Năm 2021, Quốc hội Việt Nam đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét. Tiêu biểu như việc thực hiện chuyển giao giữa hai nhiệm kỳ Quốc hội, bảo đảm sự kế thừa, đổi mới, ổn định và phát triển. Phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV, đã chỉ ra nhiều định hướng lớn và những nhiệm vụ quan trọng để Quốc hội khóa XV tiếp tục đổi mới, hoàn thiện, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động.
Hay cuộc bầu cử lịch sử, có quy mô lớn nhất, diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát lần thứ 4 đã được tổ chức thành công rất tốt đẹp.
Bên cạnh đó, lần đầu tiên, Bộ Chính trị có Kết luận về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật cho cả nhiệm kỳ Quốc hội, là cơ sở quan trọng để Quốc hội, các cơ quan chủ động, tích cực triển khai từ sớm, phối hợp chặt chẽ bảo đảm tiến độ, chất lượng trong công tác xây dựng pháp luật.
Hay việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức nhiều phiên họp bất thường và ban hành các nghị quyết quan trọng với một số nội dung mang tính lịch sử, lần đầu tiên được áp dụng, góp phần đưa đất nước vượt qua đại dịch, để lại dấu ấn trong cử tri và nhân dân….
Nhân dịp xuân mới Nhâm Dần 2022, Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc trao đổi với đại biểu Trương Xuân Cừ - Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội để cùng nhìn lại những dấu ấn và thành tựu nổi bật của Quốc hội trong năm qua, cũng như những chia sẻ của đại biểu để Quốc hội ngày càng đổi mới, hoàn thiện, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động.
Đại biểu Trương Xuân Cừ - Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội
Phóng viên: Nhìn lại năm 2021, Quốc hội Việt Nam đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét, được đông đảo cử tri, nhân dân, báo chí trong nước và quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Vậy sự kiện nào trong năm qua để lại ấn tượng sâu đậm nhất đối với đại biểu?
Đại biểu Trương Xuân Cừ - Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội: Tôi nhận thấy trong năm 2021, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng và đặc biệt. Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát, cho nên các kế hoạch từ vấn đề vận động bầu cử đến các cuộc tiếp xúc cử tri phải vừa đảm bảo chất lượng, vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh. Đây là một trong những cố gắng rất lớn của Đảng và Nhà nước cũng như Quốc hội, đặc biệt là Ban Chỉ đạo Bầu cử quốc gia đã có những ý kiến, chỉ đạo hết sức kịp thời, xác đáng.
Đây là mốc son lớn trong lịch sử Quốc hội nước ta, với số lượng cử tri lớn nhất từ trước đến nay, với tỷ lệ cử tri đi bầu đạt 99,6% đã thể hiện ý thức trách nhiệm, niềm tin tưởng sâu sắc của Nhân dân vào Đảng và Nhà nước, đồng thời khẳng định sức mạnh vô địch của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tôi thấy rằng, việc vận động bầu cử vừa qua cũng rất sáng tạo, thể hiện quyết tâm chính trị và sự quyết liệt của mỗi địa phương. Vận động bầu cử bằng hình thức trực tuyến lần đầu tiên được triển khai thực hiện. Các cấp ủy chính quyền xã, phường, huyện thị rất trách nhiệm, chuẩn bị chu đáo về nội dung, trang thiết bị, quy trình… Nhờ có hình thức trực tuyến, các ứng cử viên đã tiếp xúc và vận động được rất nhiều cử tri trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Tôi nhận thấy chất lượng hình ảnh, âm thanh cũng không khác gì trực tiếp, qua đó thể hiện khâu chuẩn bị rất tốt.
Và quan trọng nhất, chúng ta đã bầu được 499 đại biểu Quốc hội, cơ bản bầu đủ đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; trong đó, chất lượng, cơ cấu đại biểu đều vượt chỉ tiêu đặt ra đã khẳng định công tác nhân sự được chuẩn bị kỹ lưỡng, dân chủ, đúng quy định của pháp luật.
Đặc biệt, trình độ học vấn của đại biểu cao hơn so với các khoá trước đây, tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách gần 40%, cao nhất từ trước đến nay, tỉ lệ cơ cấu được đảm bảo như tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội cao nhất từ trước đến nay và tỉ lệ đại biểu là dân tộc thiểu số cũng vượt so với chỉ tiêu đặt ra.
Tôi thấy ấn tượng nhất chính là trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn, thậm chỉ có cả các thế lực thù địch chống phá nhưng cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 vẫn được tổ chức thành công tốt đẹp, rất dân chủ, đảm bảo bình đẳng, đúng pháp luật. Người dân, cử tri cũng rất trách nhiệm đối với cuộc bầu cử này. Tôi cho rằng cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 cũng là dấu ấn đáng ghi nhận của Quốc hội năm 2021.
