ĐBQH NGUYỄN DUY MINH: KHUYẾN KHÍCH CÁC DOANH NGHIỆP MỞ RỘNG KINH DOANH VÀO LĨNH VỰC CHẾ TẠO VÀ CÔNG NGHỆ CAO

01/06/2022

Thảo luận tại hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, đại biểu Nguyễn Duy Minh - Đoàn ĐBQH Tp.Đà Nẵng đề nghị Chính phủ cần khuyến khích các doanh nghiệp trong nước mở rộng kinh doanh, đặc biệt là vào các lĩnh vực chế tạo và công nghệ cao để củng cố nền tảng công nghiệp trong nước, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

 

Đại biểu Nguyễn Duy Minh - Đoàn ĐBQH Tp.Đà Nẵng

Nhấn mạnh Chính phủ đã đề ra nhưng kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quý IV/2021 và những tháng đầu năm 2022 có bước phát triển khởi sắc hơn, đại biểu Nguyễn Duy Minh - Đoàn ĐBQH Tp.Đà Nẵng cho biết, kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì sự ổn định, thu ngân sách nhà nước đạt khá so với dự toán, lạm phát được kiểm soát, xuất siêu đạt 4 tỷ USD. Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt kết quả ấn tượng, tăng trưởng 25,2%.

Tuy nhiên, xuất khẩu tăng mạnh nhưng tỷ trọng đóng góp của khu vực FDI vẫn lớn nhất trong cấu trúc thương mại của Việt Nam. Năm 2021, đóng góp 74% tổng kim ngạch xuất khẩu. Điều này phản ánh việc xuất khẩu phụ thuộc nhiều vào khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài nhưng cũng đang tạo ra nhiều bất trắc, tiềm ẩn cho nền kinh tế. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Duy Minh đề nghị Chính phủ cần khuyến khích các doanh nghiệp trong nước mở rộng kinh doanh, đặc biệt là vào các lĩnh vực chế tạo và công nghệ cao để củng cố nền tảng công nghiệp trong nước, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp FDI sử dụng nguồn lao động là người Việt Nam chất lượng cao.

Các trường đại học, cao đẳng, các địa phương cần có những chương trình đào tạo lao động với những ngành nghề như là kinh tế số, kỹ thuật số, ứng dụng tin học, điện tử viễn thông, cơ khí chế tạo và rà soát các chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp FDI. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để đảm bảo các doanh nghiệp FDI sử dụng đúng và có hiệu quả nguồn lực cũng như đảm bảo các cam kết đầu tư.

Quan tâm đến lĩnh vực du lịch, đại biểu Nguyễn Duy Minh chỉ rõ, việc mở cửa trở lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới còn một số vấn đề hạn chế như là khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chưa nhiều, số lượng doanh nghiệp trở lại hoạt động chưa cao, nhân lực ngành du lịch vẫn bị thiếu hụt nghiêm trọng, chỉ còn khoảng 25% nhân lực hoạt động trong ngành và 75% đã chuyển sang công việc khác. Việc tuyển dụng lao động ở ngành du lịch gặp khó khăn do người lao động có tâm lý lo lắng, e ngại, không muốn quay lại ngành du lịch do thiếu tính bền vững, ổn định.

Trước thực trạng đó, đại biểu đề nghị Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan cần đánh giá rõ hơn kết quả việc triển khai các chính sách hỗ trợ, các giải pháp cho doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh covid trong ngành du lịch, trong đó cần làm rõ những vướng mắc, những hạn chế và nguyên nhân để đề ra các giải pháp để khắc phục. Đồng thời cần có chính sách thúc đẩy xúc tiến, quảng bá du lịch ra nước ngoài, chính sách khuyến khích đầu tư, hỗ trợ phát triển du lịch, kinh tế đêm, kinh tế chia sẻ, công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo gắn với du lịch; Nghiên cứu bổ sung chính sách hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch quay trở lại với nghề; Chính sách bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ kỹ năng cho lao động ngành du lịch.

Bích Ngọc