ĐBQH U HUẤN: CẦN QUAN TÂM NHIỀU ĐẾN KHÂU TỔ CHỨC THỰC HIỆN

07/01/2022

Phát biểu tại Phiên thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu U Huấn, Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum đề nghị cần quan tâm nhiều tới khâu tổ chức thực hiện,...

Đại biểu U Huấn, Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum 

Tham gia thảo luận, đại biểu U Huấn cho biết, thực tế thời gian qua một số địa phương còn tình trạng lãng phí cơ sở vật chất phục vụ dạy nghề, trang thiết bị không được khai thác sử dụng hiệu quả, đào tạo nghề chưa sát với đặc điểm tình hình, chưa đáp ứng nhu cầu thị trường lao động tại địa phương, trong nước và xuất khẩu, chưa phát huy hiệu quả, gây lãng phí. Do đó chủ trương xây mới, cải tạo nâng cấp các cơ sở đào tạo, dạy nghề giải quyết việc làm cần sớm được triển khai đồng bộ, quản lý chặt chẽ, phát huy hiệu quả chương trình.

Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo thực hiện khẩn trương triển khai nội dung Nghị quyết 42/2021/QH15 Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV về việc rà soát những khó khăn, vướng mắc trong thời gian thực hiện Quyết định 861/QĐ-TTg để có giải pháp hỗ trợ phù hợp với đối tượng sinh sống tại khu vực II, III được chuyển lên khu vực I, tạo điều kiện để các đối tượng gặp nhiều khó khăn, các xã khu vực II, III được chuyển lên khu vực I tiếp tục được hưởng hỗ trợ của Nhà nước trong thời gian chuyển tiếp về chính sách, và được hưởng hỗ trợ theo Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội sau khi Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường lần này.

Liên quan đến điều hòa nguồn vốn đầu tư công trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, đại biểu đề nghị ưu tiên bố trí nguồn vốn để đầu tư hoàn thiện hoàn chỉnh Quốc lộ 24 từ Kon Tum đi Quảng Ngãi. Theo đại biểu, Quốc lộ 24 là tuyến đường ngắn nhất tỉnh Quảng Ngãi kết nối Kon Tum, tới đường Hồ Chí Minh và khu công nghiệp cảng biển vùng duyên hải miền Trung - Tây Nguyên và thông thương với các nước Campuchia, Lào. Quốc lộ 24 nếu được đầu tư xây dựng, hoàn thiện sẽ tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội của hai tỉnh và cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên, phù hợp với mục tiêu liên kết vùng, thúc đẩy tăng trưởng đã được nêu trong dự thảo Nghị quyết.

Về quan điểm, mục tiêu và các nhóm giải pháp được nêu tại Tờ trình của Chính phủ, đại biểu thể hiện sự đồng tình, thống nhất cao. Tuy nhiên, đối với nhóm chính sách tài khóa và giải pháp tiền tệ, đại biểu đề nghị hoạt động tài chính ngân hàng nên giảm 2% thuế giá trị gia tăng như các nhóm hàng hóa dịch vụ khác. Theo đại biểu, giải pháp tiền tệ là chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí quản lý để phấn đấu giảm lãi suất cho vay 0,5 - 1% trong hai năm vì ngoài tiết kiệm, tiết giảm chi phí quản lý thì nên hỗ trợ về thuế.

Để đảm bảo hiệu quả thực hiện Nghị quyết, đại biểu cũng đề xuất, cần quan tâm nhiều đến khâu tổ chức thức hiện. Đồng thời, sau khi Nghị quyết được Quốc hội thông qua, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành sớm có hướng dẫn triển khai thực hiện, đồng thời trong dự thảo Nghị quyết cũng nên ấn định thời gian để Chính phủ hoàn thiện các hướng dẫn./.

Lê Anh