ĐBQH LÊ THỊ SONG AN: CẦN GIẢI PHÁP QUYẾT LIỆT ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN CÁC DỰ ÁN HẠ TẦNG GIAO THÔNG TRỌNG ĐIỂM

24/10/2023

Tham gia góp ý tại Phiên thảo luận Tổ vào sáng 24/10 về các nội dung quan trọng liên quan đến tình hình KT-XH, ngân sách nhà nước,… đại biểu Lê Thị Song An – Đoàn ĐBQH tỉnh Long An cho rằng, Chính phủ cần có các giải pháp quyết liệt hơn nữa nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, thúc đẩy sự liên kết trong phát triển giữa vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 23/10: BÁO CÁO TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KT-XH; BÁO CÁO KẾT QUẢ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 43/2022/QH15 VỀ CHÍNH SÁCH TÀI KHOÁ, TIỀN TỆ HỖ TRỢ CHƯƠNG TRÌNH PHỤC HỒI VÀ PHÁT TRIỂN KT-XH...

Đại biểu Lê Thị Song An – Đoàn ĐBQH tỉnh Long An.

Theo đại biểu Lê Thị Song An mặc dù trong thời gian qua, nền kinh tế đất nước chịu ảnh hưởng nặng nề từ những hệ lụy của đại dịch COVID-19, cũng như căng thẳng địa chính trị, xung đột quân sự, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, tình trạng lạm phát cao và kéo dài,... Song, dưới sự lãnh đạo của Đảng; sự chủ động và giám sát hiệu quả của Quốc hội; sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị; sự ủng hộ, chia sẻ, tin tưởng của các tầng lớp Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, tình hình kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực. GDP 9 tháng đầu năm 2023 tăng 4,24% so với cùng kỳ; trong đó Quý I tăng 3,28%, Quý II tăng 4,05%, Quý III tăng 5,33%; cả năm ước tăng 5%; Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 3,16%; tốc độ tăng CPI bình quân cả năm ước khoảng 3,5%; ước cả năm 2023 có 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra.

Bày tỏ thống nhất cao và đồng tình với đánh giá kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm và các nhiệm vụ, giải pháp cho năm 2024 mà báo cáo Chính phủ đã đề ra, đại biểu Lê Thị Song An đề nghị Chính phủ cần có các giải pháp quyết liệt hơn nữa nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, thúc đẩy sự liên kết trong phát triển giữa vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long.

Đại biểu tỉnh Long An nêu thực tế, Đồng bằng Sông Cửu Long và các tỉnh, thành phía Nam đã được Quốc hội, Chính phủ quan tâm đầu tư một số dự án giao thông trọng điểm như: Đường Vành đai 3; các cao tốc Bến Lức-Long Thành, Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Cao Lãnh - An Hữu, Mỹ An - Cao Lãnh. Đây là những dự án nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng, tạo các “cực tăng trưởng” đối với các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng, địa phương trong tổng thể nền kinh tế; là biện pháp khắc phục cơ cấu kinh tế “khép kín” theo địa giới hành chính, góp phần khai thác tối đa nguồn lực của xã hội.

Các tỉnh Vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng đang thiếu hụt khoản 1,4 triệu m³ cát để san lắp nền đường.​ (ảnh minh họa)

Tuy nhiên, hiện nay tình trạng thiếu vật liệu san lắp, nhất là thiếu cát san lắp các công trình trọng điểm quốc gia, theo tính toán của ngành chức năng thì đối với 04 cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Cao Lãnh - An Hữu, Mỹ An - Cao Lãnh cần khoảng 53,68 triệu m³ cát để san lắp mặt bằng cho các công trình này. Riêng một số công trình như ĐT.830E, trùng với đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh, ĐT.823D, trục mở mới Tây Bắc kết nối Long An - Thành phố Hồ Chí Minh kết nối với đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là những dự án giao thông rất quan trọng, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội các tỉnh Miền Đông Nam bộ và các tỉnh Vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng đang thiếu hụt khoản 1,4 triệu m³ cát để san lắp nền đường.

"Mặc dù trong thời gian qua, Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương đã có nhiều biện pháp chỉ đạo, trong đó có những giải pháp được cho là hữu hiệu như sử dụng các loại vật liệu thay thế cát sông như: cát biển, tro xỉ nhiệt điện; hay nghiên cứu sử dụng cầu cạn bê tông cốt thép thay thế một phần đường đắp để tận dụng được khả năng cung cấp với khối lượng lớn xi măng, sắt thép trong nước. Tuy nhiêu, đây mới chỉ dừng lại ở giai đoạn thử nghiệm.", đại biểu Lê Thị Song An nhấn mạnh.

Do đó, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình theo Nghị quyết của Quốc hội, đại biểu cho rằng cần phải có sự chỉ đạo quyết liệt hơn nữa từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhất là nâng cao hiệu quả hoạt động của các Hội đồng điều phối vùng đã được Chính phủ thành lập; triển khai hiệu quả các quy hoạch đã được phê duyệt, quyết định.

Đồng thời, khắc phục tồn tại, hạn chế để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2024, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm và 03 Chương trình mục tiêu quốc gia; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án; kiên quyết loại bỏ những dự án không cần thiết, dàn trải, kém hiệu quả. Tập trung tháo gỡ những vướng mắc, bất cập, đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, nhất là các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, sân bay, bến cảng, hệ thống đường cao tốc, các dự án có tính liên vùng, hạ tầng đô thị, hạ tầng chuyển đổi số. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phù hợp đi đôi với tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát; đề cao trách nhiệm người đứng đầu, khắc phục kịp thời, hiệu quả tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức, xử lý nghiêm các vi phạm, nhằm thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư cho phát triển, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa 02 vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long.

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm đưa vào khai thác sử dụng một số dự án giao thông có sức lan tỏa lớn theo đúng lộ trình và kế hoạch đã đề ra như: Cao tốc Bến Lức - Long Thành; dự án đường Hồ Chí Minh; Quốc lộ 62 qua tỉnh Long An;…./.

Lê Anh - Trọng Quỳnh

Các bài viết khác