GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: ĐƯA CÔNG AN CHÍNH QUY VỀ XÃ CẦN CÓ LỘ TRÌNH PHÙ HỢP

27/10/2018

Dự thảo Luật Công an nhân dân (sửa đổi) được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 14, trong đó có quy định đưa công an chính quy về xã. Nếu được thông qua thì dự kiến Bộ Công an sẽ điều động khoảng 25.000 công an chính quy nhận vị trí Công an xã. Vấn đề nhận được sự quan tâm của đại biểu và cử tri hiện nay là lộ trình ra sao để phù hợp với điều kiện cụ thể ở từng địa phương?

Đưa công an chính quy về xã là chủ trương phù hợp với thực tiễn

Pháp lệnh Công an xã năm 2008 quy định: Công an xã là lực lượng vũ trang bán chuyên trách, thuộc hệ thống tổ chức của công an nhân dân, làm nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã. Trên thực tế, việc bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở địa bàn nông thôn hiện nay chủ yếu do lực lượng Công an xã đảm nhiệm. Đây là địa bàn rộng lớn, chiếm 80% diện tích cả nước, đã và đang nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự. Mặc dù phải đảm nhiệm khối lượng công việc lớn nhưng lực lượng lại mỏng và trang bị thiếu nên nhiệm vụ của công an xã rất vất vả và thường xuyên phải đối diện với nhiều nguy hiểm.

Bộ Công an đang triển khai thí điểm bố trí Công an chính quy đảm nhiệm chức danh Công an xã.

Vì vậy, thời gian qua, tại một số địa phương có tình hình an ninh trật tự phức tạp, ngành công an đã triển khai thí điểm đưa công an chính quy về làm công an xã, góp phần đáng kể trong việc nâng cao chất lượng hoạt động của lực lượng công an xã, giải quyết nhanh những vụ việc an ninh trật tự ngay tại cơ sở, phòng ngừa đấu tranh với các loại tội phạm, tệ nạn xã hội ở địa bàn nông thôn, kiềm chế gia tăng tội phạm, tệ nạn xã hội.

Ông Lưu Huy Vinh, tỉnh Hưng Yên, cho biết: Tôi thấy chủ trương này hoàn toàn đúng, bởi qua thực tiễn ở vùng nông thôn, những đồng chí công an viên ở địa phương có những hạn chế về trình độ nghiệp vụ, uy tín nên nếu so sánh tiếng nói của các đồng chí công an xã so với công an chính quy tại phường là có sự khác biệt. Vì vậy chủ trương tinh giản bộ máy, đưa lực lượng chính quy về địa phương là chủ trương đúng. Tuy nhiên, tôi cho rằng cũng cần từng bước rút kinh nghiệm, sau đó mới triển khai đồng loạt.

Ông Nguyễn Mạnh Thụ, thành phố Hà Nội, cho rằng đưa công an chính quy về xã là chủ trương phù hợp với thực tiễn.

Đồng tình với chủ trương này, ông Nguyễn Mạnh Thụ, thành phố Hà Nội cho rằng: Có rất nhiều vụ việc đều xảy ra ở cơ sở, mà lực lượng công an viên, mà người Việt Nam vẫn còn có sự nể nang do mối quan hệ hàng xóm, họ hàng, dòng tộc, nên có thể thiếu công tâm khi giải quyết sự việc. Nếu đưa công an chính quy về là chủ trương tốt, nhưng nên đưa công an không phải là người địa phương thì sẽ không còn tình trạng nể nang, giải quyết công việc khách quan hơn.

Căn cứ tình hình thực tiễn, Dự án Luật Công an nhân dân sửa đổi đang được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến, đã bổ sung một khoản vào Điều 18 dự thảo Luật với nội dung: “Chính phủ quy định việc xây dựng công an xã, thị trấn chính quy”, để thể chế hóa quan điểm của Bộ Chính trị trong Nghị quyết số 22-NQ/TW về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Nếu triển khai quy định này thì thời gian tới, Bộ Công an sẽ điều động khoảng 25.000 công an chính quy xuống đảm nhận các chức danh công an xã.

Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính tư pháp, Bộ Công an, khẳng định: Đưa lực lượng công an chính quy về công an xã hay nói cách khác xây dựng lực lượng công an xã chính quy theo Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị là việc làm hết sức cần thiết. Trong dự thảo luật có quy định công an sẽ có 4 cấp chính quy, Bộ, tỉnh, huyện, xã. Hiện toàn quốc có hơn 11.000 xã, thị trấn, chúng ta đã bố trí lực lượng chính quy hơn 1.500 phường; hơn 1.000 xã đã bố trí công an chính quy. Ở những nơi này tình hình an ninh trật tự được đảm bảo tốt hơn. Thứ hai, hiện tại, chúng ta còn khoảng trên 8.500 xã tiếp tục phải nghiên cứu bố trí công an chính quy về làm công an xã, để thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Chính trị và đảm bảo yêu cầu thực tiễn và an ninh trật tự.

Đưa công an chính quy về xã có làm tăng biên chế?

Cho ý kiến về đề xuất này tại các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều đại biểu cho rằng, thực hiện chính quy công an xã cần có lộ trình. Trước mắt nên bố trí Công an xã chính quy tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự, tiến tới thực hiện thống nhất trong toàn quốc. Cũng có ý kiến cho rằng, chủ trương xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy không chỉ là bố trí lực lượng Công an chính quy về thực hiện nhiệm vụ tại xã, thị trấn, mà cần quan tâm đầu tư xây dựng chính quy về nhiều mặt như tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, cơ sở vật chất, trang bị và chế độ chính sách. Bên cạnh đó, có nhiều ý kiến băn khoăn nếu đưa 25.000 công an chính quy về xã liệu có tăng biên chế và phình bộ máy của ngành.

Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính tư pháp, Bộ Công an, khẳng định sẽ không tăng biên chế  khi đưa công an chính quy về xã.

Giải đáp băn khoăn của đại biểu Quốc hội và cử tri, Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh cho biết: Dự kiến nếu bố trí 3 công an chính quy về một xã thì Bộ Công an có kế hoạch điều khoảng 25.000 cán bộ chiến sỹ về công an xã và câu hỏi đặt ra có tăng biên chế hay không. Câu trả lời là không tăng biên chế mà sử dụng biên chế hiện có của lực lượng công an nhân dân. Hơn nữa chúng ta thực hiện có lộ trình, bước đi thích hợp theo Nghị quyết 22 của Bộ chính trị xác định xây dựng công an xã thị trấn chính quy. Trước mắt là bố trí công an chính quy ở địa bàn có tình hình an ninh trật tự phức tạp. Lộ trình này đang được Bộ Công an tính toán, làm thế nào khi  đưa lực lượng công an xã về thì có mối quan hệ với hệ thống chính trị ở cơ sở, đặc biệt với quân đội nhân dân, ủy ban, cấp ủy đảng, Để thực hiện tốt điều này sẽ tiến hành khảo sát kỹ lưỡng, tạo điều kiện tốt nhất cho công an xã hoạt động.

Nếu đưa công an chính quy về xã thì gần 9.000 trưởng công an cấp xã, thị trấn, gần 13.600 phó công an cấp xã, thị trấn sẽ được bố trí như thế nào; đồng thời khi chuyển một lực lượng chuyên trách từ nơi khác đến thì việc giải quyết từ chỗ ăn, ở, sinh hoạt cho cán bộ và gia đình ra sao để cán bộ, chiến sỹ an tâm công tác? Đây cũng là băn khoăn của cử tri và tâm tư của nhiều công an viên đang làm nhiệm vụ tại các xã.

