TỔNG THUẬT SÁNG 15/11: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT ĐẤU THẦU (SỬA ĐỔI)
Đại biểu Cầm Hà Chung - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ
Nhất trí với Tờ trình của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), đại biểu Cầm Hà Chung - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ góp ý về tư cách hợp lệ của nhà thầu, nhà đầu tư, Điều 5, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung tư cách hợp lệ của nhà thầu phụ, theo đó bổ sung quy định cụ thể giá trị tối đa theo tỷ lệ phần trăm giá trị hợp đồng mà nhà thầu chính được phép chuyển nhượng cho nhà thầu phụ. Đại biểu Cầm Hà Chung giải thích hai lý do như sau:
Một là, tránh nhà thầu chính lợi dụng quy định trong dự thảo Luật để ký kết hợp đồng với thầu phụ với tỷ lệ cao, đồng thời khắc phục tình trạng các nhà thầu sử dụng năng lực, thậm chí là các mối quan hệ thân quen để tham dự các gói thầu, sau đó mua bán, chuyển nhượng hoặc đưa các nhà thầu phụ có năng lực yếu vào thực hiện gói thầu, làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình;
Hai là, việc nhà thầu chính, nhà thầu phụ đã tồn tại nhiều năm song hành với nhau, nhưng pháp luật hiện hành không quy định yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm đối với nhà thầu phụ khi ký kết hợp đồng với nhà thầu chính.
Do vậy, để đảm bảo chất lượng và tiến độ công trình, đại biểu Cầm Hà Chung đề nghị bổ sung các quy định trong dự thảo luật về tư cách, tiêu chuẩn, năng lực, kinh nghiệm các nhà thầu nói chung và các nhà thầu phụ nói riêng.
Quan tâm đến quy định về thông tin đấu thầu tại Điều 7, đại biểu Cầm Hà Chung đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định cụ thể hơn về đăng tải thông tin đối với dự án là nội dung gì, thông tin dự án nhưng phải liên quan đến lựa chọn nhà thầu thì cần quy định cụ thể. Tuy nhiên, theo quy định về đấu thầu trước ở Điều 37 và Điều 39 dự thảo Luật sẽ có một số việc trước khi có quyết định phê duyệt dự án. Do đó, đại biểu Cầm Hà Chung đề nghị quy định bổ sung trường hợp loại trừ đối với các gói thầu thực hiện đấu thầu trước theo quy định tại khoản 2 Điều 39 dự thảo Luật.
Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi)
Liên quan đến quy định về đấu thầu trước tại Điều 39, đại biểu cho rằng, đây là quy định mới cho phép chủ đầu tư triển khai một số hoạt động chuẩn bị lựa chọn nhà thầu, tổ chức lựa chọn nhà thầu ở một số công đoạn nhằm rút ngắn thời gian thực hiện dự án. Tuy nhiên, khi triển khai thực tế sẽ khó làm, vì theo đại biểu, cơ bản các dự án chậm tiến độ, giải ngân kém hiện nay là do công tác đền bù, hỗ trợ, tái định cư bị vướng mắc, trong khi các dự án mới chưa được phê duyệt thì chưa xác định được hướng tuyến nên chưa xác định được phạm vi giải phóng mặt bằng để thực hiện trước công tác đền bù, hỗ trợ, tái định cư.
Do vậy, để linh động, hiệu quả và triển khai nhanh, đại biểu Cầm Hà Chung đề nghị giao Chính phủ quy định chi tiết vấn đề này. Đề nghị có hướng dẫn cụ thể về trường hợp cần thiết (khoản 1 Điều 39) có thể thực hiện đấu thầu trước đối với các gói thầu dịch vụ tư vấn, phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp hỗn hợp, trừ các gói thầu tại điểm b, khoản 2 Điều 39.
Đại biểu Cầm Hà Chung nêu rõ, việc quy định cụ thể trường hợp nào được coi là cần thiết sẽ giúp hạn chế các trường hợp thực hiện đấu thầu trước nhưng không cần thiết hoặc trường hợp đã đấu thầu trước nhưng dự án không được phê duyệt dẫn đến việc bồi hoàn, lãng phí nguồn lực. Khoản 4 Điều 39 quy định "trường hợp dự án không được phê duyệt thì chủ đầu tư bồi hoàn chi phí liên quan đến việc tham dự thầu của nhà thầu trúng thầu". Đại biểu đề nghị bổ sung nội dung "đồng thời có phương án xử lý các sản phẩm đã hình thành trong quá trình thực hiện đấu thầu trước liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, di dời công trình hạ tầng kỹ thuật để tránh gây thất thoát, lãng phí ngân sách". Đồng thời, cần hướng dẫn việc sử dụng ngân sách cấp nào bồi hoàn chi phí để tránh lúng túng khi thực hiện.
Về quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu (Điều 40), dự thảo Luật đã sửa đổi theo hướng rút gọn bước thương thảo hợp đồng đối với một số trường hợp, Luật Đấu thầu 2013 quy định "tất cả các gói thầu đều phải qua bước thương thảo trước khi có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu". Đại biểu Cầm Hà Chung nhận thấy, việc sửa đổi này sẽ rút gọn quy trình lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu thông thường, tuy nhiên, lại làm mất đi ý nghĩa của việc thương thảo hợp đồng trước khi lựa chọn nhà thầu.
Theo đại biểu, việc thương thảo hợp đồng trước khi ra quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu là cần thiết, không chỉ riêng đối với các gói thầu có yêu cầu phức tạp về kỹ thuật, công nghệ mới mà cần giữ nguyên quy định của Luật Đấu thầu năm 2013 về việc thương thảo đối với tất cả các gói thầu, đồng thời, để phù hợp với quy định tại Điều 70 về hồ sơ hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh, trong đó có yêu cầu biên bản đàm phán hợp đồng.
Góp ý về loại hợp đồng (Điều 62), tại điểm c khoản 1 Điều 62 "nội dung hồ sơ thanh toán không yêu cầu phải có xác nhận khối lượng hoàn thành chi tiết". Đại biểu Cầm Hà Chung đề nghị bỏ từ "không", khi đó điểm c khoản 1 Điều 62 sẽ sửa thành "việc thanh toán được thực hiện theo tỷ lệ phần trăm giá hợp đồng hoặc giá công trình, hạng mục công trình, khối lượng công việc tương đương với giai đoạn thanh toán được các bên thỏa thuận trong hợp đồng", hồ sơ thanh toán yêu cầu phải có xác nhận khối lượng hoàn thành chi tiết để tránh tình trạng nhà thầu thanh toán vượt khối lượng hoàn thành./.