QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ (SỬA ĐỔI)
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm – Đoàn ĐBQH Quảng Bình tham gia phát biểu
Làm rõ giá trị pháp lý của giao dịch điện tử và giao dịch truyền thống trong cùng thời điểm
Theo đại biểu Nguyễn Minh Tâm, hiện nay, chúng ta đang thực hiện việc chuyển đổi các hoạt động từ môi trường truyền thống sang môi trường số trong tất cả các ngành, lĩnh vực của đời sống xã hội, trên cơ sở chủ động, tích cực tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Việc Quốc hội xem xét cho ý kiến để ban hành Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển giao dịch tử, tạo tiền đề quan trọng trong việc thúc đẩy Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Qua nghiên cứu dự thảo luật, đại biểu tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Giao dịch điện tử năm 2005 với những lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo số 940 của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thẩm tra dự án luật. Đại biểu cũng thống nhất với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, bố cục của dự thảo, cũng phải khẳng định rằng bố cục và nội dung của dự thảo luật sửa đổi đã bám sát theo chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết 152/NQ-CP. Để tiếp tục hoàn thiện luật, đại biểu tham gia một số ý kiến với một số nội dung cụ thể như sau:
Các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4
Thứ nhất, về giá trị pháp lý của giao dịch như giao kết hợp đồng, nội dung này đại biểu còn băn khoăn, trong cùng một thời điểm khi một giao dịch được thực hiện song song cả giao dịch điện tử và giao dịch truyền thống thì giao dịch nào sẽ được chấp nhận và có giá trị sử dụng, khi có tranh chấp phát sinh từ các giao dịch này thì giao dịch dưới hình thức nào được ưu tiên chấp nhận để làm căn cứ giải quyết. Vì vậy, để thuận tiện trong quá trình triển khai và áp dụng luật và cũng đảm bảo tính khả thi của luật, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu và xem xét để bổ sung quy định rõ hơn, cụ thể hơn đối với trường hợp này.
Thứ hai, tại khoản 11 Điều 3 về giải thích từ ngữ quy định "người trung gian là cơ quan, tổ chức, cá nhân đại diện cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khác thực hiện việc gửi, nhận hoặc lưu trữ một thông điệp dữ liệu hoặc cung cấp các dịch vụ khác liên quan đến thông điệp dữ liệu đó". Theo đó, người trung gian là người giữ một vai trò quan trọng khi người thực hiện việc gửi, nhận hoặc lưu trữ một thông điệp dữ liệu nhưng trong dự thảo luật chưa có quy định rõ về quyền và nghĩa vụ của người trung gian đối với các bên trực tiếp tham gia vào các giao dịch điện tử, gây ra nhiều bất cập trong việc đảm bảo an toàn của giao dịch điện tử khi có vấn đề xảy ra. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét để bổ sung quy định về quyền và nghĩa vụ của người trung gian đối với các bên trực tiếp tham gia vào giao dịch điện tử.
Quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thực hiện việc chứng thực
Liên quan đến giá trị pháp lý của thông điệp điện tử quy định tại Điều 11. Đại biểu phân tích để làm rõ hơn rằng tại khoản 2 Điều 11 quy định là trường hợp pháp luật yêu cầu văn bản phải được chứng thực thì thông điệp dữ liệu được xem xét là đáp ứng yêu cầu chứng thực bởi tổ chức, cá nhân khởi tạo thông điệp dữ liệu hoặc một tổ chức được cấp phép cung cấp dịch vụ chứng thực thông điệp dữ liệu. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc để quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thực hiện việc chứng thực, bởi tổ chức, cá nhân khởi tạo thông điệp dữ liệu hoặc một tổ chức được cấp phép cung cấp dịch vụ chứng thực thông điệp dữ liệu.
Trong đó đại biểu cũng đề nghị phải đảm bảo tính thống nhất với quy định của pháp luật về chứng thực được quy định tại Nghị định số 23/2015 của Chính phủ và Thông tư số 01/2020 thông tư của Bộ Tư pháp hướng dẫn Nghị định số 23 và Điều 10, Điều 14 của Nghị định số 45/2020 về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử để đảm bảo thống nhất trong quá trình áp dụng hoặc Chính phủ được quy định chi tiết nội dung này. Đồng thời, tại khoản 3 Điều 11 về quy định trường hợp pháp luật yêu cầu văn bản phải được công chứng thì thông điệp dữ liệu được xem xét là đáp ứng yêu cầu theo quy định của pháp luật về công chứng. Đối với quy định này, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc và xem xét để quy định phù hợp và thống nhất với các quy định của pháp luật hiện hành về công chứng hoặc làm rõ nội dung này.