ĐBQH LÊ CÔNG NHƯỜNG: CHẤT VẤN BỘ GTVT VỀ "ĐIỆP KHÚC" ÙN TẮC GIAO THÔNG, TĂNG GIÁ VÉ DỊP TẾT NGUYÊN ĐÁN

13/02/2020

''Điệp khúc'' tắc đường, tăng giá vé dịp trước và sau Tết Nguyên đán tại các tỉnh, thành phố lớn đã diễn ra nhiều năm nay nhưng những giải pháp mà ngành chức năng đưa ra vẫn chưa hiệu quả. Tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội Khóa XIV, đại biểu Lê Công Nhường, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định, đã chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể về những giải pháp đột phá để khắc phục ''căn bệnh'' cố hữu giao thông ngày Tết.

Điệp khúc tăng giá vé xe từ 20% - 60% dịp Tết Nguyên đán 2020

Tết Canh Tý 2020, 2 bến xe lớn nhất Tp. Hồ Chí Minh là Bến xe miền Đông và Bến xe miền Tây tăng giá vé, mức tăng cao nhất là 60%. Theo đại diện Bến xe miền Đông lượng hành khách sẽ tăng cao vào ngày 24 đến 28 tháng Chạp (các ngày 18- 22/1/2020). Lượng hành khách qua bến trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020 tăng khoảng 2% so với cùng kỳ năm trước.

Một số tuyến đi Lâm Đồng, Quảng Nam, Nha Trang, Mũi Né, Vũng Tàu, Buôn Ma Thuột, Bình Định cũng có nhu cầu lớn nhưng hành khách tập trung vào các điểm “xe dù” thuộc các khu vực quận 1, quận 5, quận 10, quận Tân Phú và Tân Bình, bãi xe 391 và 397 Đinh Bộ Lĩnh, Bình Thạnh để đi lại. Cũng như mọi năm, tùy theo tuyến và thời điểm, giá vé tăng từ 20%-60%. Trong đó, các tuyến từ Quảng Ngãi trở ra các tỉnh Phía Bắc, các tuyến thuộc tỉnh Phú Yên, Bình Định, Kon Tum, Gia Lai, giá vé không quá 60% từ ngày 20 tháng Chạp đến hết Mùng 3 Tết. Các tuyến thuộc tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Thuận, giá vé tối đa 60% từ ngày 24 tháng Chạp đến hết Mùng 4 Tết. Các tuyến thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, giá cước không quá 40% từ ngày 26 tháng Chạp đến hết mùng 6 Tết.

Trong khi đó, tại Bến xe miền Tây, để bù chiều xe chạy rỗng trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý, giá vé tăng tối đa 40% so với ngày thường. Thời gian tăng giá trong 6 ngày (gồm 4 ngày trước Tết và 2 ngày sau Tết), từ 27 tháng Chạp đến hết Mùng 2 Tết.

Ùn tắc giao thông cả trên không và dưới đất

Đã thành thông lệ, năm nào cũng vậy, nhu cầu đi lại của người dân dịp Tết Nguyên đán tăng cao, tình trạng bùng phát lấn chiếm vỉa hè, lòng đường; ùn tắc giao thông lại diễn ra ở nhiều tỉnh, thành phố lớn.

Những ngày trước và sau Tết Nguyên đán, tại nút giao giữa đường Trường Chinh và cầu vượt Ngã tư sở, thành phố Hà Nội. Tình trạng lấn chiếm lòng đường giờ cao điểm diễn ra phổ biến. Lưu lượng người tham gia giao thông tăng cao, nhiều người đã đi lên vỉa hè – phần đường dành cho người đi bộ. Còn vỉa hè thị bị chiếm dụng làm nơi bán hàng… Tình trạng này không chỉ diễn ra trong dịp Tết Nguyên đán, mà là diễn ra hàng ngày ở nhiều tuyến phố.

Chuyên gia giao thông Nguyễn Danh Liên phân tích: Tình trạng ùn tắc giao thông tồn tại nhiều năm, thậm chí năm sau tăng hơn năm trước. Đây không phải là điều lạ, vì chúng ta đang mới chỉ giải quyết phần ngọn mà chưa giải quyết phần gốc của tình trạng tắc đường. Mặc dù chính quyền thành phố lớn, Sở Giao thông, Ban An toàn giao thông các thành phố vào cuộc quyết liệt nhưng tình trạng ùn tắc vẫn diễn ra.

Chuyên gia giao thông Nguyễn Danh Liên cho rằng, các biện pháp giảm ùn tắc giao thông hiện nay mới giải quyết được phần ngọn của vấn đề.

