ĐBQH LÊ VĂN KHẢM: LÀM RÕ NHỮNG VƯỚNG MẮC DẪN ĐẾN CHẬM HOÀN THIỆN MỘT SỐ DỰ ÁN TRONG TUYẾN ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH

20/03/2022

Căn cứ theo Nghị quyết số 66/2013/QH13, Dự án đường Hồ Chí Minh được khởi công xây dựng năm 2000, thời hạn hoàn thành nối thông toàn tuyến mặc dù đã được lùi đến năm 2020 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành. Quan tâm về vấn đề này, đại biểu Lê Văn Khảm- Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương đề nghị làm rõ những vướng mắc dẫn đến chậm hoàn thiện một số dự án trong tuyến đường Hồ Chí Minh.

 

Đại biểu Quốc hội Lê Văn Khảm đề nghị làm rõ những vướng mắc dẫn đến chậm hoàn thiện một số dự án trong tuyến đường Hồ Chí Minh

Bày tỏ nhất trí với việc tiếp tục triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo, tuy nhiên đại biểu Lê Văn Khảm cho rằng dự án còn nhiều đoạn, tuyến vẫn chưa hoàn thành theo Nghị quyết 66/2013/QH13. Do đó, đại biểu đề nghị Bộ Giao thông vận tải và một số Bộ, ngành làm rõ những nội dung sau:

Về tác động kinh tế - xã hội của đường Hồ Chí Minh, đại biểu cho rằng xây dựng đường Hồ Chí Minh là công trình quan trọng của đất nước, có đóng góp quan trọng vào kinh tế, xã hội của từng địa phương mà đường Hồ Chí Minh đi qua, góp phần điều chỉnh lại cơ cấu kinh tế, phân bố lại dân cư và lực lượng lao động, góp phần tích cực vào chương trình xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, báo cáo còn nếu chung chung về tác động thay đổi kinh tế - xã hội của đường Hồ Chí Minh, đề nghị báo cáo cần làm rõ các tác động này trên lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, thay đổi cơ cấu lực lượng lao động, tạo sinh kế của người dân đặc biệt là người dân khu vực Tây Nguyên, nơi kết nối giao thông với nước bạn Lào, Thái Lan...

Về công tác giải phóng mặt bằng, đối với tái định cư tại những địa phương có đường Hồ Chí Minh đi qua, Báo cáo của Chính phủ đánh giá vẫn còn hiện tượng cá biệt một số địa phương ban giao mặt bằng chậm, không liên tục ảnh hưởng đến tiến độ của dự án trong khi chỉ còn 171 km nữa là hoàn thành nối thông toàn tuyến. Đại biểu đề nghị Chính phủ có đánh giá cụ thể về việc giải phóng mặt bằng ở những địa phương bàn giao mặt bằng chậm để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành đường Hồ Chí Minh.

Về giải pháp, chính sách thu hút vốn đầu tư, Báo cáo của Chính phủ đề nghị xác định nguồn vốn đầu tư công là chủ đạo do huy động nguồn vốn khác hiệu quả thấp. Tuy nhiên, tốc độ huy động vốn đầu tư công luôn chậm hơn tốc độ huy động vốn BOT, BT. Do đó, đại biểu đề nghị cần thiết phải phân tích nguyên nhân dẫn đến chậm hoàn thiện một số đoạn trong dự án đường Hồ Chí Minh, vướng mắc là ở khâu giải phóng mặt bằng, hay bố trí tái định cư, gặp khó khăn trong nguồn vốn, vướng mắc ở quan điểm về trình tự sắp xếp hiệu quả đầu tư ở các đoạn đường khác, về tiến độ giải ngân?

Đồng thời, đại biểu đề nghị cần đánh giá tác động thật cụ thể của việc chậm tiến độ để nhận thức rõ vấn đề cần giải quyết, xác định ưu tiên nguồn lực, thấy rõ trách nhiệm của các cấp, các cơ quan, chính quyền địa phương khi chậm tiến độ. Tại sao trong đề xuất lần này của Chính phủ lại vẫn chỉ là giai đoạn đầu, giai đoạn 2020-2025, ưu tiên hai dự án. Còn dự án từ Cổ Tiết - Chợ Bến lại ở giai đoạn sau, giai đoạn 2025-2030, trong khi các đoạn đường khác, Chính phủ đều kết luận dự án đem lại hiệu quả kinh tế xã hội rất cao, giúp có thêm sinh kế, nâng cao đời sống người dân, giao thông thuận lợi… Với những dự án chưa làm xong này, cần đánh giá thật kỹ tác động ở các đoạn đường chậm tiến độ, xem hiệu quả kinh tế - xã hội bị trễ trong so sánh với các địa phương khác như thế nào.

Nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của việc thông tuyến đường Hồ Chí Minh, đại biểu Lê Văn Khảm đề nghị hoàn thành 03 dự án còn lại trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, đảm bảo tính đồng bộ, thể hiện sự quyết tâm của hệ thống chính trị và các nguồn lực để hoàn thiện toàn tuyến; đồng thời tiếp tục duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp những tuyến đường đã đưa vào sử dụng nhưng bị xuống cấp, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội và đời sống người dân./.

Hồ Hương