ĐẠI BIỂU NGUYỄN THỊ KIM THÚY: HẠN CHẾ TRONG QUẢN LÝ ĐIỀU HÀNH ẢNH HƯỞNG ĐẾN THỰC HIỆN ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC SÁCH GIÁO KHOA

01/06/2023

Theo chương trình Kỳ họp thứ 5, sáng 01/6, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy - Đoàn ĐBQH Tp.Đà Nẵng chỉ rõ một số tồn tại hạn chế trong quản lý điều hành làm ảnh hưởng đến thực hiện đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông và chủ trương xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 1/6: QUỐC HỘI TIẾP TỤC THẢO LUẬN VỀ KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

Trao đổi về việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy ghi nhận nỗ lực rất lớn của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông 2018 và chỉ đạo biên soạn xuất bản phát hành sách giáo khoa mới theo đúng tiến độ mà các nghị quyết của Quốc hội đã đề ra.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy - Đoàn ĐBQH Tp.Đà Nẵng

Đại biểu cũng chia sẻ với những vướng mắc về nhân sự và tài chính mà Bộ và ngành giáo dục nói chung khi mà không được chủ động thì khó có thể làm tốt việc được cả nước đặt kỳ vọng rất lớn là đổi mới giáo dục. Tuy nhiên, cũng theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm tra, thanh tra sâu sát, phát hiện khó khăn, vướng mắc, sai phạm và kịp thời trao đổi với lãnh đạo địa phương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ có biện pháp tháo gỡ, xử lý thì những khó khăn, vướng mắc, sai phạm ấy không phải không có cách giải quyết.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy chỉ rõ những hạn chế bắt nguồn từ chính điều hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo đó, những sai phạm ở Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là doanh nghiệp trực thuộc Bộ phải xử lý hình sự, có phần trách nhiệm của cơ quan chủ quản, tức Bộ Giáo dục và Đào tạo trong bổ nhiệm nhân sự lãnh đạo không đúng và thiếu kiểm tra, thanh tra sâu sát.

Về sai sót trong một số cuốn sách giáo khoa và khả năng thiếu sách giáo khoa trong năm học sắp tới, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cho rằng độ của Bộ và các nhà xuất bản trong việc tiếp thu ý kiến phê bình mới là điều khiến cử tri lo lắng, dư luận không đồng tình. Hiện nay hầu hết các ý kiến phê bình góp ý không được các nhà xuất bản và Bộ trả lời. Một số trường hợp được trả lời thì không đúng thực tế.

Đại biểu dẫn chứng, trong văn bản trả lời chất vấn của mình, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã thu hồi để sửa chữa 110.000 cuốn, đồng thời hủy và in lại 38.000 cuốn sách Khoa học tự nhiên lớp 6 của Bộ Kết nối tri thức với cuộc sống. Nhưng theo phản ánh của giáo viên nhiều trường thì sách chưa được thay bằng sách mới.

Trong thư trả lời chất vấn mới đây, Bộ trưởng cũng tái khẳng định ý kiến của đại diện Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trong buổi làm việc với Phó Thủ tướng vào chiều ngày 10/5/2023. Tính đến ngày 30/4/2023 tỷ lệ in sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho các khối lớp 4, 8, 11 đạt 79%. Trong khi đó trên thực tế ngày 5/5/2023 nhà xuất bản này mới có công văn mời thầu in sách giáo khoa lớp 4, lớp 8 và lớp 11 để nhập các kho sách ở Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Cần Thơ và Đà Nẵng. Thời gian mở thầu là 9 giờ ngày 21/5/2023. Như vậy có nghĩa là số lượng 79% sách giáo khoa mà Nhà xuất bản báo cáo với Phó Thủ tướng đã được in trước khi đấu thầu.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cũng chỉ rõ tình trạng thiếu minh bạch, khách quan, thiếu tôn trọng ý kiến của giáo viên, của nhà trường và phụ huynh học sinh trong việc chọn sách giáo khoa mà báo chí thường phản ánh bắt nguồn từ Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT ngày 26/8/2020 của Bộ hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa. Thông tư tuy có đề ra quy trình chọn sách từ cấp cơ sở trở lên nhưng trao quyền bỏ phiếu quyết định chọn sách của mỗi môn học cho một hội đồng 15 người mà không hề có quy định là khi một cuốn sách giáo khoa được các cơ sở giáo dục lựa chọn với tỷ lệ như thế nào thì hội đồng có trách nhiệm chọn cuốn sách ấy.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cho biết, nhiều giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phản ánh trong việc chọn sách giáo khoa ý kiến của giáo viên và nhà trường không được tôn trọng, thậm chí nhiều tổ chuyên môn, nhiều trường còn phải làm lại biên bản chọn sách cho phù hợp với ý kiến cấp trên.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy nhấn mạnh rằng điều đáng lo ngại nhất là việc lựa chọn sách thiếu minh bạch, khách quan, chẳng những không khuyến khích được sự thi đua giữa các tổ chức, cá nhân biên soạn, xuất bản, phát hành sách giáo khoa nhằm không ngừng nâng cao chất lượng sách giáo khoa, có lợi cho người dạy và học mà còn có khả năng khuyến khích cạnh tranh không lành mạnh, dần dần làm sai lệch chủ trương xã hội hóa, thậm chí xóa bỏ việc xã hội hóa trong lĩnh vực này, trở lại tình trạng độc quyền như cũ.

Từ những phân tích trên, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy kiến nghị Chính phủ chỉ đạo tổ chức thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các sai phạm; có yêu cầu Bộ Giáo dục đào tạo khẩn trương rà soát, sửa đổi ngay quy định bất hợp lý của Thông tư 25/2020/TT-BGDĐT. Đại biểu cũng đề nghị Quốc hội và Chính phủ xem xét việc sửa đổi Luật Giáo dục để tiếp tục thực hiện chủ trương đa dạng hóa tài liệu học tập đã được nêu trong Nghị quyết 29 của Trung ương và xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa đã được quy định trong Nghị quyết 88 của Quốc hội.

Bảo Yến