ĐẠI BIỂU TRIỆU THỊ THU PHƯƠNG: LÀM RÕ NGUYÊN NHÂN VIỆC GIẢI NGÂN NGUỒN VỐN ODA CHƯA ĐẢM BẢO LỘ TRÌNH CAM KẾT

05/01/2019

Tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Triệu Thị Thu Phương, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn, đã chất vấn Thủ tướng Chính phủ về đề nghị làm rõ nguyên nhân việc giải ngân nguồn vốn ODA chưa đảm bảo lộ trình cam kết. Ngày 18/12/2018, Thủ tướng đã có Công văn trả lời đại biểu về nội dung chất vấn.

Đại biểu Triệu Thị Thu Phương chất vấn Thủ tướng Chính phủ về tiến độ giải ngân vốn ODA

Công văn số 1804 ngày 18/12/2018 về việc trả lời chất vấn nêu rõ: Thủ tướng Chính phủ nhận được phiếu chất vấn ngày 30/10/2018 của đại biểu Triệu Thị Thu Phương, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn, với nội dung:

“Qua tiếp xúc cử tri và nghiên cứu báo cáo số 1272 ngày 18/10/2018 của Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội về thẩm tra đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2016-2020 có đánh giá: “Việc xây dựng kế hoạch, danh mục đối với nguồn vốn ODA chưa đảm bảo tính chính xác, nhiều dự án chưa được bố trí đủ nguồn vốn đối ứng, chưa đúng nguyên tắc bố trí vốn đối ứng các dự án ODA”, việc xây dựng kế hoạch đối với nguồn vốn ODA chưa bao quát và tổng hợp được đầy đủ, dẫn đến tình trạng nhiều dự án bị thiếu vốn do phát sinh các hiệp định ký kết sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn trong khi có nhiều dự án không thể giải ngân và việc giải ngân nguồn vốn một số dự án chưa đảm bảo theo đúng lộ trình, đúng cam kết.

Và theo báo cáo của Chính phủ, do tiến độ phân bổ, giao kế hoạch vốn trung hạn và hàng năm chậm nên việc cân đối nguồn vốn trong 2 năm còn lại là rất lớn, khó có khả năng hoàn thành kế hoạch đề ra.

Đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho biết:

- Nguyên nhân của việc xây dựng kế hoạch, danh mục đối với nguồn vốn ODA chưa bảo đảm tính chính xác và việc giải ngân vốn chưa đảm bảo đúng lộ trình cam kết? hướng giải quyết trong thời gian tới?

- Trách nhiệm của tập thể Bộ, ngành, địa phương trong vấn đề này và giải pháp trong thời gian tới?”

Công văn trả lời của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ:

1. Về nguyên nhân việc xây dựng kế hoạch, danh mục đối với nguồn vốn ODA chưa đảm bảo tính chính xác, việc giải ngân vốn chưa đảm bảo đúng lộ trình cam kết:

Thứ nhất, Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 được xây dựng căn cứ vào các hiệp định, thỏa thuận vay ký kết trước tháng 6/2016 nên các hiệp định vay mới từ 2016 chưa được đưa vào kế hoạch giai đoạn này. Theo đó, tổng hạn mức vốn nước ngoài giai đoạn 2016-2020 đã được Quốc hội phê duyệt là 300.000 tỷ đồng (trong tổng mức đầu tư công trung hạn là 2 triệu tỷ đồng).

Thứ hai, về cơ chế giao và thực hiện kế hoạch:

Từ năm 2015 trở về trước, các bộ, ngành trung ương và địa phương giải được ngân kế hoạch vốn nước ngoài theo tiến độ thực hiện và giải ngân theo hiệp định đã cam kết. Cơ chế linh hoạt đó đã góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn nước ngoài, vượt kế hoạch đã giao đối với các dự án có điều kiện thuận lợi triển khai.

Tuy nhiên, từ năm 2016, căn cứ Luật Đầu tư công 2014, Luật Ngân sách nhà nước 2015 và các Nghị định hướng dẫn quy định số vốn giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi phải nằm trong dự toán, kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm, nên cơ chế giải ngân theo tiến độ hiệp định nêu trên không được phép áp dụng nữa. Các bộ, ngành, địa phương chỉ được giải ngân theo kế hoạch vốn đã giao trong khi đó, nhiều bộ, ngành, địa phương chưa thật sự quan tâm đến cơ chế giao kế hoạch mới nên việc dự kiến kế hoạch vốn nước ngoài không chính xác và vẫn cho rằng đặt kế hoạch cao hay thấp không ảnh hưởng đến giải ngân dự án mà vẫn theo tiến độ hiệp định, do vậy không quan tâm đầy đủ đến việc đăng ký kế hoạch. Đối với những dự án chưa ký hiệp định hoặc khởi công mới thì thường đặt kế hoạch cao hơn so với nhu cầu giải ngân.

