ĐBQH TRẦN THỊ DIỆU THÚY: TRẢ LỜI CHẤT VẤN - THẲNG THẮN ĐỂ NHẬN RÕ HẠN CHẾ NHẰM TÌM KIẾM GIẢI PHÁP

03/11/2022

Quan tâm đến Phiên Chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra từ 03-05/11, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy- Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh hi vọng tại phiên chất vấn này, Bộ trưởng sẽ trả lời thẳng thắn để nhìn nhận rõ những điểm hạn chế của ngành đang gặp phải và tìm cách tháo gỡ.

KỲ HỌP THỨ 4, QUỐC HỘI KHÓA XV: ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI ĐẶT NHIỀU KỲ VỌNG VÀO PHIÊN CHẤT VẤN VÀ TRẢ LỜI CHẤT VẤN

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV chính thức diễn ra từ chiều 3/11. Tại Phiên chất vấn chiều nay (03/11), Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn Nhóm vấn đề thứ Nhất thuộc lĩnh vực xây dựng, bao gồm: thực trạng, giải pháp nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý phát triển đô thị của Việt Nam nhất là ở các thành phố lớn; việc di dời trụ sở bộ, ngành khỏi nội đô thành phố Hà Nội; quản lý thị trường bất động sản; việc xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong hoạt động giao dịch, huy động vốn, kinh doanh bất động sản; việc xây dựng nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, công nhân lao động, nhất là tại các khu kinh tế, khu công nghiệp và các thành phố lớn; trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng trong xây dựng, ban hành, thực hiện các tiêu chuẩn kỹ thuật, đơn giá, định mức trong xây dựng cơ bản. Việc kiểm soát giá và bảo đảm nguồn nguyên, vật liệu để xây dựng các công trình, dự án, nhất là các dự án quan trọng quốc gia. 

Quan tâm đến Phiên chất vấn, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy- Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh hi vọng tại phiên chất vấn này, các Bộ trưởng, trưởng ngành sẽ trả lời thẳng thắn, đi thẳng vào nội dung trọng tâm mà các đại biểu quan tâm, không nói vòng hay né tránh, để nhìn nhận rõ những điểm hạn chế của ngành đang gặp phải và tìm cách tháo gỡ.

Phóng viên: Theo chương trình chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Bộ trưởng Bộ Xây dựng sẽ là người đăng đàn trả lời chất vấn đầu tiên. Đại biểu có đánh giá gì về những vấn đề chất vấn thuộc lĩnh vưc này?

Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy- Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh: Trong bốn nhóm vấn đề các Bộ trưởng, trưởng ngành trả lời chất vấn tại Kỳ họp này, cá nhân tôi quan tâm nhất là nhóm vấn đề thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ, và Bộ Xây dựng.

Đối với nội dung thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng, tôi quan tâm nhiều đến vấn đề quản lý xây dựng tại địa phương, cơ sở. Qua quan sát thực tế và từ phản ánh của cử tri tại các địa phương, việc quản lý xây dựng tại địa phương, cơ sở còn nhiều chồng chéo. Các cán bộ ở chính quyền địa phương muốn tháo gỡ những vướng mắc, rườm rà, chồng chéo để nâng cao chất lượng phục vụ người dân, tuy nhiên lại gặp nhiều khó khăn do hệ thống các quy định chồng chéo, bất cập. Người dân hình thành tâm lý e ngại, tiêu cực khi tiếp xúc với bộ máy công quyền khi giải quyết các vấn đề liên quan đến đất đai, xây dựng, nhà cửa.

Một trong những vấn đề cốt lõi nhất của ngành xây dựng ở địa phương mà công chức, viên chức ở địa phương mong muốn chính là giải được các cái bài toán chồng chéo trong các quan hệ pháp luật liên quan đến việc quản lý trật tự xây dựng, đất đai, nhà cửa... Những vấn đề nào nằm trong khoảng cho phép để người dân có thể được tự do thực hiện theo quyền lợi chính đáng của mình thì phải gỡ ra, vấn đề nào nằm trong quy chuẩn quy hoạch, đầu tư, xây dựng khu vực đô thị, nông thôn với những quy định cụ thể, rõ ràng, thì phải tuân thủ. Cần tạo điều kiện cho cơ sở trong việc quản lý địa phương, đây là vấn đề khó, đã nhiều năm chưa giải quyết dứt điểm. Không chỉ tôi mà nhiều người dân cũng mong muốn nhận được câu trả lời thỏa đáng của Bộ trưởng trong phiên chất vấn lần này.

Phóng viên: Ngoài những vấn đề liên quan đến lĩnh vực xây dựng, đại biểu cho rằng còn vấn đề nào mà cử tri và dư luận quan tâm tại phiên chất vấn này?

Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy- Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh: Bên cạnh những vấn đề liên quan tới ngành xây dựng, đối với Bộ Nội vụ, cũng có những vấn đề tôi rất quan tâm. Cụ thể, trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ, tôi quan tâm đến chính sách và cơ chế dành cho hệ thống công chức, viên chức, việc thực hiện các biện pháp linh hoạt để đảm bảo đời sống của cán bộ, công chức, viên chức trong điều kiện khó khăn, mức lương dành cho các đối tượng này còn eo hẹp, trong khi khi đòi hỏi của thực tế là rất lớn, nhu cầu của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là rất cấp thiết. Ngoài ra còn có việc sử dụng các cơ chế mở gắn với các cái bộ luật quan đến cái hệ thống bộ máy, nguồn nhân lực tại cơ sở. Đây là vấn đề rất quan trọng, ảnh hưởng nhiều đến năng lực lao động, khả năng và động lực làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Bên cạnh đó, cần lưu ý, chú trọng đến hệ thống chính quyền tại cơ sở, sức chống chịu của hệ thống này trong điều kiện khó khăn, biến cố, tránh đứt gãy, cần đảm bảo phục vụ tốt nhất cho những nhu cầu của người dân, đó chính là mục tiêu chúng ta đang đặt ra cho hệ thống các cơ quan từ cơ sở. Các lĩnh vực như y tế, giáo dục, đặc biệt là vấn đề chính sách đãi ngộ đối với công chức, viên chức của lĩnh vực này tại cơ sở là vấn đề nằm trong sự đầu tư, quan tâm của ngành nội vụ. Ngành nội vụ chính là nơi đề ra chính sách và giải quyết các vấn đề vướng mắc chính sách, cơ chế cho đội ngũ hiện nay tại cơ sở.

Phóng viên: Đại biểu có tin tưởng qua phiên chất vấn, nhiều tồn tại hạn chế sẽ được thẳng thắn thừa nhận và nhiều giải pháp khả thi sẽ được đề ra để giải quyết vướng mắc?

Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy- Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh: Tôi kỳ vọng rằng, trong trả lời câu hỏi chất vấn, các Bộ trưởng, trưởng ngành sẽ trả lời thẳng thắn, đi thẳng vào nội dung trọng tâm mà các đại biểu quan tâm, không nói vòng hay né tránh, để nhìn nhận rõ những điểm hạn chế của ngành đang gặp phải và tìm cách tháo gỡ. Thông qua phiên chất vấn này, tôi hy vọng sẽ làm sáng tỏ được những định hướng tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, đánh giá đúng được điểm mấu chốt.

Các Bộ trưởng, trưởng ngành cần thẳng thắn chia sẻ các hạn chế, khó khăn, để các đại biểu Quốc hội cùng người dân có thể hiểu, chia sẻ và chung tay cùng tháo gỡ. Nhiều vấn đề có phạm vi rộng, có tính chất phức tạp, không một Bộ riêng lẻ nào có thể xử lý được, mà cần cả hệ thống phối hợp đồng bộ, thống nhất mới có thể tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn. Chẳng hạn, các vấn đề trong lĩnh vực xây dựng sẽ ảnh hưởng đến lĩnh vực tài nguyên môi trường; vấn đề của ngành nội vụ thì sẽ có liên quan đến cơ cấu đội ngũ, lực lượng trong các ngành khác như giáo dục, y tế. Không một Bộ trưởng nào có thể đơn độc giải quyết các vấn đề của hệ thống, mà cần có sự chung tay trách nhiệm của cả hệ thống, của cả chúng ta trong việc phát hiện, kiếm tìm, truy vấn vấn đề, cùng nhau phân tích, tháo gỡ và từng bước giải quyết.

Thời gian chất vấn của mỗi đại biểu là rất ngắn, chỉ một phút đồng hồ, vì vậy, tôi cho rằng, câu hỏi của các đại biểu cần đi thẳng vào vấn đề một cách cụ thể, tường minh, rõ ràng, không nặng về giới thiệu hay gợi mở. Hiện nay, các đại biểu cũng thường có cách đặt câu hỏi rất trực diện, ngắn gọn mà rõ ràng, đủ ý, đi thẳng vào vấn đề, giúp Bộ trưởng dễ dàng xác định chủ đề, đưa ra câu trả lời phù hợp.

Tôi kỳ vọng rằng tại phiên chất vấn lần này, cách chất vấn thẳng thắn, trực diện, đi thẳng vào vấn đề sẽ được thể hiện nhiều hơn nữa. Đây cũng là điều sẽ đáp ứng lại những mong mỏi của cử tri tại các địa phương. Cử tri mọi miền Tổ quốc đều đang mong chờ những vấn đề nóng bỏng, cấp thiết sẽ được các đại biểu đưa ra chất vấn, và được trả lời một cách sâu sắc, thực chất, thẳng thắn tại nghị trường Quốc hội.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đại biểu!

Minh Hùng