ĐBQH TẠ MINH TÂM: KHẮC PHỤC TÍNH BẤP BÊNH TRONG SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP

09/06/2023

Thảo luận toàn thể tại Hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT – XH và NSNN năm 2022, tình hình thực hiện kế hoạch đầu năm 2023, đại biểu Tạ Minh Tâm – Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang đề xuất một số giải pháp khắc phục tính bấp bênh trong sản xuất nông nghiệp, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, góp phần vào tăng trưởng chung.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 31/5: QUỐC HỘI TIẾP TỤC THẢO LUẬN VỀ TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

Khắc phục tính bấp bênh trong sản xuất nông nghiệp

Tại phiên thảo luận, đại biểu Tạ Minh Tâm – Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang nêu rõ, được vinh danh là trụ đỡ của nền kinh tế trong thời gian chịu sự tác động phức tạp của dịch bệnh COVID-19, đi vào phục hồi và phát triển kinh tế, được sự tập trung chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, vai trò chủ trì của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với các cơ quan quản lý nhà nước trung ương, nông nghiệp đạt mức tăng trưởng khá, năng suất, sản lượng nhiều sản phẩm chủ lực tăng, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, góp phần vào tăng trưởng chung.

Trong thực hiện chính sách khuyến khích, thúc đẩy hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với trọng tâm là Nghị định số 98 năm 2018 của Chính phủ khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Qua gần 5 năm thực hiện, đến nay đã có trên 2.000 chuỗi liên kết, với 744 hợp tác xã, 349 doanh nghiệp, trên 107.000 hộ nông dân tham gia. Các địa phương đã phê duyệt 119 sản phẩm chủ lực, trong đó có 13 loại sản phẩm thuộc nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia. Ngân sách đã bố trí hàng ngàn tỷ đồng để hỗ trợ thực hiện các dự án, kế hoạch liên kết theo Nghị định số 98. Cả nước đã phát triển trên 9.500 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, nhiều thương hiệu nông sản Việt đã và đang được xây dựng, phát triển bằng nhiều đề án cụ thể như thương hiệu gạo quốc gia, thương hiệu cá tra, thương hiệu tôm, thương hiệu cà phê.

Đại biểu Tạ Minh Tâm – Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang 

Bên cạnh nhiều kết quả nêu trên, đại biểu chia sẻ quan điểm của một đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai tại phiên thảo luận chiều ngày 26/5 về kết quả giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, đại biểu đã phản ánh khi lần tiếp xúc cử tri nào cũng nhận được những chia sẻ, kiến nghị về các vướng mắc từ tổ chức sản xuất về tính liên kết, tính bấp bênh trong sản xuất nông nghiệp về thị trường, về giá cả và khả năng tiêu thụ khi người nông dân đã dày công nuôi trồng, chăm bón. Cử tri băn khoăn về tốc độ cơ cấu lại nông nghiệp, băn khoăn về tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, sản xuất tự phát, sức cạnh tranh còn thấp, diện tích được công nhận các tiêu chuẩn theo yêu cầu của thị trường còn thấp, hệ thống kinh tế hợp tác trong vai trò dẫn dắt tập hợp, chủ trì liên kết, phối hợp, nhiều yếu tố cần có sự tập trung cao.

Liên kết trong sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhiều điểm cần quan tâm

Đại biểu chỉ ra rằng, là một trong những giải pháp then chốt được nhiều kỳ vọng, tuy nhiên, việc thúc đẩy hình thành các liên kết trong sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhiều điểm cần quan tâm. Đến nay, cả nước mới có 28/63 tỉnh, thành phố phê duyệt dự án liên kết, 16/63 tỉnh phê duyệt kế hoạch hỗ trợ liên kết. Cả hai số liệu số hộ nông dân tham gia chuỗi liên kết và tỷ lệ hợp tác xã tham gia vào chuỗi liên kết chưa cao, 188.000 hộ nông dân tham gia liên kết trên 9 triệu hộ nông dân, xấp xỉ 1.200 hợp tác xã trên 19.000 hợp tác xã nông nghiệp tham gia liên kết, mức độ hỗ trợ về hạ tầng phục vụ liên kết cũng chỉ mang tính tương đối, trung bình 3,3 tỷ đồng/dự án trên định mức hỗ trợ tối đa là 10 tỷ đồng.

Từ những số liệu trên cho thấy, còn nhiều dư địa đối với các chính sách hỗ trợ xác đáng và hợp lý trong khuyến khích tạo lập các chuỗi liên kết đáp ứng yêu cầu của sản xuất hàng hóa. Theo đại biểu, tất cả các chủ thể, từ người nông dân, tổ chức kinh tế hợp tác, doanh nghiệp và các chủ thể khác đều đang rất mong mỏi.

