ĐBQH DƯƠNG VĂN PHƯỚC: CẦN BỔ SUNG QUY ĐỊNH NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG ĐƯỢC DÙNG HỖ TRỢ ĐƠN VỊ, CƠ SỞ CÔNG NGHIỆP QUỐC PHÒNG NÒNG CỐT

10/11/2023

Góp ý về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, đại biểu Quốc hội Dương Văn Phước – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam đề nghị bổ sung điều khoản quy định cụ thể nội dung ngân sách địa phương được dùng để hỗ trợ cho các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh để làm cơ sở triển khai thực hiện.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 08/11: CHÍNH PHỦ TRÌNH QUỐC HỘI DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT ĐẤU GIÁ TÀI SẢN VÀ DỰ ÁN LUẬT CÔNG NGHIỆP QUỐC PHÒNG, AN NINH VÀ ĐỘNG VIÊN CÔNG NGHIỆP

Chiều ngày 8/11, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp.

Theo Tờ trình, dự thảo Luật có bố cục gồm 07 chương và 73 điều. Nội dung cơ bản của dự thảo Luật tập trung vào 05 chính sách nổi bật đã được Chính phủ, Quốc hội thông qua. Mục đích xây dựng luật nhằm hoàn thiện các cơ chế, chính sách đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trước mắt và lâu dài, bao gồm cả bảo đảm cơ chế, chính sách đặc thù cho những lĩnh vực đặc biệt quan trọng của công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh. Tập trung vào các nội dung: Nguồn vốn cho đầu tư; nghiên cứu phát triển vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ công nghệ cao, công nghệ lưỡng dụng; thu hút, gìn giữ nguồn nhân lực chất lượng cao, khuyến khích nhân tài phục vụ xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh; triển khai các dự án đầu tư, nghiên cứu phát triển sản phẩm mũi nhọn; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh, cơ sở động viên công nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp

Đồng thời, phát huy vai trò, chức năng, nhiệm vụ của công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trong bảo đảm vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ cho lực lượng vũ trang nhân dân; tổ chức đổi mới, sắp xếp hệ thống cơ sở công nghiệp quốc phòng, cơ sở công nghiệp an ninh phù hợp đặc thù công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và động viên công nghiệp và gắn với phương thức tác chiến của Quân đội, nhiệm vụ của Công an, đáp ứng với kinh tế thị trường, hội nhập toàn cầu; bảo đảm tập trung, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

Đặc biệt, việc xây dựng luật cũng nhằm huy động các thành phần kinh tế, doanh nghiệp ngoài lực lượng vũ trang nhân dân có tiềm lực về tài chính, khoa học công nghệ tham gia đầu tư phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và thực hiện nhiệm vụ động viên công nghiệp, tham gia sản xuất, sửa chữa vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ cho lực lượng vũ trang nhân dân; đẩy mạnh hợp tác, hội nhập quốc tế.

Dự thảo luật cũng bảo đảm tính kế thừa, phát triển những quy định của pháp luật hiện hành về công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp đã được thực tiễn kiểm nghiệm còn phù hợp; đồng thời, bổ sung những vấn đề mới để giải quyết những nội dung về công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp đặt ra trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo.Đồng thời, bảo đảm gắn kết chặt chẽ và tận dụng tối đa năng lực của công nghiệp quốc phòng và công nghiệp an ninh; không đầu tư trùng lặp, những gì công nghiệp quốc phòng làm được và đã làm thì công nghiệp an ninh không đầu tư và ngược lại. Đồng thời, nghiên cứu, tham khảo có chọn lọc pháp luật và kinh nghiệm của một số nước phù hợp với điều kiện và thực tiễn Việt Nam về tổ chức, hoạt động của công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Đại biểu Quốc hội Dương Văn Phước – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam

Quan tâm về quy định liên quan đên nguồn vốn cho phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh, đại biểu Quốc hội Dương Văn Phước – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cho biết, theo quy định  khoản 3, khoản 4, Điều 2 thì cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, Cơ sở công nghiệp an ninh do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quyết định thành lập hoặc được giao quản lý. Bên cạnh đó, tại khoản 2, Điều 16 quy định ngân sách nhà nước bố trí cho công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh trong tổng số vốn ngân sách Trung ương được cấp có thẩm quyền phân bổ cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, trong đó sẽ bao gồm kinh phí đảm bảo cho Cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, Cơ sở công nghiệp an ninh và các đơn vị, doanh nghiệp thuộc đối tượng áp dụng của Luật này.

Tuy nhiên, tại điểm d, khoản 1, Điều 16 quy định: “Ngân sách địa phương hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh”; ở điểm d chỉ cần viết ngắn gọn “Ngân sách địa phương hỗ trợ” là đủ cần gì viết tên đơn vị, doanh nghiệp và quy định này chưa phù hợp với các quy định trên; đồng thời, chưa thống nhất với quy định tại khoản 9, Điều 9 Luật Ngân sách nhà nước: “không dùng ngân sách cấp này để chi cho nhiệm vụ của ngân sách cấp khác”.

Do vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét bỏ nội dung quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 16 hoặc bổ sung điều khoản quy định cụ thể nội dung ngân sách địa phương được dùng để hỗ trợ cho các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh để làm cơ sở triển khai thực hiện.

Đối với quy định về cơ chế, chính sách trong hoạt động khoa học và công nghệ phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh tại Điều 18, đại biểu Phước chỉ ra, tại khoản 7 quy định "Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khoa học và công nghệ phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh theo nhiệm vụ do cấp có thẩm quyền phê duyệt được hưởng chính sách miễn trách nhiệm dân sự theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ và được loại trừ trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự trong trường hợp xảy ra thiệt hại, rủi ro do nguyên nhân khách quan".

Đại biểu tỉnh Quảng Nam đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung quy định đối với các tổ chức cá nhân trên được hưởng chính sách miễn trách nhiệm dân sự theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ trong trường hợp xảy ra thiệt hại, rủi ro do nguyên nhân khách quan trong khi đã thực hiện đầy đủ quy trình, quy định về nghiên cứu khoa học để đảm bảo phù hợp với điểm d khoản 1 Điều 23 Luật Khoa học và Công nghệ, viết lại như sau: "Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khoa học và công nghệ phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh theo nhiệm vụ do cấp có thẩm quyền phê duyệt được hưởng chính sách miễn trách nhiệm dân sự theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ và được loại trừ trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự trong trường hợp xảy ra thiệt hại, rủi ro do nguyên nhân khách quan, mặc dù đã thực hiện đầy đủ quy trình, quy định về nghiên cứu khoa học".

Về quy định trách nhiệm của Bộ Công an tại tại khoản 8, 9 Điều 63, đại biểu Phước đề nghị Ban soạn thảo xem xét gộp nội dung khoản 9 vào khoản 8 để tránh dàn trải nhiệm vụ của một chủ thể ở 2 khoản khác nhau, viết lại như sau: “Phối hợp với Bộ Quốc phòng xây dựng Danh mục sản phẩm vũ khí quân dụng, vật liệu nổ quân dụng đặt hàng cơ sở công nghiệp quốc phòng nghiên cứu, sản xuất phục vụ nhiệm vụ an ninh; đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn phòng chống cháy nổ cho cơ sở công nghiệp quốc phòng”. Đồng thời, điều chỉnh khoản 10 thành khoản 9 để đảm bảo logic./. 

Thu Phương

Các bài viết khác