ĐBQH TRẦN THỊ VÂN: ĐỀ NGHỊ GIÁ TÍNH TIỀN BỒI THƯỜNG ĐẤT NÔNG NGHIỆP THEO BẢNG GIÁ; BỒI THƯỜNG ĐẤT Ở, PHI NÔNG NGHIỆP THEO GIÁ CỤ THỂ

09/06/2023

Sáng 09/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV tiến hành thảo luận tại Tổ về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Quan tâm tới nội dung này, đại biểu Trần Thị Vân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh cho rằng, nếu tính giá đất cụ thể để bồi thường khi thu hồi đất thì tất cả các dự án khi thu hồi đất đều phải xác định giá đất cụ thể trước khi thu hồi. Do đó, đề nghị sửa theo hướng "giá tính tiền bồi thường đất nông nghiệp theo bảng giá; bồi thường đất ở, đất phi nông nghiệp tính theo giá cụ thể".

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội tiếp tục cho ý kiến lần hai đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, sau khi hoàn thiện có bố cục gồm 16 chương, 263 điều, trong đó tăng 5 mục (mục 3 Chương IV, mục 1 Chương VII; mục 1, 2, 3 chương XVI), bổ sung mới 40 điều, bỏ 13 điều so với dự thảo lấy ý kiến Nhân dân.

Theo đại biểu Trần Thị Vân, việc sửa đổi Luật Đất đai là cần thiết nhằm khắc phục những tồn tại hạn chế, phát huy nguồn lực đất đai đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 18 –NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Nhấn mạnh đây là dự án luật khó, phức tạp, tác động tới hầu hết các ngành, lĩnh vực, chủ thể của xã hội, đại biểu nhận định, dự thảo Luật lần này chi tiết hơn, cụ thể hơn so với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lấy ý kiến Nhân dân.

Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng, một số quy định trong dự thảo vẫn còn chung chung, chưa cụ thể; chưa thể chế đầy đủ các chính sách mới trong Nghị quyết số 18-NQ/TW. Do đó, cần tiếp tục đánh giá tác động kỹ lưỡng, cụ thể hóa chính sách bảo đảm đồng bộ, khả thi, hiệu quả. Đồng thời, khắc phục những vấn đề còn mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng đất.

 Đại biểu Trần Thị Vân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh

Góp ý cụ thể nhằm hoàn thiện dự thảo luận, đại biểu tỉnh Bắc Ninh đề nghị bổ sung một số khái niệm như: “Đất khai hoang”; “Nguồn gốc sử dụng đất”; “Sử dụng chung”; “Đất đang có tranh chấp”.

Theo đại biểu đây là những khái niệm có rất nhiều trong dự thảo Luật nhưng chưa có nội dung giải thích rõ ràng. Đại biểu dẫn chứng, đối với khái niệm “đất đang có tranh chấp”: Làm cách nào, khi nào thì có thể xác định một thửa đất đang trong tình trạng “đất không có tranh chấp”? Đây là vấn đề vô cùng quan trọng để xác định quyền của người sử dụng đất trên thực tế.

Về quy định phân loại đất, đại biểu đề nghị xem xét bổ sung loại đất đa mục đích nhằm phù hợp với tình hình thực tế và để có căn cứ đưa loại đất này vào trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Về trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng: Tại điểm b, khoản 2, Điều 86 quy định: “… Trường hợp không liên lạc và không gửi được thông báo thu hồi đất cho người có đất bị thu hồi thì thông báo trên đài truyền hình, phát thanh Trung ương, địa phương trong 03 lần liên tiếp…”. đại biểu đề nghị làm rõ phải thông báo trên 02 phương tiện hay 01 phương tiện, đài Trung ương hay đài địa phương hay cả hai?

Liên quan đến quy định về tài chính đất đai, giá đất: Theo đại biểu do chênh lệch giữa tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải tính ở cùng một thời điểm để xác định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất bổ sung. Do đó, đề nghị sửa quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 156 quy định: “Nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trả một lần cho cả thòi gian thuê bằng mức chênh lệch giữa tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của loại đất sau khi chuyển mục đích sử dụng đất và tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của loại đất trước khi chuyển mục đích sử dụng đất tại thời điểm được chuyển mục đích sử dụng đất cho thời gian sử dụng đất còn lại”.

Về bảng giá đất, đề nghị bổ sung phạm vi áp dụng Bảng giá đất tại khoản 3, Điều 159 là “Tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân”. Do khi thu hồi đất nông nghiệp để thực hiện dự án thì đơn giá bồi thường tính theo Bảng giá đất mà không xác định lại bảng giá đất cụ thể cho từng dự án. Việc này sẽ tạo thuận lợi trong quá trình thực hiện, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và tránh được thực trạng cùng một thửa đất nông nghiệp khi thu hồi đất để thực hiện các dự án có nhiều giá.

Về giá đất cụ thể: đại biểu cho rằng, nếu tính giá đất cụ thể để bồi thường khi thu hồi đất thì tất cả các dự án khi thu hồi đất đều phải xác định giá đất cụ thể trước khi thu hồi. Điều này sẽ làm cho công tác giải phóng mặt bằng bị chậm và khó đảm bảo tiến độ. Mặt khác, nếu trong cùng một khu vực cấp huyện nhưng giá đất bồi thường mỗi dự án khác nhau sẽ khong công bằng đối với người sử dụng đất hoặc gây khiếu kiện. Do đó, đề nghị sửa theo hướng giá tính tiền bồi thường đất nông nghiệp tính theo bảng giá; bồi thường đất ở, đất phi nông nghiệp tính theo giá cụ thể.

Ngoài ra, về thông báo thu hồi đất và chấp hành quyết định thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội  vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Tại khoản 1, Điều 84 dự thảo Luật quy định: “Trước khi ban hành quyết định thu hồi đất, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải gửi văn bản thông báo thu hồi đất cho người có đất bị thu hồi, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, người có quyền và nghĩa vụ liên quan biết chậm nhất là 90 ngày đối với đất nông nghiệp và 180 ngày đối với đất phi nông nghiệp…”

Đại biểu Trần Thị Vân cho rằng với quy định này, trường hợp người sử dụng đất bị thu hồi không có mặt tại địa phương và không xác định được nơi ở của chủ sở hữu đất, sẽ gây khó khăn trong quá trình thực hiện, ảnh hưởng đến tiến độ giải phóng mặt bằng.

Do đó, đại biểu đề xuất bổ sung vào khoản 1, Điều 84 nội dung như sau: “Trường hợp không liên lạc được với người có đất thu hồi thì thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết tại trụ sở UBND xã, phường, nhà sinh hoạt cộng đồng nơi có đất thu hồi trong thời gian 30 ngày”./.

Lê Anh - Nghĩa Đức

Các bài viết khác