ĐBQH NGUYỄN MINH TÂM: KỊP THỜI CẬP NHẬT THÔNG TIN VỀ SỰ CỐ, THẢM HỌA ĐẾN NGƯỜI DÂN

27/05/2023

Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng thủ dân sự đại biểu Nguyễn Minh Tâm – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc nghiên cứu để bổ sung vào Chương II một mục riêng quy định về chế độ thông tin trong hoạt động phòng thủ dân sự, trong đó bao gồm các quy định về hình thức thông tin, tần suất thông tin về sự cố, thảm họa, các nội dung của thông tin và trách nhiệm trong việc cung cấp thông tin của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 24/5: QUỐC HỘI THẢO LUẬN MỘT SỐ NỘI DUNG CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU CỦA DỰ ÁN LUẬT PHÒNG THỦ DÂN SỰ

Kịp thời cập nhật thông tin về sự cố, thảm họa đến người dân

Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng thủ dân sự, đại biểu Nguyễn Minh Tâm – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cho rằng về giải thích từ ngữ, trong luật tại các Điều 18, 19, 32 của dự thảo luật có sử dụng cụm từ, đó là "khu vực sơ tán" và "khu vực tập kết", đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét, cân nhắc để có giải thích 2 cụm từ này. Đây là những khu vực quan trọng và cần thiết cần phải hiểu rõ để chuẩn bị chu đáo, đầy đủ ngay từ đầu khi chưa xảy ra các sự cố, thảm họa, phục vụ sơ tán, phân tán, tập kết lực lượng, phương tiện và nhân dân đảm bảo an toàn. Đồng thời, tại khoản 4 Điều 2 quy định đối tượng dễ bị tổn thương, trong đó có nhóm phụ nữ đang mang thai và phụ nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc để xem xét nâng độ tuổi phụ nữ đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi để đảm bảo phù hợp, thống nhất với các luật đã ban hành liên quan, như Luật Phòng, chống bạo lực gia đình Quốc hội vừa ban hành kỳ họp vừa rồi chưa có hiệu lực.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình

Đối với quy định về thông tin về sự cố, thảm họa và việc tiếp cận thông tin về sự cố, thảm họa của cá nhân, tại khoản 1 Điều 6 của dự thảo luật quy định "thông tin về nguy cơ sự cố, thảm họa và diễn biến của sự cố, thảm họa phải kịp thời, chính xác". Điểm a khoản 1 Điều 37 dự thảo quy định "cá nhân có quyền tiếp cận thông tin về sự cố, thảm họa do cơ quan có thẩm quyền ban hành.” Đại biểu cho rằng, việc thông tin về sự cố, thảm họa được cập nhật kịp thời, chính xác và thường xuyên đến với nhân dân cũng như việc người dân được tiếp cận những thông tin chính thống về sự cố thảm họa có ý nghĩa hết sức quan trọng. Bởi, khi nắm được thông tin kịp thời, chính xác thì người dân có thể chủ động phòng ngừa và kịp thời có các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả khi sự cố, thảm họa xảy ra, tránh được những hoang mang, lo lắng trước những thông tin thất thiệt như tin xấu, tin độc do một số đối tượng có động cơ không tốt tung ra.

Thực tế trong thời gian xảy ra dịch bệnh COVID-19 vừa qua vấn đề thông tin cũng rất được quan tâm. Bên cạnh việc xảy ra nhiễu loạn thông tin, trong đó cũng không ít những tin xấu, tin độc. Qua đó, cũng cần thẳng thắn thừa nhận có nhiều thông tin về tình hình dịch bệnh cũng như các quy định chính sách, thủ tục hành chính trong phòng, chống dịch của người dân chưa được tiếp cận một cách hiệu quả nhất dẫn tới lúng túng trong việc phòng, chống và chấp hành các quy định, thậm chí nhiều người không được bảo đảm về mặt chính sách và có những phản ứng tiêu cực trong xã hội.

