ĐBQH NGUYỄN THỊ KIM BÉ: TRÁNH TRÙNG LẶP, LÃNG PHÍ TRONG TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT

23/06/2023

Thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé – Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang cho rằng cần có cách tổ chức, phân chia thời gian, phân công nhiệm vụ, huy động nhân lực phù hợp để tránh trùng lặp, lãng phí trong hoạt động giám sát.

PHÁT BIỂU ẤN TƯỢNG TẠI PHIÊN CHẤT VẤN BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

Thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé – Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang cho rằng, về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch giám sát năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, tại Tờ trình số 467 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự kiến chương trình giám sát trong năm 2024 đã đánh giá khá đầy đủ về kết quả thực hiện chương trình giám sát năm 2022 và những tháng đầu năm 2023. Đại biểu cho rằng tờ trình đã nêu rất rõ, phân tích những mặt ưu điểm, hạn chế trong các hoạt động giám sát của Quốc hội. Đại biểu đồng tình với đánh giá này. Tuy nhiên, để phản ánh thêm một số vấn đề đại biểu cho là bất cập trong tổ chức thực hiện giám sát, đại biểu xin phản ánh một nội dung về giám sát chuyên đề tại địa phương.

Như tờ trình đã nêu, giám sát chuyên đề đã có nhiều đổi mới trong công tác tổ chức thực hiện, nhờ đó đạt hiệu quả, kết quả tích cực. Đại biểu phản ánh, trong tổ chức thực hiện của mỗi chuyên đề giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn có những bất cập từ việc phân công cho Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức giám sát, lại tiếp tục phân công cho Thường trực Hội đồng nhân dân tổ chức giám sát mà đến giờ phút này thì đã có rút kinh nghiệm, khuyến khích cho Thường trực Hội đồng nhân dân tổ chức giám sát. Như vậy, trong cùng một lúc, cùng một chủ đề và cùng một đơn vị chịu sự giám sát có 2 đoàn cơ quan dân cử tại địa phương giám sát đối với vấn đề này. Bên cạnh đó thì các đơn vị, địa phương mà được đoàn giám sát trung ương về giám sát thì lại tiếp thêm 2 lần làm việc nữa của Đoàn giám sát trung ương đó là của tổ giúp việc của đoàn đi chính thức của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Phải giám sát tới 4 lần trên một chuyên đề, trong khi đó một năm Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát tới 4 chuyên đề gửi địa phương giám sát. Đại biểu cho rằng việc tổ chức giám sát ở địa phương như vâyj là quá nhiều, gây khó khăn trong triển khai công việc.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé – Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang

Bên cạnh đó, Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương còn tổ chức giám sát riêng, Thường trực Hội đồng nhân dân, các ban của Hội đồng nhân dân cũng giám sát. Cho nên vấn đề này, đại biểu cho là bất cập, chưa đảm bảo khoa học, tiết kiệm và hiệu quả. Theo đại biểu, muốn giám sát nâng cao chất lượng thì cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của từng thành viên trong Đoàn giám sát, phải nghiên cứu, phải phân tích, đánh giá cho trúng vấn đề, kiến nghị đúng vấn đề, phù hợp và cần đeo bám để theo dõi việc giải quyết của cơ quan chức năng như thế nào đối với từng chuyên đề đó.

Bên cạnh đó thì Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân có chung 1 đơn vị cơ quan giúp việc, đó chính là cơ quan Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Như vậy để xây dựng báo cáo, tổng hợp ý kiến là xây dựng trong 2 báo cáo để gửi Đoàn giám sát của trung ương thì nội dung 2 báo cáo có nhiều điểm tương đồng. Trong khi đó, thành phần tham gia đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương và của Thường trực Hội đồng nhân dân giám sát chuyên đề đó tại địa phương là gần như nhau. Bởi vì, Đoàn giám sát cũng mời đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, mơi Mặt trận, các ngành đoàn thể có liên quan và các chuyên gia am hiểu về lĩnh vực đó, còn giám sát của Hội đồng nhân dân thì cũng mời thành phần như thế, gây lãng phí.

Từ những vấn đề trên, đại biểu kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi tổ chức thực hiện giám sát chuyên đề tại địa phương nên giao cho Đoàn đại biểu Quốc hội phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân giám sát chung mà không tách riêng, để tránh sự lãng phí trong công tác tổ chức. Kiến nghị với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi Đoàn giám sát Trung ương đến địa phương làm việc trực tiếp thì không nên giao cho Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức giám sát, để tránh sự trùng lặp trong hoạt động giám sát.

Vấn đề về thời gian tổ chức thực hiện các chuyên đề giám sát trong năm, sau khi họp xong kỳ họp cuối năm thì các đoàn giám sát đều đưa ra kế hoạch giao cho Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân giám sát trong tháng 12, từ tháng 1, tháng 2, tháng 3, tháng 4, có nghĩa là tập trung 4 chuyên đề chỉ có thời gian đó, cho nên rất khó khăn cho công tác bố trí thời gian để tổ chức thực hiện cho cả cơ quan tổ chức giám sát và cơ quan chịu sự giám sát. Chính vì vậy, đại biểu kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét nên điều tiết thời gian giám sát cho phù hợp hơn.

Việc chọn lựa chuyên đề giám sát cho Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2024, tại tờ trình đã nêu là 4 chuyên đề nêu trên. Đây là những vấn đề rất bức xúc mà Tổng Thư ký đã tổng hợp từ những đề xuất của các địa phương và các cơ quan của Quốc hội. 4 chuyên đề này đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu cho ý kiến. Đại biểu kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem lại thời gian tổ chức giám sát của từng chuyên đề. Bởi vì, có chuyên đề thời gian giám sát rất dài, từ năm 2009, từ khóa XII, XIII, XIV, XV, tức là kéo dài 4 nhiệm kỳ. Như vậy, rất khó khăn cho cơ sở trong công tác tổng hợp, đánh giá kết quả làm sao cho phù hợp với từng điều kiện.

Minh Hùng

Các bài viết khác