêm đối tượng được trợ giúp pháp lý miễn phí theo Luật trợ giúp pháp lý hiện hành.

Đại biểu Chu Thị Hồng Thái – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn

Cũng đồng tình với quy định tại Điều 15 của dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), đại biểu Chu Thị Hồng Thái – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn nêu quan điểm, Tòa án hướng dẫn yêu cầu đương sự thu thập chứng cứ và lập hồ sơ vụ việc hỗ trợ đương sự là người yếu thế trong xã hội thu thập chứng cứ theo quy định của pháp luật là phù hợp với tinh thần của nguyên tắc tranh tụng trong xét xử, đảm bảo Tòa án giữ đúng vai trò là trọng tài, không thiên vị cho bên nào trong quá trình giải quyết vụ án.

Việc quy định trách nhiệm của Tòa án trong hướng dẫn và hỗ trợ đương sự là người yếu thế, thu thập chứng cứ là cần thiết nhưng cần có hướng dẫn cụ thể đối tượng yếu thế gồm những ai?; cách thức tòa án hỗ trợ đương sự là người yếu thế thu thập chứng cứ như thế nào?; đồng thời quy định rõ trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong việc cung cấp tài liệu, chứng cứ cho đương sự; quy định cụ thể để làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, các bên liên quan để cung cấp chứng phục vụ công tác xét xử.

Thống nhất cao với quan điểm của đại biểu Lê Thị Thanh Xuân, đại biểu Nguyễn Văn Quân – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang cho rằng, quy định Tòa án không có nghĩa vụ phải thu thập chứng cứ là đủ (kể cả hành chính và các vụ việc dân sự); đồng thời nên bỏ khoản 2 và khoản 3 của Điều 15 (2. Trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính, Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ. Tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ mà các bên đã thu thập, giao  nộp cho  Tòa  án theo quy định  của  pháp  luật  tố tụng  và  kết  quả tranh tụng tại phiên tòa để xét xử. 3. Tòa án hướng dẫn,yêu cầu đương sự thu thập chứng cứ và lập hồ sơ vụ việc dân sự, vụ án hành chính).

Lý do được đại biểu Nguyễn Văn Quân nêu ra là, quy định Tòa án có trách nhiệm thu thập chứng cứ sẽ là yếu tố tạo ra sự bất bình đẳng, không vô tư trong quá trình giải quyết các vụ án. Tòa án thu thập chứng cứ, sau đó xét xử theo chứng cứ thu thập sẽ không có yếu tố khách quan. Mặt khác, Tòa án sẽ có tâm lý không coi trọng chứng cứ do các bên cung cấp, từ đó không đánh giá được đầy đủ các chứng cứ do các bên cung cấp.

Riêng trong vụ án hình sự, việc thu thập chứng cứ thuộc trách nhiệm của cơ quan điều tra và Viện kiểm sát, nếu không đủ chứng cứ kết tội bị cáo, Tòa án phải tuyên bị cáo vô tội hoặc thiếu chứng cứ trả hồ sơ, cần điều tra bổ sung. Không nên tiếp tục quy định thiếu chứng cứ thì Tòa án có trách nhiệm phải thu thập chứng cứ. Như vậy mới bảo đảm được nguyên tắc công bằng, cũng như nguyên tắc suy đoán vô tội trong tố tụng.

Đại biểu Nguyễn Công Long – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai

Theo đại biểu Nguyễn Công Long – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, việc bỏ quy định về thẩm quyền của Tòa án trong việc khởi tố vụ án là có căn cứ, vì nguyên lý của tố tụng hình sự là Tòa án là cơ quan xét xử và chỉ xét xử trên cơ sở tất cả những chứng cứ, hồ sơ do các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện; không nên để Tòa án tự mình khởi tạo hoặc khởi động trình tự tố tụng - đây là chức năng của cơ quan khác. Tuy nhiên, đai biểu cũng đề nghị cân nhắc đến tố tụng dân sự, khi đó, Tòa án giữ vai trò trung tâm, nếu bỏ vai trò thu thập chứng cứ của Tòa án có thể sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyền, nghĩa vụ của các đương sự và giảm vai trò của Tòa án.

Để đảm bảo khách quan, tôi cho rằng Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 cũng đã mở ra nhiều cơ chế để thu thập chứng cứ; trong đó có cơ chế thu thập theo các trình tự khác do các cơ quan mà luật quy định... Có lẽ có sự lo ngại nhất định về việc nếu Tòa phải đi chứng minh, phải tự mình thực hiện thu thập chứng cứ sẽ ảnh hưởng lớn đến việc đảm bảo vai trò, nhiệm vụ của tòa. Nhưng tôi cho rằng điều này cũng không hẳn bởi các cơ chế để thu thập chứng cứ rất đa dạng và pháp luật cũng quy định nhiều hình thức chứ không phải là  có một hình thức”, đại biểu Nguyễn Công Long cho biết.

Lan Hương

Các bài viết khác