Qua kiểm tra tại 30 dự án BT, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 4.515 tỷ đồng, trong đó có dự án tỷ lệ xử lý tài chính lên đến 27% tổng giá trị dự án. Cơ quan kiểm toán nhận định, việc thực hiện dự án BT không thực sự giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước. Kết quả kiểm toán năm 2017 vừa được Kiểm toán Nhà nước gửi đến Quốc hội có 17 dự án đầu tư xây dựng theo hình thức hợp đồng BT thì hầu hết các dự án BT đều lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu, làm giảm sự cạnh tranh và tiềm ẩn rủi ro chọn nhà đầu tư không đủ năng lực. Việc thanh toán cho nhà đầu tư theo hình thức giao đất đã giải phóng mặt bằng có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê không thông qua hình thức đấu giá là chưa phù hợp quy định của Luật Đất đai năm 2013 và là kẽ hở dẫn đến thất thoát ngân sách. Bên cạnh đó, quy định về thời điểm giao đất để thanh toán dự án BT và thời điểm giao dự án BT còn bất cập, không rõ ràng dẫn đến việc thanh toán dự án BT bằng quỹ đất không đảm bảo nguyên tắc ngang giá.
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV
Trong phiên chất vấn Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV vào chiều ngày 06/6, nhiều đại biểu Quốc hội có ý kiến Nhà nước cần đặc biệt lưu ý về các dự án BT chủ yếu sử dụng hình thức chỉ định thầu, dẫn đến tiềm ẩn rủi ro trong vấn đề quản lý tài chính, thất thu ngân sách, quản lý nguồn lực và dẫn đến cả vấn đề tham nhũng, lợi ích nhóm.
Đại biểu Quách Thế Tản – đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình, đặt vấn đề: Qua báo cáo của Tổng kiểm toán Nhà nước, thời gian qua Tổng kiểm toán Nhà nước đã tiến hành kiểm toán 30 dự án, qua kiểm toán thấy rằng có nhiều vi phạm và đã kiến nghị xử lý tài chính 4.500 tỷ đồng, đặc biệt cần lưu ý các dự án BT chủ yếu sử dụng hình thức chỉ định thầu. Hình thức này dẫn đến tiềm ẩn rủi ro trong vấn đề quản lý tài chính, thất thu ngân sách, quản lý nguồn lực và dẫn đến cả vấn đề tham nhũng, lợi ích nhóm. Chúng tôi muốn biết Chính phủ xử lý vấn đề này như thế nào? Trong năm 2018 trở đi khắc phục ra sao?”.
Đại biểu Quách Thế Tản – đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình
Trả lời câu hỏi này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thừa nhận, đại biểu đã nêu một thực trạng rất đúng thông qua các báo cáo kiểm toán. Theo đánh giá của Phó Thủ tướng, các dự án đầu tư công của nước ta trong nhiều dự án cũng được thực hiện rất tốt nhưng cũng không ít các dự án có những yếu kém, những sai sót và kể cả những sai phạm.
Phó Thủ Tướng Vương Đình Huệ nêu rõ: “Từ khâu chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư cho đến đưa công trình vào sử dụng. Khi lập dự án chi phí đầu vào có vẻ rất khiêm tốn, lập rất nhanh, nhưng thi công lại kéo dài. Thậm chí có những dự án điều chỉnh tổng mức đầu tư. Như hôm trước trong nghị trường cũng đã có nói đến vấn đề một dự án ba mươi mấy tỷ mà tăng lên đến 36 lần”
Bên cạnh những lợi ích, việc đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BT đã bộc lộ một số tồn tại về cơ chế chính sách và công tác quản lý nhà nước trong quá trình tổ chức thực hiện. BT đang dần bị “ biến tướng” và trở thành miếng mồi “béo bở” cho các doanh nghiệp trục lợi. Câu hỏi đặt ra hiện nay chính là: Đổi đất lấy công trình có còn là thượng sách? Nhiều chuyên gia cho rằng, quy định về thực hiện dự án BT cũng có nhiều nhưng vẫn tồn tại các khoảng trống pháp luật khi các quy định vẫn chỉ ở dạng quy định chung, trong khi rất cần một khung pháp lý cụ thể về xác định giá trị công trình hạ tầng và xác định giá trị đất đai phải trả cho nhà đầu tư. Đó là những lỗ hổng rất lớn, nếu Nhà nước thực hiện tiếp hình thức BT, phải cần rất nhiều công sức để bịt hết những lỗ hổng này.