Về những thủ tục hành chính trong bối cảnh dịch bệnh thời gian vừa qua, đại biểu cho rằng đây cũng là một bài học để xây dựng trong dự thảo luật này, bởi nếu như nhu cầu thông tin chính đáng của người dân không được bảo đảm, đặc biệt trong các tình huống mang tính khẩn cấp như thiên tai, dịch bệnh thì rất nhiều quyền khác của người dân cũng sẽ bị ảnh hưởng và cũng được biết rằng Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 cũng đã quy định về phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc đảm bảo quyền tiếp cận thông tin. Tuy nhiên, ở Luật Tiếp cận thông tin chỉ mới quy định khung và mang tính nguyên tắc tổng quát.

Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc nghiên cứu để bổ sung vào Chương II một mục riêng quy định về chế độ thông tin trong hoạt động phòng thủ dân sự, trong đó bao gồm các quy định về hình thức thông tin, tần suất thông tin về sự cố, thảm họa, các nội dung của thông tin và trách nhiệm trong việc cung cấp thông tin của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Quy định như vậy thì người dân sẽ dễ được tiếp cận thông tin một cách chính thống, mặt khác mới tạo ra cơ chế ràng buộc để đảm bảo cho người dân được tiếp cận thông tin một cách chính xác và kịp thời.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có vai trò đầu mối trong tiếp nhận, phân phối đóng góp tự nguyện

Về Quỹ phòng thủ dân sự được quy định tại Điều 41, đại biểu nhất trí với phương án 1 với 4 lý do, trong Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc thành lập Quỹ phòng thủ dân sự là cần thiết. Tuy nhiên, đại biểu cũng đề nghị cân nhắc, xem xét thêm bởi hiện nay hầu hết các lĩnh vực, các luật đều có quy định việc thành lập quỹ nhưng mô hình, nguyên tắc hoạt động, mục đích hoạt động, nguồn tài chính và phương thức huy động tài chính không thống nhất. Vì vậy, Ban soạn thảo cũng cân nhắc nên chăng luật chỉ quy định việc thành lập quỹ, còn các nội dung khác ban hành văn bản quy định riêng hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết về nội dung này.

Toàn cảnh phiên họp

Về tổ chức, cá nhân vận động đóng góp tự nguyện thực hiện theo quy định của pháp luật có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân nơi được hỗ trợ để thực hiện cứu trợ, hỗ trợ cho các đối tượng bị thiệt hại do sự cố, thảm họa gây ra. Đại biểu cho rằng, trong tình trạng thiên tai, thảm họa thì Ủy ban nhân dân có thể không hoạt động được ổn định và phải xử lý khá nhiều công việc liên quan đến sự cố, thảm họa xảy ra nên có thể dẫn đến chậm trễ trong việc phối hợp thực hiện hoạt động cứu trợ, hỗ trợ.

Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc xem xét có thể đưa đầu mối để các tổ chức, cá nhân vận động đóng góp tự nguyện phối hợp về Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nơi được hỗ trợ để đảm bảo hoạt động này được thực hiện nhanh chóng, kịp thời. Đồng thời bổ sung một khoản vào Điều 54 quy định về trách nhiệm phối hợp cũng như trách nhiệm trong việc huy động, vận động đóng góp tự nguyện và tiếp nhận, phân bổ các nguồn lực đóng góp để thực hiện cứu trợ, hỗ trợ cho các đối tượng bị thiệt hại do sự cố, thảm họa gây ra của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Ngoài ra, để nâng cao trách nhiệm của các tổ chức kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn có nguy cơ xảy ra sự cố, thảm họa, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung vào khoản 2 Điều 38 nghĩa vụ chủ động khắc phục hậu quả và bồi thường chi trả chi phí nếu xảy ra sự cố, thảm họa trong quá trình hoạt động sản xuất, đồng thời cần phải nghiêm cấm hành vi che giấu khi chính các tổ chức kinh tế đó gây ra sự cố, thảm họa.

Minh Thành