ĐBQH TRẦN THỊ HỒNG THANH: THỂ CHẾ HÓA ĐẦY ĐỦ CHỦ TRƯƠNG CỦA ĐẢNG VỀ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG NHÀ Ở CHO CÔNG NHÂN TRONG KHU CÔNG NGHIỆP

11/08/2023

Góp ý về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Trần Thị Hồng Thanh – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình cho rằng, dự thảo Luật cần thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng về chính sách đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân trong khu công nghiệp.

TẠO KHUNG PHÁP LÝ KHUYẾN KHÍCH CÁC THÀNH PHẦN KINH TẾ THAM GIA ĐẦU TƯ XÂY DỰNG NHÀ Ở XÃ HỘI

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Hồng Thanh – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình

Góp ý về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Trần Thị Hồng Thanh – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình bày tỏ sự nhất trí với dự thảo luật và đánh giá cao báo cáo thẩm tra chặt chẽ, kỹ lưỡng của Ủy ban Pháp luật; đồng thời đóng góp ba nội dung để hoàn thiện dự thảo luật. Cụ thể:

Thứ nhất, về chính sách phát triển và quản lý, sử dụng nhà ở quy định tại Điều 6, đại biểu Thanh cho rằng, ngoài 7 nhóm chính sách phát triển và quản lý, sử dụng nhà ở quy định như dự thảo luật, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định bổ sung thêm chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để phù hợp với mục tiêu chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở cho người dân, đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được xác định trong Nghị quyết số 88 ngày 18/11/2019 Quốc hội khóa XIV phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 và Quyết định số 1719 ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Cùng với đó, cũng cần nghiên cứu, xem xét vấn đề bảo đảm quyền có nơi ở đối với người vô gia cư.

Thứ hai, về chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh, theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, đối với nội dung này hiện đang có 2 loại ý kiến: Một là, tán thành với quy định về chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh; Hai là, nên tích hợp chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở trong quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch xây dựng.

Đại biểu bày tỏ tán thành với loại ý kiến thứ nhất, vì quy định chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh như dự thảo Chính phủ trình sẽ là công cụ quản lý, điều tiết quan trọng của Nhà nước để thực hiện chính sách nhà ở thông qua việc định hướng mục tiêu phát triển từng loại nhà ở cho từng đối tượng, qua đó đảm bảo cân đối cung, cầu nhà ở phù hợp với nhu cầu thực tế của người dân, giúp doanh nghiệp đầu tư nhà ở xác định được đúng phân khúc nhà ở phù hợp với nhu cầu thực tế để lựa chọn hình thức, quy mô đầu tư phù hợp, hạn chế được việc phát triển tràn lan, dẫn đến có dự án bỏ hoang, lãng phí do không có nhu cầu.

Ngoài ra, để đảm bảo việc phát triển và quản lý sử dụng nhà ở phải phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở trong từng giai đoạn của địa phương, theo quy định tại khoản 2 Điều 7 của dự thảo. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định, sau khi chương trình, kế hoạch được phê duyệt phải thực hiện công bố công khai, rộng rãi cũng như là quy định cụ thể các phương thức công khai để mọi cơ quan, tổ chức, người dân, doanh nghiệp biết để thực hiện, đảm bảo đúng, phù hợp với chương trình phát triển nhà ở đã được phê duyệt.

Thứ ba, về phát triển nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp, theo đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đây là nhu cầu bức thiết hiện nay và Nghị quyết số 06 ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 cũng đã xác định nghiên cứu, ban hành thành cơ chế chính sách riêng về đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp theo hướng ưu tiên, bố trí đủ quỹ đất phát triển nhà ở cho công nhân và các thiết chế khác trong khu công nghiệp, coi nhà ở công nhân là một hạ tầng thiết yếu của khu công nghiệp.

Để thể chế hóa chủ trương này, chủ trương xây dựng nhà ở cho công nhân trong khu công nghiệp trong Nghị quyết số 06, dự thảo luật đã quy định loại hình nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp. Theo đó, tại khoản 9 Điều 3 dự thảo xác định nhà lưu trú công nhân là công trình xây dựng được đầu tư xây dựng trên phần diện tích đất dịch vụ thuộc phạm vi khu công nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế để bố trí cho công nhân, người lao động thuê lưu trú trong thời gian làm việc tại khu công nghiệp đó theo quy định của luật này. Tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 89 dự thảo luật quy định về việc xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp, điểm c khoản 2 Điều 92 của dự thảo luật quy định về yêu cầu đối với dự án xây dựng nhà lưu trú cho công nhân.

Về nội dung này, nữ đại biểu cho rằng, việc quy định loại hình nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp như dự thảo trình là không phù hợp, không đảm bảo tính chặt chẽ, khoa học và loại hình này không thể coi là nhà ở công nhân được. Về nguyên tắc nhà ở xã hội hay bất kỳ loại nhà ở nào đều phải được xây dựng trên đất ở, công trình trên đất dịch vụ trong khu công nghiệp không thể coi là nhà ở.

Ngoài ra, theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Luật Cư trú năm 2020 xác định lưu trú là việc công dân ở lại một địa điểm không phải nơi thường trú hoặc tạm trú trong thời gian ít hơn 30 ngày. Như vậy thì việc lưu trú có tính chất kém ổn định hơn nhiều so với ở. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát lại nội dung quy định này để thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng về chính sách đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân trong khu công nghiệp. Đảm bảo đáp ứng nhu cầu ăn ở, sinh hoạt ổn định của công nhân và tính thống nhất, đồng bộ với quy định của pháp luật có liên quan.

Đại biểu cho rằng, dự thảo nên quy định vấn đề này theo hướng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm xác định nhu cầu xây dựng khu nhà ở, công trình công cộng phục vụ đời sống người lao động làm việc trong khu công nghiệp để tích hợp vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị nông thôn thống nhất với quy định tại khoản 10 Điều 197 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); đồng thời, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải bố trí quỹ đất phù hợp để xây dựng nhà ở cho công nhân, đảm bảo quyền lợi của công nhân trong khu công nghiệp theo chủ trương, đường lối của Đảng./.

 

Thu Phương