Vậy giải pháp nào xóa bỏ những lỗ hổng trên? Để làm rõ vấn đề này, phóng viên đã ghi nhận quan điểm của một số vị đại biểu Quốc hội.
Phóng viên: Trước những tồn tại của việc thực hiện các dự án BT đã được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra như việc hình thức này cũng rất dễ bị bóp méo, biến tướng do thiếu công khai minh bạch vì lợi ích nhóm, vì những khoản sinh lời vô cùng lớn từ cơ hội sở hữu những mảnh đất đắc địa hoặc những diện tích rộng lớn của địa phương. Đại biểu có cho rằng hình thức đổi đất lấy hạ tầng có phải là thượng sách?
Đại biểu Hoàng Văn Hùng – đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên
Đại biểu Hoàng Văn Hùng – đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên: Huy động nguồn lực của xã hội và trong lúc ngân sách còn vô cùng khó khăn thì BT là việc tốt. Tuy nhiên thời gian vừa qua, qua công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán cho thấy còn có những khe hở dẫn tới thất thoát, tình trạng kéo dài thời gian thu hồi dự án. Như vậy, chúng ta cần phải siết lại, phải có những quản lý chặt chẽ hơn và xác định giá trị đối với các dự án BT làm sao sát với thực tiễn, làm sao bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân khi tham gia dự án.
Bà Bùi Thị An - đại biểu Quốc hội khóa XIII: Trong hoàn cảnh điều kiện kinh tế - xã hội Việt Nam hiện nay thì huy động xã hội hóa trong xây dựng hạ tầng là cần thiết. Tuy nhiên, huy động vốn xã hội hóa trong bất kỳ công trình nào cần phải thực hiện hết sức cẩn thận bởi trong trường hợp đổi đất lấy hạ tầng nên khuyến khích ở những nơi vùng sâu vùng xa còn những vùng đất lớn, vùng đất vàng như Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh, nếu như không đánh giá đúng mức để xảy ra chuyện giá trị của đất sẽ làm thiệt hại tài sản của Nhà nước, của nhân dân.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí – đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội: Lúc khởi đầu khi chúng ta khó khăn về nguồn vốn và cố gắng để tìm kiếm những nhà đầu tư chiến lược lớn thì lúc ấy việc triển khai thực hiện BT là hợp lý nhưng trong quá trình vận hành xuất hiện rất nhiều bất cập, bất hợp lý và đến nay đã cực kỳ bất hợp lý thì nên chấm dứt. Bởi đất đai là nguồn tài nguyên rất quan trọng của quốc gia nhưng nên nhớ rằng đây là nguồn tài nguyên hữu hạn.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí – đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội
Phóng viên: Để việc thực hiện BT hiệu quả và mang lại lợi ích cho sự phát triển kinh tế đất nước, đại biểu có ý kiến, đóng góp như thế nào?
Đại biểu Nguyễn Anh Trí – đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội: Nhu cầu của hạ tầng là rất lớn và thường xuyên phát triển trong khi đó đất thì có hạn. Khi đó cung và cầu của vấn đề xuất hiện mâu thuẫn và càng để lâu thì giá đất càng lên cao và người được nhận đất lúc đầu càng về sau càng được sinh lợi rất lớn. Trong khi đó, Chính phủ và nhân dân không có đất để tiếp tục phát triển bao gồm cả sản xuất và làm những dự án khác. Đây là điều rất nghiêm trọng. Vì vậy, cá nhân tôi rất ủng hộ Chính phủ phải chấm dứt hình thức này.
Nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII Bùi Thị An
Bà Bùi Thị An - đại biểu Quốc hội khóa XIII: Trong tất cả các dự án BT đề nghị công khai thông tin đầu vào như định đổi bao nhiêu đất? Vị trí ở đâu? Giá trị thị trường? Cơ quan nào đấu thầu, đấu thầu như thế nào? Thời hạn đấu thầu? Giá trị đổi lại là gì? Đổi ở đâu?… Đây là những thông tin cần phải minh bạch, phải cho nhiều đơn vị vào tham gia đấu thầu để đổi ngang giá. Còn giai đoạn vừa qua, có lẽ vì cần quá các công trình nên đổi đôi khi không ngang giá, các công ty được rất nhiều lợi ích nên người dân không hài lòng. Do đó, cần nghiên cứu kỹ lại vấn đề này và công khai minh bạch từ đầu, thông tin đến được với người dân để giám sát.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn các Đại biểu./.