Phóng viên: Việc tổ chức thành công Kỳ họp thứ Nhất và thứ Hai của Quốc hội khóa XV cũng là dấu ấn đậm nét trong năm đầu của Quốc hội nhiệm kỳ mới, thể hiện những đổi mới quyết liệt và nhiều quyết sách chưa có tiền lệ. Đại biểu đánh giá thế nào những thành công bước đầu của Quốc hội khóa XV?
Đại biểu Trương Xuân Cừ - Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội: Nối tiếp cuộc bầu cử được tổ chức rất thành công, tôi thấy ấn tượng với việc tổ chức Kỳ họp thứ Nhất và thứ Hai của Quốc hội khóa XV.
Sự chuyển giao giữa 2 nhiệm kỳ Quốc hội từ khóa XIV sang khóa XV rất nhanh, thể hiện công tác chuẩn bị từ sớm, từ xa, có sự kế thừa, rất chủ động. Chính vì vậy ngay sau khi kết thúc cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Quốc hội đã tổ chức Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV đã kiện toàn chức danh lãnh đạo Quốc hội, Chủ tịch nước, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước; xem xét, quyết định nhiều vấn đề liên quan đến “quốc kế - dân sinh”.
Trước diễn biến rất nhanh và nguy hiểm của đại dịch COVID-19, Quốc hội đã quyết định rút ngắn 3 ngày làm việc so với chương trình đã được thông qua, 8 ngày so với dự kiến ban đầu, dù khối lượng công việc không giảm. Các đại biểu Quốc hội đã làm việc cả ngày chủ nhật và ngoài giờ để bảo đảm việc rút ngắn chương trình nhưng không làm ảnh hưởng đến chất lượng công việc của Quốc hội, nêu cao trách nhiệm trước cử tri và nhân dân.
Tại Kỳ họp thứ Hai, Chủ tịch Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Chính phủ và cơ quan hữu quan nghiên cứu, đề xuất và áp dụng nhiều cải tiến, đổi mới tổ chức kỳ họp.
Kỳ họp thứ Hai đã được tổ chức thành 2 đợt, kết hợp giữa họp trực tuyến và họp trực tiếp, chủ động rút ngắn so với các kỳ họp cuối năm của Quốc hội những khóa gần đây, nhưng vẫn bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đúng quy định. Điều này thể hiện sự linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo, lãnh đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội cũng như các đại biểu đã tham mưu.
Trong đợt họp trực tiếp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý với đề xuất của Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh được họp theo hình thức trực tuyến. Đây là vấn đề chưa từng có tiền lệ (họp tập trung nhưng vẫn có một Đoàn họp trực tuyến), cho thấy sự nhạy bén, linh hoạt, sáng tạo, tinh thần trách nhiệm trong tổ chức, hoạt động của Quốc hội, đồng thời, bảo đảm quyền và nghĩa vụ của các vị đại biểu Quốc hội, góp phần vào thành công chung của Kỳ họp.
Tôi thấy rằng qua hai kỳ họp, các nội dung được chuẩn bị chu đáo, cụ thể và rất trách nhiệm. Các ý kiến thảo luận ở tổ, ở Đoàn, hay ở Hội trường đều cơ bản đồng tình với các Tờ trình của Chính phủ và các Báo cáo thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội. Các kỳ họp trước đây thường kéo dài hơn 1 tháng nhưng kỳ họp đầu tiên của Quốc hội diễn ra chưa đến 20 ngày. Đặc biệt các nội dung đều hoàn thành, thậm chí hoàn thành xuất sắc, qua đó thể hiện khâu chuẩn bị, ý thức trách nhiệm, phương thức tổ chức hoạt động của Quốc hội ngày càng được đổi mới.
Trong bối cảnh dịch bệnh như vậy, từ thực tiễn hai kỳ họp vừa qua, tôi cho rằng, sau này dù không còn dịch bệnh, Quốc hội nên tổ chức mỗi kỳ họp chia thành 2 đợt là họp trực tuyến kết hợp với họp trực tiếp. Khi thảo luận tổ ở địa phương, đại diện các sở, ngành cũng tham dự và cung cấp thông tin cho đại biểu Quốc hội. Công tác chuẩn bị của các đại biểu ở địa phương được chu đáo hơn, chặt chẽ hơn và có cơ sở hơn. Bên cạnh đó, tài liệu để chuẩn bị cho các kỳ họp và gửi đại biểu Quốc hội được thực hiện từ rất sớm, do vậy thời gian để đại biểu tham gia và nghiên cứu tài liệu cũng thuận lợi hơn.
Có thể nói, thành công của Kỳ họp thứ Nhất và thứ Hai của Quốc hội khóa XV đã khẳng định rõ vai trò, bản lĩnh, tầm nhìn bao quát của Chủ tịch Quốc hội - người đứng đầu cơ quan lập pháp, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cùng với các vị đại biểu Quốc hội khóa XV để có được những bước tiến quan trọng trong việc xây dựng một Quốc hội “Chủ động, Trí tuệ, Đoàn kết, Đổi mới và Trách nhiệm”, một Quốc hội ngày càng dân chủ, công khai, minh bạch, gắn bó mật thiết với cử tri, Nhân dân; đồng thời là hiện thân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Phóng viên: Qua 10 sự kiện tiêu biểu của Quốc hội Việt Nam năm 2021, đại biểu có đánh giá tổng thể như thế nào về những quyết sách mà Quốc hội đã đưa ra và thực hiện được trong năm qua?
