CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA VỀ VĂN HÓA CẦN ĐƯỢC QUAN TÂM ĐÚNG MỨC

31/10/2023

Bày tỏ đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực văn hóa đối với sự phát triển bền vững của đất nước, nhiều đại biểu mong muốn lĩnh vực văn hóa nói chung, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa nói riêng trong thời gian tới cần được quan tâm đúng mức, bởi văn hóa có phát triển, các lĩnh vực kinh tế, xã hội mới phát triển bền vững.

CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA VỀ PHÁT TRIỂN VĂN HÓA - GIẢI PHÁP TRỌNG YẾU PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG ĐẤT NƯỚC TRONG GIAI ĐOẠN MỚI

Trong những năm vừa qua, phát triển văn hóa nhận được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, các chủ trương, chính sách xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã được hiện thực hóa và đi vào thực tế cuộc sống. Nhìn lại chặng đường nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trong lĩnh vực văn hóa đã có nhiều chuyển biến tích cực. Văn hóa đã trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc như Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.

Khẳng định sự quan tâm cho lĩnh vực văn hóa, trong Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2024 trình bày tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã rất nhiều lần đề cập đến từ “văn hóa”.

Cần phát triển văn hóa theo chiều sâu

Theo Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội – Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga, từ sau Hội nghị văn hóa toàn quốc 2021, chúng ta đã nỗ lực cao nhất để tập trung nguồn lực và sự quan tâm để phát triển văn hóa. Tuy nhiên dường như văn hóa mới chỉ được quan tâm nhiều ở vỏ chất bên ngoài như xây dựng các thiết chế văn hóa hoặc tính chất phong trào như số lượng làng, khu dân cư văn hóa, chứ chưa thực sự có chuyển biến rõ rệt về chất.

Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội – Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga

Qua nghiên cứu báo cáo của Chính phủ về kết quả phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2021, 2022 và 2023, thấy rằng tội phạm về trật tự xã hội có xu hướng tăng. Gần đây vẫn tiếp diễn các vụ án bạo hành trẻ em dã man, bắt cóc trẻ em rồi giết người bằng những thủ đoạn tàn độc, gây rúng động dư luận. Các hành vi lệch chuẩn văn hóa của những người có ảnh hưởng, đặc biệt là có ảnh hưởng trong giới trẻ chưa bị lên án kịp thời. Bạo lực học đường còn phức tạp. Việc cán bộ, công chức đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, trở thành mối lo lớn.

Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga đặt băn khoăn: “Tất cả những điều đó có liên quan đến văn hóa hay không? Câu trả lời là có! Đó là hệ quả của việc văn hóa chưa thực sự được chú trọng đúng mức từ chiều sâu”.

Để văn hóa thực sự được chú trọng, có sự chuyển biến về chất, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, đây không đơn thuần là việc chúng ta dành bao nhiêu ngân sách cho văn hóa hay giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện những nhiệm vụ gì. “Chừng nào việc chấn hưng phát triển văn hóa vẫn được coi chỉ là việc của ngành văn hóa chừng đó chúng ta phát triển văn hóa còn khó khăn. Mỗi cá nhân phải coi chính bản thân mình, hành vi, thái độ của mình là một phần tất yếu của văn hóa xã hội, văn hóa cộng đồng để tự điều chỉnh thì chừng đó mới có sự chuyển biến về chất”, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga nói. 

Kỳ vọng vào Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa

PGS. TS Bùi Hoài Sơn- Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, văn hóa là một yếu tố quan trọng xác định đạo đức, lối sống, giá trị cao đẹp, và lòng tự hào dân tộc, đồng thời lan tỏa sức mạnh sang các lĩnh vực kinh tế- xã hội, luôn phải được xem xét trong quá trình  hoạch định chính sách phát triển kinh tế- xã hội. Phát triển văn hóa chính là cách bảo đảm đạo đức, lối sống và những giá trị của cộng đồng, dân tộc được bảo tồn và phát triển, giúp ngăn chặn sự suy thoái về đạo đức xã hội, tạo ra môi trường tích cực cho sự phát triển cho mỗi cá nhân và toàn xã hội. Bên cạnh đó, phát triển văn hóa đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra cơ hội cho mọi người tham gia vào các hoạt động xã hội và hưởng lợi từ sự phát triển kinh tế.

PGS. TS Bùi Hoài Sơn- Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

Khai thác giá trị văn hóa của kinh tế để văn hóa trở thành nguồn lực cho sự phát triển đất nước là chủ trương xuyên suốt của Đảng qua nhiều kỳ đại hội. Đặc biệt, trong văn kiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh: “Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hoá và dịch vụ văn hoá trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hoá Việt Nam, vận dụng có hiệu quả các giá trị và thành tựu mới của văn hoá, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới”.

Bởi thế cho nên một trong những giải pháp trọng yếu mà Chính phủ đề ra cho phát triển kinh tế- xã hội trong giai đoạn tới chính là: Tiếp tục thực hiện hiệu quả Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc và Kết luận số 76-KL/TW ngày 04/6/2020 của Bộ Chính trị. Tập trung xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hoá Việt Nam (Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa). Chú trọng xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, đời sống văn hoá cơ sở, đẩy mạnh thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”. Quan tâm đầu tư hơn nữa cho bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hoá dân tộc.

“Từ sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, nhận thức về tầm quan trọng và vai trò văn hóa ở nước ta đã có những bước chuyển biến đáng kể, song để phát triển văn hóa một cách toàn diện, bền vững đòi hỏi cần có chính sách đầu tư tập trung, thống nhất trên toàn quốc. Trong đó, việc hoàn thiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa là cấp thiết, và là một trong những giải pháp trọng yếu để phát triển bền vững đất nước trong giai đoạn mới” PGS. TS Bùi Hoài Sơn nêu quan điểm.

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng

Bày tỏ quan tâm đến lĩnh vực văn hóa, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng cho biết, định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”. Theo đó, việc xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa là cần thiết, để tạo môi trường và điều kiện thuận lợi khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Nhận thức được phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng cho biết, sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Hà Tĩnh là tỉnh đầu tiên trong cả nước tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn tỉnh (ngày 19/5/2022). Tại hội nghị, nhiều giải pháp, cơ chế, chính sách được đề ra, với mục tiêu khơi dậy truyền thống văn hóa, cách mạng; ý chí, khát vọng tinh thần hiếu học của con người Hà Tĩnh đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; xây dựng và phát triển văn hóa Hà Tĩnh phù hợp với xu thế thời đại.

Hà Tĩnh có nhiều di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO vinh danh như: Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; Ca trù - di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp; Mộc bản Trường học Phúc Giang và Hoàng Hoa sứ trình đồ - di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Bên cạnh đó là hệ thống hơn 1.800 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh. Đặc biệt, Hà Tĩnh là quê hương của danh nhân văn hóa thế giới, đại thi hào Nguyễn Du, với kiệt tác "Truyện Kiều" đã vượt ra ngoài biên giới đến với độc giả nhiều nước trên thế giới, được dịch ra trên 20 ngôn ngữ...

Tuy nhiên, do nguồn lực của địa phương còn hạn chế nên chưa khai thác hết giá trị của các di sản. Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng hy vọng, trong Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa sắp tới, các di sản văn hóa được UNESCO vinh danh, tác phẩm "Truyện Kiều" sẽ được đặt vấn đề đúng mức. Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ đầu tư kinh phí để bảo tồn, phát huy hiệu quả giá trị các di sản, từ đó thắp sáng những nét đẹp trong cộng đồng, tính nhân văn trong mỗi con người./.

Thu Phương

Các bài viết khác