Đại biểu Dương Văn Phước - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam
Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Dương Văn Phước - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam nêu rõ di sản văn hóa có thể ví như tấm gương phản chiếu lịch sử hình thành vùng đất con người có ý nghĩa xã hội, nhân văn, sâu sắc, di sản văn hóa không dễ hình thành mà rất dễ bị mai một và luôn tiềm ẩn nguy cơ biến mất. Chính vì vậy, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vừa là nhiệm vụ cấp bách vừa mang tính lâu dài, đây không còn là nhiệm vụ của một cấp, một ngành mà là của quốc gia, dân tộc.
Tuy nhiên, thực trạng công tác quản lý, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa hiện nay vẫn còn nhiều bất cập. Theo đại biểu, có nhiều nguyên nhân dẫn đến những bất cập nhưng chủ yếu là do việc triển khai thực hiện chính sách pháp luật chưa nghiêm, công tác quản lý di tích nhiều nơi bị buông lỏng. Sự điều tiết giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với quá trình phát triển kinh tế-xã hội chưa thật hài hòa, đã làm cho nhiều di tích bị lạm dụng, xâm phạm nghiêm trọng. Tình trạng xâm chiếm không gian di tích để bán hàng quán vẫn còn tồn tại,…
Để giải quyết những vấn đề trên, đại biểu Dương Văn Phước đề nghị Chính phủ sớm có giải pháp đồng bộ nhằm tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước đối với di sản văn hóa. Bảo vệ di sản văn hóa phải được chú trọng tương xứng hài hòa với phát triển kinh tế xã hội, do đó phải có kế hoạch cụ thể việc bảo tồn, tu bổ, phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung và di sản văn hóa thế giới nói riêng. Cùng với đó cần phải xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm, có tâm, đảm bảo làm tốt công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, đồng thời quy định chế tài đủ mạnh để xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi hủy hoại, xâm phạm di sản.
Xuất phát từ việc phát huy giá trị di sản văn hóa phải đi đôi với việc bảo tồn, quản lý và tôn tạo di sản, đại biểu Dương Văn Phước đề nghị Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ quy định cụ thể việc thu phí tham quan chỉ để chi vào việc quản lý và phát huy các giá trị di sản văn hóa mà không tính vào ngân sách nhà nước theo Điều 58 Luật Di sản văn hóa, Điều 17 Nghị định số 109/2017/NĐ-CP.
Theo đại biểu, di tích là tài sản của nhân dân. Bản chất nguồn thu phí tham quan di tích là là khách du lịch chi trả nhưng thực tế hiện nay nguồn thu phí này tham quan này lại nộp vào ngân sách được sử dụng để xác định số thu ngân sách địa phương trong đấu chung cho chi thường xuyên và chi đầu tư, không được sử dụng để chi cho các hoạt động bảo vệ và quản lý di sản văn hóa đúng quy định của Luật di sản văn hóa./.