Còn tại nút giao Khuất Duy Tiến, thuộc đường Vành đai 3 - Hà Nội, tắc đường kéo dài cả cây số, nhiều vị trí tắc cứng, các phương tiện không thể di chuyển. Nhiều người điều khiển xe máy tràn lên vỉa hè để lưu thông. Điều đáng nói đây chính là tuyến đường được thành phố Hà Nội phê duyệt xén dải phân cách giữa để phục vụ mở rộng đường.

Mặc dù các phương án xén vỉa hè, đường phân cách giữa, mở rộng lòng đường, tăng phí trông giữ phương tiện, hạn chế xe cá nhân vào nội đô, cấm xe dịch vụ lưu thông vào một số tuyến phố trong giờ cao điểm…Tuy nhiên, những giải pháp này dường như chưa thực sự hiệu quả.

Không chỉ ùn tắc trong nội đô, dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, tại các cửa ngõ giao thông của các tỉnh, thành phố lớn liên tục xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài.

Điển hình như ngày 29/01/2020 (ngày mùng 5 Tết Canh Tý), tại cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ hướng về nội đô Hà Nội, tình trạng ùn ứu giao thông nghiêm trọng, kéo dài nhiều giờ đồng hồ.

Trạm thu phí Liêm Tuyền dẫn lên cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình hướng về trung tâm, giao thông ùn tắc dài khoảng 2km, rất nhiều các phương tiện xe máy, ô tô ồ ạt đổ về hướng trung tâm.

Trước đó, ngày mùng 4 Tết Canh Tý, do lượng phương tiện tăng cao gây ùn tắc cục bộ, lực lượng chức năng đã yêu cầu Trạm BOT Pháp Vân xả trạm để thông tuyến. Tuy nhiên, các nhân viên trạm thu phí này không thực hiện yêu cầu của lực lượng chức năng mà vẫn tiếp tục thu phí đối với các phương tiện lưu thông qua trạm. Chỉ đến khi tình trạng ùn tắc đã trở nên cực kỳ nghiêm trọng, kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ thì Trạm thu phí BOT Pháp Vân mới thực hiện... xả trạm.

Ùn tắc kéo dài tại Cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý

Còn tại Tp. Hồ Chí Minh, trong những ngày cận Tết Nguyên đán và sau kỳ nghỉ Tết nhiều tuyến đường cửa ngõ trung tâm thành phố luôn trong tình trạng kẹt cứng…

Tương tự, tình trạng ùn tắc cũng xảy ra tại các ga tàu, bến xe, nhà ga hàng không. Theo ước tính, từ Mùng 1 Tết đến 15 âm lịch, sản lượng hành khách tại sân bay Tân Sơn Nhất, Tp. Hồ Chí Minh đạt trên 1,9 triệu hành khách, tăng 5.68% so với Tết năm 2019. Do lượng khách tăng cao nên lại tái diễn điệp khúc bên trong nêm chặt người, bên ngoài giao thông ùn tắc, kẹt không lối thoát.

Số vụ tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ

Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông, trong 7 ngày Tết Nguyên đán Canh Tý từ 23 đến 29/01 (Tức từ ngày 29 Tết đến ngày mùng 05 Tết), toàn quốc xảy ra 198 vụ tai nạn giao thông, làm chết 133 người, bị thương 174 người. So với cùng kỳ 07 ngày Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí. Nguyên nhân tai nạn chủ yếu là do vi phạm phần đường chiếm 18,4%, lái xe vi phạm nồng độ cồn 04 vụ (chiếm 2%)...

Một trong những dấu ấn lớn nhất ở kỳ nghỉ Tết Canh Tý 2020 chính là công tác đảm bảo an toàn giao thông, đặc biệt là kiểm soát và xử lý vi phạm nồng độ cồn. Cụ thể, số liệu thống kê của Bộ Giao thông vận tải, 6 ngày nghỉ Tết Nguyên đán, tai nạn thương tích nói chung và tai nạn giao thông nói riêng liên quan tới nồng độ cồn đã giảm sâu so với các năm trước. Đặc biệt, số liệu báo cáo của Bộ Y tế cho thấy, số ca cấp cứu do tai nạn giao thông đã giảm 18,2% so với kỳ Tết Kỷ Hợi 2019.

Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Giao thông, Bộ Công an cho biết, nhận thức của người tham gia giao thông đã tăng lên rất cao từ khi ngồi uống nước đến các bữa ăn đều thực hiện nghiêm. Thứ 2, chỉ đạo của lực lượng Cảnh sát giao thông không ngừng nghỉ, thực hiện xuyên suốt cả năm chứ không chỉ riêng những ngày Tết. Ngay ngày mồng 1 Tết cũng có nhiều trường hợp bị xử lý nồng độ cồn. Vì vậy, tai nạn bởi nguyên nhân mất khả năng điều khiển do sử dụng rượu bia giảm hẳn. Số liệu này ngay từ các bệnh viện cũng đều giảm.

Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Giao thông, Bộ Công an

Có được thành quả này là nhờ các bộ, ngành, địa phương, lực lượng chức năng đã đồng loạt triển khai nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng người đã sử dụng rượu, bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Đặc biệt việc thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 03 ngày 16/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100/2019 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, góp phần giảm số vụ tai nạn giao thông nói chung và tai nạn giao thông do sử dụng rượu, bia trên cả nước trong dịp Tết Nguyên đán.

Trước thực tế cứ vào dịp Tết Nguyên đán là xảy ra tình trạng tăng giá vé và ùn tắc giao thông tái diễn, tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Lê Công Nhường, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định, đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể. Nội dung chất vấn của đại biểu nêu rõ: “Giao thông ngày Tết âm lịch là nỗi ám ảnh kinh hoàng với những người tham gia giao thông bởi những lý do sau:

Thứ nhất, giá vé thường bị đẩy lên 30%  đến 100% so với ngày thường và nhiều khi không mua được vé;

Thứ hai, còn tình trạng một số nơi làm đường bị thu hẹp, chất lượng thấp do đường tu sửa vào cuối năm vì kinh phí bố trí chậm và làm vội để quyết toán kịp niên độ nhưng không kịp dễ gây ùn tắc;

Thứ ba, tai nạn giao thông những ngày này tăng do ùn tắc, do áp lực di chuyển số lượng đông hành khách trong thời gian ngắn để được nghỉ Tết cổ truyền;

Tình trạng này cứ tái đi, diễn lại nhưng truyền thống văn hóa Việt Nam và việc đoàn tụ, sum họp gia đình, người dân vẫn cứ đi và nhiều người trong số đó ra đi mãi mãi không trở về. Vậy xin hỏi Bộ trưởng có giải pháp đột phá gì để khắc phục căn bệnh cố hữu giao thông ngày tết này? Và giá vé, sự ùn tắc, tai nạn giao thông đường bộ vào những này Tết âm lịch?”.

Ngay sau khi đại biểu chất vấn, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đã có phần giải trình trước Quốc hội, trong đó Bộ trưởng thừa nhận thực trạng mua vé tàu xe dịp cuối năm rất khó khăn, do nhu cầu đi lại lớn hơn ngày thường.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, để giải quyết vận tải những ngày lễ, tết, chúng tôi huy động tất cả xe buýt của các doanh nghiệp vận tải để phục vụ công tác đưa khách từ các bến xe về các nơi. Thực tế này trong thời gian vừa qua, chúng ta có thể làm vẫn chậm nhưng tương đối tốt. Chúng tôi có chủ trương cuối năm phải đưa tất cả hành khách về quê. Do đó, chúng ta huy động mọi phương tiện đang có để làm sao đưa bà con về quê.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn đại biểu Lê Công Nhường

Giải trình về việc sửa chữa đường giao thông dịp cuối năm, Bộ trưởng cho biết, đối với việc sửa chữa cuối năm, hiện nay chúng ta đang thực hiện theo Luật Đầu tư và các quy định. Đầu năm các cơ quan bố trí ngân sách thì cũng phải lập báo cáo kinh tế kỹ thuật, lập hồ sơ, đấu thầu sau đó mới có kinh phí để triển khai. Do vậy, thông thường những tháng cuối năm mới có thể triển khai các công trình xây dựng cơ bản. Bộ trưởng cũng đề nghị công tác chuẩn bị đầu tư nên làm trước, sửa Luật Đầu tư công hoặc quy trình xây dựng cơ bản nên có gói tín dụng cho công tác chuẩn bị đầu tư.

“Hiện nay, khi được bố trí tiền mới được làm các thủ tục, trong đó có dự án. Chúng tôi đề nghị nên bố trí một gói, chọn ra một số công trình dự án chúng ta sẽ làm, phải làm trong giai đoạn tới để lập dự án đầu tư, có nghĩa chưa bố trí đầy đủ tiền nhưng cho chủ trương lập dự án rồi khi hồ sơ hoàn thành đầu năm chúng ta bố trí tiền thì chúng ta có thể triển khai ngay, trong đó có công tác sửa chữa đường bộ. Làm như vậy mới đáp ứng được yêu cầu như đại biểu nói”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.

