Quá trình áp dụng cơ chế Hội đồng trường trong giáo dục đại học nước ta còn mới và thực hiện chưa triệt để
Một trong những nội dung cốt lõi và cũng là mục tiêu quan trọng trong lần sửa đổi Luật Giáo dục Đại học lần này là vấn đề tự chủ đại học, trong đó có quy định về Hội đồng trường. Việc thành lập hội đồng trường là xu hướng tất yếu và được coi là một trong những yếu tố quyết định trong nâng cao quyền tự chủ, tăng giám sát và giải trình với xã hội nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Tuy nhiên, quá trình áp dụng cơ chế Hội đồng trường trong giáo dục đại học nước ta còn mới và thực hiện chưa triệt để. Theo ý kiến của Đại biểu Triệu Thế Hùng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, một trong những nội dung cần chú trọng trong Luật Giáo dục Đại học (sửa đổi) lần này là nâng cao vai trò, hiệu quả quản lý của Hội đồng trường. Hội đồng trường phải có thực quyền trong quản trị cơ sở giáo dục đại học.
Đại biểu Triệu Thế Hùng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng
Phóng viên: Thưa đại biểu, Hội đồng trường được coi là một trong những yếu tố quan trọng trong việc nâng cao quyền tự chủ. Vậy trên thực tế, Hội đồng trường có vai trò như thế nào đối với cơ sở giáo dục đại học?
Đại biểu Triệu Thế Hùng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng: Để thực hiện quyền tự chủ đại học thì Hội đồng trường là một thiết chế quan trọng. Hội đồng trường đưa ra những chính sách, định hướng nhằm đảm bảo được sự phát triển lành mạnh, mang lại cho tổ chức sự dân chủ trong giáo dục và đào tạo … Bên cạnh đó, Hội đồng trường là một thiết chế tập thể quyết định theo Nghị quyết của tập thể từ đó tránh được sự lạm quyền, độc đoán của một cá nhân hiệu trưởng hoặc một cá nhân trong lãnh đạo nhà trường. Bên cạnh đó, Hội đồng trường là một tổ chức quản trị và có thẩm quyền cao nhất trong trường đại học nên Hội đồng trường đại diện cho chủ sở hữu, nhóm lợi ích liên quan đến nhà trường. Đây cũng là xu hướng tất yếu của giáo dục đại học trên thế giới hiện nay.
Phóng viên: Thưa đại biểu, với vai trò, vị trí quan trọng như vậy thì hiện nay Hội đồng trường tại các cơ sở giáo dục đại học ở nước ta đang hoạt động như thế nào?
Đại biểu Triệu Thế Hùng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng: Cách đây trên 15 năm thiết chế Hội đồng trường đã được đề cập đến ở điều 30 Điều lệ Trường đại học ban hành cùng Quyết định153 của Thủ tướng Chính phủ và đến Luật Giáo dục năm 2005 vấn đề này được đề cập rõ ràng hơn. Tiếp đó, trong Luật giáo dục đại học 2012 thì thiết chế Hội đồng trường đã được quy định cụ thể, rõ ràng hơn. Tuy nhiên, hiện nay hoạt động của Hội đồng trường vẫn mang tính hình thức, còn hết mờ nhat. Có thể thấy, cho đến nay nhiều cơ sở giáo dục đại học vẫn chưa có Hội đồng trường. Nguyên nhân khiến Hội đồng trường chưa phát huy được hiệu quả là do hệ thống pháp luật về tự chủ đại học của chúng ta hiện nay chưa đồng bộ; thiết chế Hội đồng trường chưa đủ mạnh, chưa cụ thể cho nên việc vận dụng trong thực tiễn khó khăn. Bên cạnh đó, quy định về chức năng, nhiệm vụ, phân định giữa quyền hạn của Hội đồng trường và hiệu trưởng không rõ ràng, Hội đồng trường không phải là tổ chức quyết định việc lựa chọn bổ nhiệm đối với hiệu trưởng, Ban giám hiệu. Bên cạnh đó, nhận thức về vai trò của Hội đồng trường còn hạn chế. Nhận thức của xã hội, cơ quan quản lý nhà nước,… về Hội đồng trường chưa thực sự rõ ràng, nên hoạt động của Hội đồng trường còn mờ nhạt. Hoạt động của Hội đồng trường với hiệu trưởng chưa trở thành mối quan hệ khăng khít.
Phóng viên: Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục đại học lần này đã có bổ sung, chỉnh sửa nhiều nội dung liên quan đến quy định về Hội đồng trường. Vậy đại biểu có đánh giá như thế nào về những bổ sung, chỉnh sửa này tại dự thảo Luật?
Đại biểu Triệu Thế Hùng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng: Nội dung cốt lõi trong sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục Đại học lần này chính là vấn đề tự chủ đại học. Vì thế, cùng với việc giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học bên cạnh đó phải có thiết chế để giao, nhất là đối với các trường công lập chủ sở hữu là nhà nước (phải giao cho 1 tổ chức chứ không phải giao cho cá nhân của 1 dồng chí hiệu trưởng). Tức là sẽ trao quyền xuống cho Hội đồng trường thay mặt chủ sở hữu điều hành trường. Các cơ quan quản lý, bộ chủ quản hay là cơ quản quản lý nhà nước về giáo dục sẽ chuyển từ quản lý sang tạo hành lang pháp lý và giám sát hoạt động; chuyển từ cơ chế thủ trưởng sang cơ chế tập thể. Chính vì vậy, phải nâng cao vai trò, vị thế của Hội đồng trường đủ mạnh và với những điều khoản quy định rất là cụ thể trong mối quan hệ giữa Hội đồng trường với cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chủ quản; phân định rõ trách nhiệm của Hội đồng trường đến đâu và trách nhiệm của hiệu trường nhà trường đến đâu. Có như vậy, thì Hội đồng trường mới trở thành Hội đồng thực sự quyền lực và đủ sức gánh vác trách nhiệm quản lý do cơ quan chủ quản giao phó.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!