ĐBQH LÊ THỊ THANH LAM: CẦN CÓ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ KỊP THỜI CHO NÔNG DÂN

01/06/2023

Góp ý về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023 tại Kỳ họp thứ 5, ĐBQH Lê Thị Thanh Lam - Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang đề nghị Chính phủ cần có có giải pháp hữu hiệu hơn, hỗ trợ kịp thời cho người nông dân trong thời gian tới.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 1/6: QUỐC HỘI TIẾP TỤC THẢO LUẬN VỀ KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

ĐBQH Lê Thị Thanh Lam - Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang

Phát biểu góp ý tại Kỳ họp thứ 5, ĐBQH Lê Thị Thanh Lam - Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang bày tỏ đồng tình với Báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.

Quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, ĐBQH Lê Thị Thanh Lam cho rằng, nông nghiệp đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực…  Đại biểu đánh giá cao trách nhiệm của các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc tham mưu cho Chính phủ có nhiều chính sách và giải pháp trong tái cơ cấu lĩnh vực ngành nông nghiệp trong thời gian qua. Năm 2022, dù còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của khí hậu, dịch COVID- 19 và những xung đột giữa các nước đã làm đứt gãy các chuỗi cung ứng sản xuất và tiêu dùng toàn cầu, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hạn hán, sạt lở, xâm nhập mặn nhưng sản xuất nông nghiệp của Việt Nam vẫn đạt khá.

Đại biểu cho rằng, kết quả hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản năm 2022 tiếp tục thể hiện rõ vai trò bệ đỡ của nền kinh tế, không chỉ bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm mà còn khẳng định vị trí Việt Nam là nước xuất khẩu nông nghiệp khá so với các nước trong khu vực

Nhấn mạnh, nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu, tuy nhiên, đại biểu nêu rõ, cử tri và nhân dân vẫn rất lo ngại và luôn trăn trở về tình trạng sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, tình trạng giá cả thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao… Trong khi đó, một số loại nông sản hàng hóa của nông dân sản xuất ra không tiêu thụ được, bán với giá thành rất thấp hoặc lỗ, từ đó làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sản xuất người nông dân. Vấn đề này được cử tri đề nghị nhiều lần nhưng thực tế hàng giả không giảm, hàng kém chất lượng vẫn còn trôi nổi trên thị trường.

Do vậy, đại biểu Lê Thị Thanh Lam cho rằng, các bộ, ngành cần tham mưu cho Chính phủ có giải pháp tốt hơn, hữu hiệu hơn và có chính sách hỗ trợ cho lĩnh vực nông nghiệp kịp thời, cho người nông dân nhằm giảm gánh nặng trong đời sống của họ.

Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ tiếp tục có chính sách đầu tư, hỗ trợ đặc biệt cho các tỉnh sản xuất nông nghiệp, bởi các tỉnh này tập trung phát triển nông nghiệp, cung cấp lương thực, thực phẩm cho cả nước thì các tỉnh nông nghiệp này sẽ không thể cùng lúc đầu tư phát triển công nghiệp hoặc các lĩnh vực khác để phát triển kinh tế cho tỉnh.

Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp

Do đó, đa số các tỉnh làm nông nghiệp sẽ còn nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế- xã hội. Vì vậy, Chính phủ cần sớm có chính sách đầu tư, hỗ trợ kịp thời để tạo điều kiện tạo sự cân bằng giữa các tỉnh trong khu vực và trong cả nước, đặc biệt hỗ trợ người nông dân về con giống, cây trồng và các hướng dẫn quy hoạch vùng cụ thể nhằm tạo đầu ra tốt hơn cho sản phẩm người nông dân, hạn chế điệp khúc được mùa mất giá, được giá, mất mùa.

Đồng thời, đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm phê duyệt quy hoạch nông nghiệp đồng bộ với quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng, tập trung nguồn lực phát triển sản xuất nông nghiệp, cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả theo chuỗi giá trị.

Bên cạnh đó, cần có cơ chế, chính sách để khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp trên các lĩnh vực, trong đó đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp để tháo gỡ, đặc biệt là sớm tháo gỡ thủ tục hành chính gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp, tạo điều kiện để người nông dân các nơi tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp.

Đại biểu nhấn mạnh, Chính phủ cũng cần có biện pháp kịp thời trong việc chi phối, quản lý bình ổn giá kịp thời trong quản lý kinh tế; tiếp tục có giải pháp phát triển văn hóa- xã hội song hành với phát triển kinh tế đất nước; phát triển toàn diện hơn, hạn chế tệ nạn xã hội, nâng cao đạo đức, mức sống cho nhân dân, quan tâm phát triển du lịch phù hợp vùng, miền nhằm phát triển kinh tế của đất nước…

Liên quan đến vấn đề về an sinh xã hội, đại biểu Lê Thị Thanh Lam đề nghị Chính phủ cần có thêm chính sách hỗ trợ công nhân lao động bị giảm việc, mất việc như chính sách hỗ trợ thuê nhà trọ, hỗ trợ điện, nước, chuyển đổi nghề trong lúc người lao động bị mất việc như hiện nay…/.

Thu Phương