ĐBQH NGUYỄN THỊ LAN ANH: CẦN QUAN TÂM CHÍNH SÁCH THU HÚT NHÂN LỰC LÀM VIỆC TẠI Y TẾ CƠ SỞ

29/05/2023

Theo đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai, chính sách chính sách thu hút nhân lực làm việc tại y tế cơ sở, đặc biệt là tại các vùng sâu, vùng xa chưa đủ mạnh, chưa thực sự tạo động lực để giữ chân và tạo sức hút để đội ngũ bác sĩ trẻ, có trình độ và năng lực làm việc tại đây.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 29/5: QUỐC HỘI TIẾP TỤC THẢO LUẬN VỀ CÁC NGUỒN LỰC PHỤC VỤ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID -19; Y TẾ CƠ SỞ, Y TẾ DỰ PHÒNG

Chiều 29/5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiếp tục họp phiên toàn thể tại Hội trường thảo luận về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung phiên họp.

Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường thảo luận về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Đánh giá về chuyên đề giám sát “việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng” của đoàn giám sát Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai khẳng định, đây là việc hết sức cần thiết khi dịch COVID-19 diễn biến nhanh chóng, phức tạp, nguy hiểm, nhiều hoạt động liên quan đến công tác phòng, chống dịch đã được triển khai thực hiện trong điều kiện, hoàn cảnh các quy định của pháp luật còn nhiều bất cập dẫn đến phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh cho rằng qua kết quả giám sát, Chính phủ sẽ có đánh giá toàn diện hơn những bất cập khi dịch bệnh xảy ra cũng như công tác y tế cơ sở, y tế dự phòng để từ đó cũng có những chỉ đạo và chính sách đúng đắn vừa đảm bảo chăm sóc sức khỏe của nhân dân vừa góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội.

Qua Báo cáo của Đoàn Giám sát và thực hiện giám sát thực tế tại địa phương, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh cho biết, số lượng nhân viên y tế cơ sở chưa được bố trí đủ theo định mức biên chế quy định nhưng hàng năm vẫn phải thực hiện tinh giảm 10% số lượng biên chế hiện có. Bên cạnh đó tình trạng bác sĩ xin nghỉ việc gia tăng nhất là sau giai đoạn phòng chống dịch bệnh COVID-19. Theo báo cáo số lượng bác sĩ tại các trạm y tế xã có xu hướng giảm 2.238 người, riêng năm 2020 số bác sĩ giảm nhiều nhất (giảm 1.114 người so với năm 2019), tỷ lệ thôn bản có nhân viên y tế giảm xuống còn 71% năm 2020.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai phát biểu thảo luận tại phiên họp.

Ngoài các tồn tại và nguyên nhân như báo cáo giám sát của Quốc hội đã nêu, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh cho rằng rất cần quan tâm chính sách thu hút nhân lực làm việc tại y tế cơ sở. Theo đại biểu, hiện nay chính sách này chưa đủ mạnh, chưa thực sự tạo động lực để giữ chân và tạo sức hút để đội ngũ bác sĩ trẻ, có trình độ và năng lực làm việc tại vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn. Điều này sẽ dẫn đến nguy người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số khó có khả năng được tiếp cận với y tế, tăng nguy cơ tỉ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em...

Bên cạnh đó, theo chính sách đào tạo nguồn nhân lực theo tinh thần tại Nghị định 141/2020 của Chính phủ về quy định chế độ cử tuyển đối với học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số, người thuộc đối tượng cử tuyển phải có hộ khẩu 5 năm liên tục tại các xã đặc biệt khó khăn, như vậy các đối tượng thuộc các xã đạt chuẩn Nông thôn mới lại không thuộc đối tượng này. Do vậy, có những địa phương hàng năm không có học sinh nào được cử tuyển dẫn đến việc người địa phương được đào tạo để quay về công tác lâu dài khó thực hiện.

Cùng với việc thực hiện chủ trương của Đảng về sắp xếp, sáp nhập thôn, bản, tổ dân phố thì sau khi sáp nhập thôn, bản (thuộc các xã) thì các thôn, bản mới sáp nhập cơ bản có diện tích và quy mô dân số tăng, địa bàn rộng, việc đi lại làm nhiệm vụ của nhân viên Y tế thôn, bản càng khó khăn hơn, mất rất nhiều thời gian nhưng phụ cấp cho đội ngũ này lại thấp.

Các ĐBQH tại phiên thảo luận.

Từ những lý do trên, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh đề nghị Chính phủ cần quan tâm, đổi mới chính sách và phương thức đào tạo, điều chỉnh tiêu chuẩn, tiêu chí của chính sách đào tạo cử tuyển cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi kể cả các xã đã về đích nông thôn mới để người học thuộc các địa bàn khó khăn, vùng cao vùng dân tộc thiểu số có điều kiện tiếp cận môi trường học tập nhất là ngành y.

Đồng thời, đề nghị Chính phủ xem xét, nâng chế độ phụ cấp trực cho nhân viên y tế quy định tại Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ ngày 28/12/2011; tăng phụ cấp cho nhân viên Y tế thôn bản từ mức 0,5 mức lương cơ sở (theo Quyết định số 75/2009/QĐ-TTg ngày 11/5/2009) lên mức 1,0 mức lương cơ sở/người/tháng.  Cần có cơ chế hỗ trợ phù hợp đối với đội ngũ y tế cơ sở có thời gian công tác quá 5 năm tại vùng có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn mà chưa được chuyển vùng hoặc không có nguyện vọng chuyển vùng để đội ngũ y tế cơ sở yên tâm công tác lâu dài tại các địa phương (theo Nghị định 76/2019CP).

Theo đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh, công tác khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại tuyến y tế cơ sở còn thấp trong khi nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân tại tuyến cơ sở ngày càng cao và yêu cầu đầu tư cho y tế ngày càng lớn dẫn đến mất cân đối thu chi, gây khó khăn cho hoạt động nhất là trong giai đoạn từng bước tự chủ về tài chính. Do vậy, đề nghị Chính phủ xem xét nâng mức hạn mức đóng bảo hiểm y tế từ đó tăng hạn mức chi của quỹ bảo hiểm y tế, để các cơ sở y tế có nguồn lực thực hiện được việc tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế theo Luật khám bệnh chữa bệnh số 15/2023/QH15./.

Trọng Quỳnh