Đại biểu Châu Quỳnh Dao - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang
Thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2022, đại biểu Châu Quỳnh Dao - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang bày tỏ đồng tình và trân trọng những thành quả về kinh tế-xã hội đạt được trong thời gian qua. Đại biểu nhận định rằng tuy tốc độ tăng trưởng chưa đạt được mục tiêu đề ra nhưng nếu đặt trong bối cảnh khó khăn chung của thế giới, kinh tế Việt Nam vẫn là một trong những điểm sáng của nền kinh tế thế giới. Có được thành quả trên là do sự nỗ lực của Chính phủ, của chính quyền địa phương, của nhân dân và của cộng đồng doanh nghiệp trong cả nước.
Đại biểu Châu Quỳnh Dao cũng bày tỏ băn khoăn, lo lắng khi 5/12 chỉ tiêu chưa đạt được, và những chỉ tiêu này góp phần quan trọng, quyết định đến sự phát triển vững bền của Việt Nam. Bên cạnh đó, người nông dân hiện nay đang oằn mình trong cơn bão giá, giá thuốc thú y, giá thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm, giá thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt là giá phân bón. Trong khi đó, giá nông sản vẫn ổn định, bền vững theo thời gian. Đại biểu Châu Quỳnh Giao cho rằng, những tồn tại trên đã nói lên việc nếu không quan tâm, không khắc phục sớm thì sẽ dẫn một nghịch lý, chính những người nông dân là người tự sản xuất lương thực và đảm bảo an ninh lương thực cho toàn xã hội có thể sẽ rơi vào cảnh “đói” do nghề.
Chính vì thế, để người nông dân không bị thiệt thòi mà không bị kiệt quệ do sản xuất ngày càng thua lỗ, đại biểu Châu Quỳnh Dao kiến nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật số 71 Quốc hội khoá XIII, trong đó có quy định là giá phân bón là mặt hàng không chịu thuế giá trị gia tăng theo hướng “được chịu thuế giá trị gia tăng” để được hưởng những chính sách ưu đãi của Nhà nước.
Đại biểu Châu Quỳnh Dao mong rằng Chính phủ kiểm soát chặt chẽ vấn đề xuất khẩu phân bón để đáp ứng nguồn cung trong nước, để không khan hiếm và hạ giá thành nhằm giảm bớt gánh nặng cho người nông dân. Đồng thời đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân Việt Nam cùng các chuyên gia tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân kỹ năng tái sử dụng phế phẩm trong sản phẩm nông nghiệp để hướng đến là tiền đề cho nền nông nghiệp xanh, nền kinh tế phát triển vững bền. Cùng với đó bày tỏ kỳ vọng, những quyết sách của Quốc hội, Chính phủ sẽ là đáp án cho năm 2030 đến năm 2045 để Việt Nam trở thành “một con rồng Châu Á” thật sự./.