Còn về tình hình tai nạn giao thông trong dịp Tết, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng đồng tình với quan điểm đại biểu về tình trạng tai nạn giao thông ở dịp Tết, trong dịp lễ hội rất lớn. Tuy nhiên, khi Nghị định 86 (sửa đổi) có hiệu lực thì sẽ kết nối dữ liệu giám sát hành trình của tất cả phương tiện vận tải hành khách, phương tiện vận tải hàng hóa, toàn bộ xe kinh doanh trên địa bàn nước Việt Nam. Hiện Bộ Giao thông đang có phần mềm kết nối các thiết bị xe này qua thiết bị giám sát hành trình, sửa đổi Nghị định 86 ngành giao thông sẽ cung cấp trực tuyến số liệu này cho công an và sắp tới qua dữ liệu này công an có thể biết xe đang ở đâu, tình trạng như thế nào để có thể xử lý những hành vi vi phạm, như phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách hoặc có vấn đề về sức khỏe để đảm bảo an toàn giao thông tốt hơn.

Qua phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải tại Kỳ họp 7 Quốc hội Khoá XIV, Bộ trưởng đã thừa nhận vẫn tồn tại tình trạng tăng giá vé, ùn tắc giao thông do thi công, sửa chữa các công trình giao thông dịp cuối năm và tình hình tai nạn giao thông diễn biến phức tạp mỗi khi Tết đến. Bộ trưởng cũng đưa ra một số giải pháp nhằm cải thiện tình trạng này. Vậy những giải pháp mà Bộ trưởng đưa ra kể từ Kỳ họp thứ 7 đến nay có phát huy hiệu quả? Cần có những giải pháp đột phá nào để giải quyết tình trạng này? Phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc trao đổi với với đại biểu Quốc hội Lê Công Nhường, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định, về vấn đề này:

Đại biểu Lê Công Nhường, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định

Phóng viên: Thưa đại biểu, được biết tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, đại biểu đã có câu hỏi chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Vậy, cụ thể nội dung đại biểu chất vấn được tập trung vào khía cạnh nào?

Đại biểu Lê Công Nhường, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định: Tôi chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về tình trạng tắc đường, tai nạn giao thông ngày Tết, đặc biệt có nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra dịp Tết. Mà hầu như năm nào, số vụ tai nạn giao thông ngày Tết cũng tăng cao và lặp đi lặp lại. Bên cạnh đó, dịp Tết, người lao động nghèo lại phải gồng mình lên để mua vé cao về quê ăn Tết. Vì vậy, tôi muốn Bộ trưởng có giải pháp đột phá để tình trạng này giảm bớt, mang lại niềm vui cho nhân dân.

Phóng viên: Sau khi nhận nhận được câu hỏi chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã trả lời trước nghị trường Quốc hộ, đại biểu có đồng tình với nội dung trả lời của Bộ trưởng?

Đại biểu Lê Công Nhường, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định: Những giải pháp của Bộ trưởng nêu ra, tôi cơ bản đồng tình. Tuy nhiên, còn giải pháp đột phá mà tôi mong muốn Bộ trưởng nên cân đối cung cầu người dân đi lại dịp Tết là bao nhiêu, từ đó nắm được nguồn cung giao thông, từ đó sắp xếp cho cung cầu cân bằng.

Trong phẩn trả lời, Bộ trưởng cho biết là dịp Tết cung thấp hơn cầu thì dẫn tới giá vé tăng và tai nạn giao thông tăng. Qua đây, tôi mong muốn ngành giao thông vận tải nên tính toán lại số liệu theo từng năm, nắm được từ đó có biện pháp hữu hiệu như Bộ trưởng nêu ra là huy động xe bus. Tuy nhiên tôi cũng hy vọng Bộ Giao thông vận tải có sự tính toán tới các phương án ngoài đường bộ thì cân đối đường thủy, đường sắt, đường hàng không, cần huy động tất cả các nguồn lực. Nếu nhu cầu vẫn cao hơn nguồn cung thì cần sử dụng đến công nghệ 4.0 để người dân tham gia giao thông có thể đăng ký theo thời gian. Đồng thời, cũng cần thực hiện kinh tế chia sẻ, nhiều gia đình dịp Tết họ đi xe cá nhân, có thể tận dụng số phương tiện này để chia sẻ bớt một phần áp lực nhu cầu đi lại tăng cao dịp Tết. Chỉ khi nào cung và cầu gặp nhau thì mới giải quyết được vấn đề.