Đại biểu Trương Xuân Cừ - Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội: Theo tôi, 10 sự kiện tiêu biểu của năm 2021 thì sự kiện nào cũng được cử tri và nhân dân cả nước quan tâm và để lại dấu ấn sâu sắc của Quốc hội trong đó. Đó là vấn đề tổ chức, lãnh đạo, chỉ đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 cũng như 3 kỳ họp vừa qua của Quốc hội khóa XV gồm Kỳ họp thứ Nhất, Kỳ họp thứ Hai và Kỳ họp bất thường. Qua đó thấy được dấu ấn và thành công của Quốc hội khóa XV rất rõ nét.
Thời gian sau khi Quốc hội kiện toàn không nhiều nhưng những điều Quốc hội đã làm và triển khai thực hiện trong năm qua rất đáng kể, được dư luận xã hội đánh giá cao, thậm chí Nghị viện các nước trên thế giới cũng ghi nhận và đánh giá cao, nhất là qua chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội tới các nước châu Âu.
Nhìn chung, kết quả hoạt động của Quốc hội năm 2021 đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến khó lường, phức tạp như hiện nay.
Dù là bất thường nhưng Quốc hội đã quyết rất nhiều cơ chế, chính sách. Tiêu biểu như, Quốc hội đã nhất trí rất cao ban hành Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ với quy mô khoảng 350.000 tỷ đồng để vừa chủ động trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, vừa hỗ trợ kịp thời cho phục hồi và phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Với tôi, đây là dấu ấn rất tổng quát, toàn diện và rõ nét nhất.
Mặc dù trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 nhưng các cơ chế, chính sách phát triển đất nước, các chính sách an sinh xã hội cần được giải quyết nhanh chóng, kịp thời. Nếu chúng ta chờ đến kỳ họp theo luật định thì sẽ gặp nhiều khó khăn trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.
Tôi cho rằng, những kỳ họp bất thường để giải quyết các vấn đề cấp bách, bức xúc của xã hội nhằm đảm bảo phát triển đất nước. Do vậy, thời gian tới, Quốc hội cần điều chỉnh lại Luật Tổ chức Quốc hội, trong đó có nội dung về việc tổ chức các kỳ họp của Quốc hội để đứng trước yêu cầu của đất nước, Quốc hội vào cuộc, xử lý và hoàn thiện các cơ chế, chính sách, đảm bảo các hoạt động của đất nước theo đúng pháp luật.
Phóng viên: Trong không khí mừng xuân mới Nhâm Dần 2022, đại biểu có mong muốn và chia sẻ điều gì để Quốc hội ngày càng đổi mới, hoàn thiện, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động?
Đại biểu Trương Xuân Cừ - Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội: Nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, tôi xin gửi lời chúc mừng năm mới tới cử tri và nhân dân cả nước. Một năm khó khăn sẽ lùi lại phía sau, hy vọng năm mới sẽ là những bước tiến mới, thành công ngoài mong đợi tới mọi người.
Quốc hội với chức năng là giám sát tối cao và xây dựng pháp luật, xây dựng các cơ chế, chính sách để tạo điều kiện, cơ sở pháp lý phát triển đất nước bền vững. Trong bối cảnh đại dịch và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, Quốc hội cần tiếp tục đổi mới để các hoạt động của Quốc hội đạt hiệu quả cao. Để làm được điều này, tôi nghĩ rằng, các bộ, ban, ngành Trung ương cùng nhau vào cuộc để chuẩn bị các kỳ họp Quốc hội, chuẩn bị các Tờ trình, dự thảo luật, báo cáo thẩm tra luật một cách chu đáo, trách nhiệm.
Muốn thành công và đạt được kết quả tốt, tôi cho rằng Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội cần tập trung cho công tác chuẩn bị, bởi đây là công tác rất quan trọng. Quốc hội cần tiếp tục chỉ đạo các bộ, ban, ngành trong quá trình chuẩn bị dự thảo các luật, tranh thủ các ý kiến của chuyên gia, từ vấn đề xây dựng đề cương dự thảo cho đến xây dựng dự thảo luật chi tiết, cụ thể. Do vậy, tôi nghĩ rằng, Quốc hội cần tiếp tục đổi mới một cách toàn diện và sâu sắc, và các cơ quan của Chính phủ cũng cần đổi mới để phục vụ tốt hơn nữa cho Quốc hội thẩm định và ban hành các luật, cơ chế, chính sách hiện hành.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu. Nhân dịp đón Xuân Nhân Dần 2022, kính chúc đại biểu sức khoẻ và nhiều đóng góp cho sự đổi mới của Quốc hội!