Trong triển khai thực hiện thúc đẩy hình thành các liên kết, một số vướng mắc đã được chỉ ra, từ mức độ đối ứng theo yêu cầu và khả năng đáp ứng của các chủ thể, nhất là chủ thể thuộc thành phần kinh tế hợp tác. Nguồn tài chính thực hiện các chính sách hỗ trợ quy định từ các nguồn khác nhau, trong khi thời gian thực hiện kéo dài, quy trình, hồ sơ, thủ tục phức tạp, phần nào hạn chế khả năng tiếp cận của các đối tượng có nhu cầu. Các hợp tác xã được kỳ vọng là chủ thể chính tham gia xây dựng các chuỗi liên kết gặp nhiều khó khăn do hạn chế về năng lực tài chính, kỹ thuật, quản trị điều hành, còn tình trạng doanh nghiệp chưa chú trọng đầu tư phát triển vùng nguyên liệu.

Đại biểu nhấn mạnh, các liên kết bền vững giữa các chủ thể liên quan đến sản xuất nông nghiệp từ người nông dân đến thương nhân, nhà chế biến không thể chỉ là sản phẩm của chính sách thúc đẩy, khuyến khích, hỗ trợ mà Nghị định số 98 là nòng cốt hiện nay mà phải là sản phẩm của bộ khung pháp lý nhiều chiều, đồng bộ từ chính sách đất đai, pháp luật về kinh tế hợp tác, chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến, cụm chế biến gắn với vùng nguyên liệu, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời trong điều kiện nhiều áp lực như hiện nay.

Thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững

Để góp phần thực hiện yêu cầu phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững theo nghị quyết của Quốc hội, đặc biệt trước dự báo nền kinh tế nước ta và ngành nông nghiệp có thể tiếp tục đối mặt với khó khăn và thách thức, đại biểu kiến nghị Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư quan tâm một số vấn đề như sau:

Thứ nhất, rà soát, đánh giá kết quả thực hiện thời gian qua để có điều chỉnh hợp lý các chính sách khuyến khích, thúc đẩy, hỗ trợ tại Nghị định số 98 của Chính phủ về khuyến khích phát triển, hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Trong đó tập trung các chính sách đất đai, hỗ trợ hạ tầng cho các chủ thể thực hiện liên kết chế biến, thương mại, tiêu thụ sản phẩm, chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, đào tạo cán bộ, đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, lao động doanh nghiệp và các hợp tác xã, chính sách hỗ trợ phòng ngừa rủi ro thiên tai, dịch bệnh, thúc đẩy thực hiện chính sách bảo hiểm nông nghiệp, hỗ trợ chuyển đổi số.

Theo đại biểu, việc ban hành chính sách hỗ trợ cụ thể, rõ ràng, bảo đảm nguồn lực thực hiện là yếu tố then chốt để việc thực thi chính sách có hiệu quả, đồng thời tạo sự thống nhất trong triển khai thực hiện cũng như đối tượng hưởng lợi, tiếp cận chính sách được dễ dàng và đúng quy định.

Thứ hai, rà soát, đánh giá kết quả thực hiện, điều chỉnh hợp lý các chính sách khuyến khích, hỗ trợ tại Nghị định số 57/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và cùng với các chính sách khuyến khích, thúc đẩy, hỗ trợ liên kết nêu trên, xác định đây là một trong những nội dung quan tâm đầu tư trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.

Từ đó mở rộng số lượng, phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển của doanh nghiệp trong nông nghiệp để doanh nghiệp nông nghiệp thực sự giữ được vai trò là trụ cột trong thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh của nông sản nước ta như yêu cầu tại Nghị quyết số 53 của Chính phủ về giải pháp khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững. Chú trọng hỗ trợ chế biến nông sản gắn với thị trường và vùng nguyên liệu, hạn chế tình trạng doanh nghiệp chưa quan tâm đến phát triển vùng nguyên liệu hoặc dù muốn nhưng thực hiện khó khăn.

Thứ ba, tiếp tục các chính sách hỗ trợ phù hợp các tổ chức kinh tế hợp tác, bảo đảm khả năng chủ trì thực hiện liên kết, đủ năng lực thực hiện kế hoạch các dự án đặt ra, sớm hoàn chỉnh các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Hợp tác xã (sửa đổi) cũng như dự kiến chuẩn bị các nguồn lực đồng bộ thực hiện các chính sách ưu đãi, hỗ trợ mà luật đã thể chế, bảo đảm khi luật có hiệu lực sẽ tạo được sức bật cho các tổ chức kinh tế hợp tác như kỳ vọng khi chúng ta xây dựng luật, góp phần cùng các hệ thống chính sách liên quan đẩy nhanh quá trình nâng cấp, mở rộng các chuỗi liên kết trong nông nghiệp, là cơ sở góp phần giải quyết những băn khoăn của cử tri trong lĩnh vực nông nghiệp.

Hồ Hương

Các bài viết khác