GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: ƯU TIÊN ĐẦU TƯ, HIỆN ĐẠI HÓA HỆ THỐNG Y TẾ CƠ SỞ

11/01/2022

Tại phiên thảo luận toàn thể trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, cần có chính sách ưu tiên, hiện đại hóa hệ thống y tế cơ sở,..

 

Đại biểu Nguyễn Thanh Phương, Đoàn ĐBQH Tp. Cần Thơ 

Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Thanh Phương, Đoàn ĐBQH Tp. Cần Thơ cho rằng, Gói chi cho phòng chống dịch, đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, Trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp vùng, viện và bệnh viện Trung ương là cần thiết. Sự ưu tiên này nhằm tăng cường năng lực y tế là việc đúng, quan trọng vì qua đại dịch cho thấy hệ thống y tế cơ sở rất yếu, nhất là một số địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Theo đại biểu, qua đại dịch cho thấy hệ thống y tế cơ sở hiện rất yếu, nhất là ở một số địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Đề án Chính phủ trình, hiện đã xác định được 2.154 trạm y tế xã, 60 đơn vị y tế tuyến huyện, 9 CDC vùng và 18 bệnh viện trung ương nhằm nâng cao năng lực. Do đó, kiến nghị Bộ Y tế tham mưu cho Chính phủ cùng các địa phương tiếp tục xác định các xã của các địa phương chưa có trong danh sách để đảm bảo hệ thống y tế xã được nâng cao năng lực đồng bộ. Bên cạnh đó, đại biểu cũng kiến nghị Bộ Y tế và Chính phủ ưu tiên đầu tư đúng mức nâng cấp Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ thành bệnh viện cấp đặc biệt, trở thành trung tâm y tế của vùng đồng bằng sông Cửu Long hoặc xây dựng thêm cơ sở 2 của bệnh viện để tăng cường phục vụ cho vùng với 19 triệu dân.

Đại biểu Châu Quỳnh Dao, Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang 

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Châu Quỳnh Dao, Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang cho biết, đại dịch COVID-19 cũng là một phép thử về tầm quan trọng và những điểm yếu bộc lộ của y tế cơ sở và y tế dự phòng, đó là chất lượng đội ngũ, đó là vấn đề tài chính và đó là vấn đề cơ sở vật chất. Một bất cập khác được đại biểu chỉ ra, là việc khó thu hút được nhân viên xuống cơ sở làm việc, bởi vì cùng là một số năm công tác như nhau nhưng vị thế của bác sĩ công tác tại bệnh viện so với bác sĩ công tác tại y tế cơ sở rất khác nhau về trình độ chuyên môn, về kỹ năng nghiệp vụ và về thu nhập. Do đó, đại biểu đề nghị  phải ban hành chính sách phù hợp, thu hút và giữ chân nguồn nhân lực.

Theo đại biểu, Chính phủ cần có chính sách khuyến khích nhân viên y tế, cán bộ y tế cấp cơ sở được học tập nâng cao trình độ, được hỗ trợ kinh phí, được hỗ trợ về mặt thời gian để tạo cơ hội thăng tiến. Đồng thời, đảm bảo có thêm thu nhập bằng cách là khuyến khích xã hội hóa các hoạt động y tế trong khu vực là y tế dự phòng từ trạm y tế, trung tâm y tế cho đến trung tâm kiểm soát dịch bệnh. Chúng ta cần mở rộng thêm loại hình chăm sóc sức khỏe gia đình. “Xu thế hiện nay người bị mắc bệnh mãn tính, người già, người không tiện đi lại rất cần loại hình này hay kích thích làm sao cung ứng những dịch vụ hỗ trợ trong y tế, chăm sóc y tế và phòng, chống bệnh. Đây là những điểm có thể tăng thêm thu nhập cho nhân viên y tế cơ sở và giữ chân, để yên tâm phát triển tay nghề để phục vụ tốt hơn cho người dân,…”, đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu Mai Văn Hải, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa

Phát biểu từ điểm cầu Thanh Hóa, đại biểu Mai Văn Hải đồng tình với quan điểm là phải nâng cao năng lực của y tế cơ sở, nhưng đề nghị trong gói 14.000 tỷ cũng cần phải có trọng tâm, trọng điểm. Theo đại biểu, đối với y tế cơ sở, trước hết là phải quan tâm đến con người, thực tại một bộ phận đội ngũ y, bác sĩ ở tuyến cơ sở yếu về chuyên môn, người dân ít đến thăm khám và điều trị tại y tế cơ sở, do đó phải quan tâm để nâng cao trình độ, năng lực của y bác sĩ.

Đại biểu cũng bày tỏ quan điểm đồng tình với việc tăng cường cơ sở vật chất nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm. Trong báo cáo của Chính phủ dự kiến sẽ đầu tư cho 2.154 xã nhưng theo đại biểu cũng cần phải làm rõ những xã nào, tiêu chí như thế nào cần phải được đầu tư, cần phải làm rõ tiêu chí lựa chọn. “Nên nghiên cứu, rà soát trước hết những xã đặc biệt khó khăn theo Quyết định 861 của Thủ tướng Chính phủ để có kế hoạch đầu tư trước. Còn lại nguồn vốn cá nhân, đề xuất cần ưu tiên tập trung để đầu tư trang thiết bị y tế cho trung tâm y tế, cho bệnh viện tuyến huyện….”, đại biểu Mai Văn Hải kiến nghị.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung , Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình

Về nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung , Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cũng đề nghị, ngoài việc tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng cần tập trung vào nâng cao năng lực cho hệ thống đội ngũ cán bộ y tế để có hiệu quả cao nhất trong gói hỗ trợ phục hồi này đối với ngành y tế.

Nhất trí cao với ý kiến các đại biểu đã phát biểu, đại biểu Nguyễn Thành Nam, đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ đề nghị không giảm biên chế đối với đội ngũ y tế hiện tại mà cần có chính sách phù hợp hơn để đội ngũ y tế yên tâm công tác. “Trong hạn chế của y tế cơ sở có việc thiếu cán bộ y tế nên không đáp ứng được yêu cầu phòng, chống dịch. Việc này có nguyên nhân sâu xa do trước đây chúng ta thực hiện chính sách tinh giản biên chế 10%, đặc biệt là tinh giản biên chế những đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có ngành y tế, nhất là tuyến y tế dự phòng và y tế cơ sở,…”, đại biểu cho biết.

Lê Anh - Nghĩa Đức