Phóng viên: Thưa đại biểu, một điểm đáng chú ý của dự thảo Luật các Tổ chức tín dụng sửa đổi là sửa đổi Điều 53 về tỷ lệ sở hữu cổ phần theo hướng giảm tỷ lên sở hữu cổ phần của các cổ đông lớn bởi Ban soạn thảo cho rằng đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng sở hữu chéo trong ngân hàng. Ý kiến của Đại biểu về vấn đề này như thế nào?
ĐBQH Nguyễn Tạo: Góp ý vào dự thảo Luật tại các hội nghị lấy ý kiến về Luật các Tổ chức tín dụng sửa đổi, tôi vẫn chưa đồng tình với ban soạn thảo về quy định giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần (Điều 53),tôi đề xuất lựa chọn phương án 1 là giữ nguyên như quy định của Luật hiện hành. Tôi có thể đưa ra một số lý do căn bản. Thứ nhất là không có cơ sở, căn cứ để đề xuất các tỷ lệ như tại dự thảo Luật (từ 5%, 15%, 20% giảm xuống còn 3%, 10% và 15%). Hai là chưa có đánh giá rõ thực trạng sở hữu cổ phần tại các TCTD để xác định rõ mức độ, nguyên nhân của tình trạng sở hữu chéo; Ba là chưa có đánh giá tác động của các quy định này đối với các cổ đông hiện hữu, nhất là cổ đông chiến lược nước ngoài sẽ phải giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần sau khi luật có hiệu lực; tác động đến thị trường chứng khoán...Bốn là theo nghiên cứu thì trên thế giới không có luật ngân hàng nào đề cập chống sở hữu chéo như ở Việt Nam, các quy định chống sở hữu chéo theo các thông lệ quốc tế cũng không thấy đề cập về tỷ lệ như trên; luật ở các nước khống chế tỷ lệ sở hữu tối đa vì nguyên tắc chống độc quyền, chứ không tìm cách giảm thấp tỷ lệ này xuống để xử lý sở hữu chéo; Năm là quy định này cũng chưa thống nhất với khái niệm cổ đông lớn quy định tại Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán…
Phóng viên: Vậy như Đại biểu phân tích, còn rất nhiều nội dung dẫn đến Sở hữu chéo trong ngân hàng, chứ không nằm ở việc giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần. Vậy để giảm sở hữu chéo, dự thảo Luật cần sửa những quy định nào nữa?
Đại biểu Nguyễn Tạo, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng
ĐBQH Nguyễn Tạo: Tôi cho rằng khái niệm người có liên quan (khoản 29 Điều 4), là nội dung rất quan trọng, nếu không quy định rõ ràng, chặt chẽ sẽ tạo kẽ hở pháp lý. Hiện nay, có 3 luật có quy định về người có liên quan, đó là Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán và Luật Các tổ chức tín dụng. Theo báo cáo của NHNN, việc kiểm soát sở hữu của cổ đông lớn và người có liên quan của cổ đông lớn rất khó khăn trong trường hợp cổ đông lớn và người có liên quan của cổ đông lớn cố tình che giấu, nhờ cá nhân/tổ chức khác đứng tên hộ cổ phần sở hữu để lách quy định của pháp luật về sở hữu chéo/sở hữu vượt mức quy định hoặc lách quy định về giới hạn cấp tín dụng về nhóm khách hàng liên quan, tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông và người có liên quan. Như vậy, quy định như dự thảo Luật đã giải quyết được khó khăn, vướng mắc theo báo cáo của Ngân hàng chưa? Đề nghị rà soát kỹ quy định này tại dự thảo Luật để bảo đảm thống nhất với Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán, bảo đảm không có vướng mắc trong triển khai thực hiện. Ngoài ra, căn cứ nào, giấy tờ pháp lý nào có thể chứng minh là bác ruột, cô ruột, dì ruột, chú ruột, cậu ruột... Do đó,tôi đề nghị tiếp tục rà soát hoàn thiện quy định này, bảo đảm tính khả thi của quy định và các quy định về hạn chế đối với từng đối tượng người có liên quan (như quy định tại khoản 1 Điều 31, khoản 3 Điều 53 của dự thảo Luật...) để bảo đảm quyền lợi của người dân trong việc tham gia các hoạt động kinh tế cũng như tránh tình trạng vô tình rơi vào các quy định cấm này.
Phóng viên: Thưa đại biểu, so với Luật hiện hành, dự thảo Luật có điều chỉnh tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng theo hướng giảm xuống? Liệu điều này có ảnh hưởng gì đến cung ứng vốn của nền kinh tế hay không?
ĐBQH Nguyễn Tạo: So với Luật hiện hành, dự thảo Luật có điều chỉnh tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan tương ứng từ không được vượt quá 15% và 25% xuống còn 10% và 15% vốn tự có của NHTM, ngân hàng hợp tác xã, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô; tương tự giảm từ 25% và 50% xuống còn 15% và 25% đối với tổ chức tín dụng phi ngân hàng. Cũng giống như quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần tại Điều 53, quy định này Cơ quan soạn thảo cũng như chưa thuyết minh được việc đề xuất các tỷ lệ này.
Tôi cho rằng, việc giảm tổng mức dư nợ cấp tín dụng sẽ tác động ngay đến nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế, ảnh hưởng lớn đến việc tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp, chi phí vốn tăng cao; (ii) có thể tác động tiêu cực đến thu hút FDI của Việt Nam; tổng dư nợ cấp tín dụng cho nhóm khách hàng sẽ nhỏ hơn trước do khái niệm về người có liên quan tại dự thảo Luật đã sửa đổi theo hướng rộng hơn Luật hiện hành; thông lệ quốc tế (như Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia.., đều quy định ở mức tỷ lệ cao hơn so với quy định tại dự thảo Luật. Việc giảm tổng mức dư nợ cấp tín dụng thấp hơn so với một số nước láng giềng cũng có thể khiến môi trường đầu tư ở Việt Nam kém cạnh tranh hơn so với các nước trong khu vực... Với các lý do trên, tôi đề nghị Cơ quan soạn thảo cần cân nhắc, nghiên cứu kỹ quy định này, bảo đảm khả thi, phù hợp với thông lệ quốc tế, tránh ảnh hưởng đến sản xuât, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như nền kinh tế.
Điều cuối cùng tôi muốn nói, do dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung quan trọng, phức tạp, có ảnh hưởng đến nhiều đối tượng tác động. Do đó, đối với dự án Luật này, tôi đề nghị rà soát kỹ, một số nội dung như các nội dung về xử lý nợ xấu có thể hiệu lực từ ngày 01/01/2024 để khi Nghị quyết số 42 hết hiệu lực, bảo đảm không có khoảng trống pháp lý; còn các nội dung có tính chất phức tạp như về tỷ lệ sở hữu cổ phần, giới hạn cấp tín dụng, giới hạn về những trường họp không cùng đảm nhiệm chức vụ..., đề nghị sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2024, thậm chí là muộn hơn để bảo đảm khi luật có hiệu lực thì Nghị định hướng dẫn cũng được ban hành.
Phóng viên: Xin cảm ơn Đại biểu!