Theo lý giải của Bộ Công an, khi bố trí Công an xã là Công an chính quy thì sẽ tiếp tục huy động lực lượng Công an viên hiện nay tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại thôn, ấp, bản, làng... Khi đó, lực lượng Công an viên ở xã và lực lượng Bảo vệ dân phố ở phường sẽ là lực lượng chủ yếu hỗ trợ Công an phường, Công an xã thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự. Tuy nhiên, các mô hình tổ chức quần chúng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở đang được điều chỉnh bằng nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, nhưng chưa có một quy định thống nhất. Vì vậy, cần thiết phải xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quy định chung về tổ chức và hoạt động của các lực lượng này để đảm bảo tính thống nhất với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

Chính quy lực lượng công an xã là chủ trương phù hợp với thực tiễn tình hình an ninh trật tự tại các địa phương hiện nay. Tuy nhiên, lộ trình triển khai ra sao đảm bảo không gây xáo trộn lớn về cơ cấu tổ chức mà vẫn đảm bảo lực lượng công an chính quy có điều kiện thực hiện tốt nhất nhiệm vụ tại cơ sở? Phóng viên Cổng thông tin điện tử Quốc hội ghi nhận ý kiến của một số đại biểu Quốc hội về vấn đề này:

Phóng viên: Thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, Chính phủ đang trình Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Luật Công an nhân dân sửa đổi, trong đó đề xuất quy định chính quy lực lượng công an xã. Quan điểm của đại biểu về vấn đề này như thế nào?

Đại biểu Hoàng Văn Hùng cho rằng khi đưa công an về xã thì tất cả các phát sinh ở cơ sở sẽ được giải quyết theo trình tự thủ tục chặt chẽ và đảm bảo quy định pháp luật.

Đại biểu Hoàng Văn Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên: Tôi đánh giá cao Bộ Công an thời gian qua là một trong những Bộ đi đầu trong sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh gọn biên chế, không còn 6 tổng cục và đã sáp nhập các đơn vị, từ 126 tổng cục xuống còn hơn 20 tổng cục . Sắp xếp bộ máy tinh gọn làm tăng hiệu lực hiệu quả thực hiện nhiệm vụ. Cùng với việc sắp xếp bộ máy, Bộ Công an cũng tham mưu Chính phủ trình Quốc hội Dự thảo Luật Công an nhân dân (sửa đổi), trong đó có quy định đưa lực lượng công an chính quy về xã. Đây là quy định phù hợp, tôi đánh giá cao biện pháp này nhằm tăng cường hiệu quả đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở. Hiện nay, phường đã có công an chính quy nhưng xã chưa triển khai, do vậy tôi cho rằng để nâng cao chất lượng hiệu quả bám dân và hiệu quả hoạt động của lực lượng công an nhân dân thì việc đưa công an về xã là đúng hướng, sát thực tiễn. Khi đó, tất cả các phát sinh ở cơ sở sẽ được giải quyết theo trình tự thủ tục chặt chẽ và đảm bảo quy định pháp luật.

Đại biểu Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội Khóa XIII: Thời gian qua, Bộ Công an tiến hành tinh giản, thu gọn bộ máy nhận được sự đồng tình của cử tri và nhân dân. Đây là bộ đi đầu trong tinh gọn bộ máy. Còn việc đưa công an chính quy về xã cũng có hai mặt, nhưng theo tôi, điều quan trọng nhất là  người được giao nhiệm về địa phương có làm tốt nhiệm vụ hay không? Việc lựa chọn cán bộ sao cho phù hợp với đặc thù từng vùng, miền. Công an chính quy về xã có thế mạnh về trình độ nhưng cũng cần gắn bó chặt chẽ với chính quyền địa phương, gần dân, sát dân, như vậy mới hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Đại biểu Bùi Thị An đề xuất công an chính quy về xã cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, gần dân, sát dân để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh, Đại biểu Quốc hội Khóa XIII:  Theo tôi, thực tế hiện nay lực lượng an ninh xã, phường cũng chưa đủ mạnh về số lượng và chất lượng. Thời gian qua đã xảy ra nhiều sai phạm làm ảnh hưởng đến quyền con người, quyền công dân và ảnh hưởng đến uy tín của nhà nước, trong đó có những vụ thậm chí đánh chết người dân, gây thương tích nghiêm trọng, làm sai lệch hồ sơ vụ án,... Nguyên nhân là công an xã đang được giao quá nhiều công việc phức tạp, nhiều thẩm quyền lớn cùng với những công cụ, phương tiện có thể gây nguy hiểm cao độ. Trong khi ví trí, yêu cầu đầu vào cũng như năng lực, điều kiện đảm bảo chế độ, chính sách còn đang nhiều bất cập, chưa tương xứng.