Phóng viên: Trong phần trả lời, Bộ trưởng cũng nêu ra nhiều giải pháp nhằm khắc phục tình trạng tăng giá vé ngày tết. Theo đánh giá của đại biểu, liệu giải pháp được đưa ra có khắc phục được bất cập hiện nay? Đại biểu có đề xuất giải pháp gì nhằm bình ổn giá vé ngày tết?

Đại biểu Lê Công Nhường, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định: Để bình ổn giá vé ngày Tết, theo tôi cần tính toán được cung và cầu thực tế như thế nào để có phương án chuẩn bị phù hợp. Bên cạnh nguồn cung của giao thông đường bộ, cũng cần huy động hiệu quả nguồn cung đường hàng không, đường sắt và đường thủy để tham gia vận tải hành khách. Tuy nhiên, có thể việc huy động các phương tiện này cũng không đạt được kết quả như mong muốn, vì lượng hành khách có nhu cầu về quê rất lớn. Vì vậy, có thể chấp nhận phương án tăng giá, nhưng với mức độ phù hợp nhưng phải có giải pháp tránh tình trạng tăng giá quá cao 100%, có khi lên tới 200, 300%. Phương án tăng vé là phù hợp, vì chiều về không có khách, nên cũng đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên. Bên cạnh đó, khi triển khai kế hoạch phục vụ Tết cũng cần khuyến khích thêm một số công ty, đơn vị lữ hành du lịch tham gia vận chuyển hành khách…. Nếu quyết tâm làm thì sẽ có giải pháp hiệu quả nhằm cân đối cung cầu, góp phần giảm quá tải vận chuyển hành khách dịp Tết nguyên đán.

Phóng viên: Trong phần trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng nêu ra nhiều giải pháp nhằm khắc phục đường bị thu hẹp, chất lượng thấp do làm vào cuối năm? Theo đánh giá của đại biểu, giải pháp được đưa ra có khắc phục được bất cập hiện nay? Đại biểu có đề xuất giải pháp như thế nào?

Đại biểu Lê Công Nhường, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định: Về tình trạng đường bị thu hẹp dịp cuối năm, trong phần trả lời, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải có giải trình về quy trình đầu tư các dự án mới, nhưng có những dự án sửa chữa thường xuyên, từ Quỹ Bảo trì đường bộ cho nên chúng ta có thể phân bố ngay từ đầu năm. Ngành giao thông cũng cần công bố ngay từ đầu năm để có kế hoạch sửa chữa từ sớm.

Tôi cho rằng, với các dự án sửa chữa đường triển khai vào cuối năm, đúng vào mùa mưa nên khi thi công sẽ bị tác động của thời tiết nên chất lượng không như mong muốn. Vì vậy, cần có kế hoạch sửa chữa sớm và tránh tình trạng quyết toán theo tiến độ, mà cũng nên mở ra quyết toán rộng rãi hơn.

Phóng viên: Trong phần trả lời, Bộ trưởng cũng nêu ra nhiều giải pháp nhằm khắc phục tình trạng tai nạn giao thông tăng cao dịp nghỉ lễ, nghỉ tết cổ truyền. Vậy theo đánh giá của đại biểu, giải pháp được đưa ra có khắc phục được bất cập hiện nay? Đại biểu có đề xuất giải pháp gì để giảm thiểu tình trạng này?

Đại biểu Lê Công Nhường, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định: Tôi rất đồng tình với các giải pháp kiềm chế tai nạn giao thông mà Bộ trưởng đưa ra. Tôi cũng cho rằng, để làm tốt hơn nữa cũng cần có các biện pháp bổ sung, như nên phân chia lịch về quê tránh tình trạng tắc đường, mất an toàn giao thông. Bên cạnh đó tiếp tục triển khai mạnh mẽ giám sát hành trình trên các phương tiện giao thông để có phương án đảm bảo an toàn giao thông khi có sự cố xảy ra.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Đánh giá cao những giải pháp mà Bộ Giao thông vận tải đã đưa ra nhằm giảm số vụ tai nạn giao thông, tuy nhiên đại biểu Lê Công Nhường vẫn mong muốn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đưa ra giải pháp mang tính đột phá để giải quyết dứt điểm tình trạng ùn tắc giao thông dịp Tết, nhất là tại cửa ngõ các tỉnh, thành phố lớn. Bộ Giao thông vận tải cũng cần tiếp tục áp dụng công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ 4.0 để giám sát, đảm bảo an toàn giao thông khi có sự cố xảy ra. Đồng thời làm tốt hơn nữa công tác dự báo, nắm tình hình về trật tự an toàn xã hội, bảo đảm an toàn giao thông, diễn biến giao thông để có phương án xử lý kịp thời./.

Lan Hương