Thứ ba, một số cơ quan chủ quản lập kế hoạch vốn chưa sát với tình hình thực tế và khả năng giải ngân. Theo quy định hiện hành, các cơ quan chủ quản được giao hạn mức trung hạn và hàng năm để phân bổ, bố trí cho các dự án, tuy nhiên mức phân bổ, bố trí thường chưa đúng với tình hình thực tế, một số dự án được bố trí ít hơn khả năng giải ngân và ngược lại.

Thứ tư, tiến độ thực hiện triển khai dự án và giải ngân của các bộ, ngành trung ương, địa phương rất khác nhau. Một số bộ, ngành trung ương và địa phương đã giải ngân cơ bản hết kế hoạch, nhưng cũng còn một số ít bộ, ngành trung ương và địa phương giải ngân rất thấp. Nguyên nhân việc giải ngân kế hoạch vốn nước ngoài chậm chủ yếu do: khác biệt trong công tác đấu thầu giữa các thủ tục trong nước và nhà tài trợ; lúng túng trong triển khai thực hiện một số quy định mới của Luật Xây dựng; giải phóng mặt bằng còn chậm…

2. Về trách nhiệm của tập thể Bộ, ngành, địa phương trong vấn đề này và giải pháp trong thời gian tới:

Tình hình nêu trên cho thấy công tác xây dựng kế hoạch, dự toán của một số bộ, ngành, địa phương gặp nhiều khó khăn và chưa được sát với thực tế triển khai. Ngoài nguyên nhân khách quan nói trên, còn có nguyên nhân chủ quan về công tác quản lý, dự báo của các bộ, ngành, địa phương. Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương chấn chỉnh công tác này để việc xây dựng kế hoạch, dự toán được sát hơn, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài.

Để giải quyết khó khăn, vướng mắc các dự án ODA, vay ưu đãi, thời gian qua, căn cứ vào báo cáo của Chính phủ về phương án điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch trung hạn vốn nước ngoài nguồn ngân sách trung ương, trong đó có việc bổ sung thêm hạn mức kế hoạch và danh mục các dự án mới, Quốc hội đã thông qua và ban hành Nghị quyết số 71/2018/QH14 ngày 12/11/2018 về việc điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, trong đó cho phép bổ sung thêm 60.000 tỷ đồng vốn nước ngoài giai đoạn 2016-2020, nâng tổng mức vốn nước ngoài giai đoạn 2016-2020 lên 360.000 tỷ đồng; bổ sung danh mục dự án mới vốn vay nước ngoài nguồn ngân sách trung ương; giao Chính phủ phân bổ, bố trí kế hoạch vốn cho các chương trình, dự án.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tưu rà soát, tổng hợp và báo cáo phương án điều chỉnh và sử dụng 10% dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 của các địa phương, trong đó cần bố trí vốn nước ngoài, vốn đối ứng cho các dự án mới ký hiệp định nhằm xử lý những vướng mắc theo kiến nghị của đại biểu Quốc hội và những vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Bên cạnh đó, Luật Đầu tư công đang trong quá trình sửa đổi, trong đó đã kiến nghị sửa đổi các quy định liên quan đến việc lập kế hoạch, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn nước ngoài, điều chuyển nội bộ các cơ quan chủ quản theo hướng linh hoạt hơn, trao quyền cũng như tăng cường trách nhiệm giải trình của các cơ quan chủ quản trong các khâu.

Thời gian tới, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ thẩm định, phê duyệt các dự án; thủ tục điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công; gia hạn hiệp định; thẩm định và ký kết các hiệp định vay lại… nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng các dự án ODA, vay ưu đãi; chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn các bộ, ngành, và địa phương đánh giá khả năng giải ngân của từng chương trình, dự án, khẩn trương triển khai các thủ tục điều chuyển kế hoạch vốn nước ngoài cấp phát từ ngân sách trung ương từ dự án giải ngân thấp sang dự án có khả năng giải ngân cao hơn theo quy định hiện hành./.

Lan Hương