Theo tôi việc đưa công an chính quy về xã giúp sắp xếp lại bộ máy tổ chức ngành công an theo hướng chính quy, hiện đại. Tôi đồng tình với chủ trương này, bởi việc gì chính quy được là tốt, bài bản hơn đặc biệt tại địa bàn xã phường thường xảy ra những vụ việc phức tạp, liên quan đến nhiều người, liên quan đến dòng họ nên việc giải quyết đôi khi còn nể nang, chưa phân biệt giữa lý và tình. Do vậy, hiệu quả cũng như tính nghiêm minh pháp luật không được cao.

Phóng viên: Dự kiến Bộ Công an sẽ điều động 25.000 công an chính quy đảm nhận chức danh Công an xã. Theo đại biểu ngành công an cần giải quyết những vấn đề gì có thể phát sinh trong thực tiễn?

Đại biểu Hoàng Văn Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên: Tôi băn khoăn nếu triển khai đưa công an chính quy về xã thì ở những vùng biên, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số thì cũng cần cân nhắc bố trí như thế nào để phù hợp với địa phương. Đặc biệt những vùng mà người dân không nói được tiếng Kinh thì phương án triển khai như thế nào để phối hợp tốt với chính quyền địa phương giải quyết những mâu thuẫn phát sinh trên địa bàn.

Đại biểu Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội Khóa XIII: Khi đưa công an chính quy về xã, tôi nghĩ rằng cần phân công cụ thể nhiệm vụ, tiến hành giám sát, quản lý tốt địa bàn cơ sở thì sẽ có tác dụng trong phòng ngừa và trấn áp tội phạm. Tôi nghĩ rằng, Bộ Công an sau khi triển khai thí điểm cần tổng kết rút kinh nghiệm để có phương án phù hợp, tránh tình trạng triển khai ồ ạt mà không hiệu quả lại thay đổi thì gây xáo trộn đến bộ máy.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh đề nghị Chính phủ và Bộ Công an cần xây dựng một lộ trình cụ thể, phù hợp, không triển khai đồng loạt và ồ ạt.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh, Đại biểu Quốc hội Khóa XIII: Nếu tăng cường công an chính quy về xã là tốt nhưng cần quy định rõ trong luật về quyền lợi và trách nhiệm của lực lượng này. Tuy nhiên, để đảm bảo sự ổn định của bộ máy chính quyền xã, phường, thị trấn, đại biểu đề nghị Chính phủ và Bộ Công an cần phải xây dựng một lộ trình để chính quy hóa công an xã một cách rất cụ thể, phù hợp, không làm đồng loạt và ồ ạt. Chính phủ cũng như Bộ Công an cần giải trình rõ gần 22.000 trưởng công an viên và phó trưởng công an viên cấp xã sẽ được bố trí công việc như thế nào nếu lực lượng được thay thế bằng lực lượng chính quy. Đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tôi đề nghị nên đào tạo con em sau đó phân bổ về làm việc tại địa phương, như vậy thì sẽ không xảy ra bất đồng ngôn ngữ và phong tục tập quán.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đại biểu!

Lan Hương