TỔNG THUẬT CHIỀU 10/11: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ LUẬT BẢO VỀ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG (SỬA ĐỔI)
Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV cho ý kiến lần đầu đối với dự án Luật Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 8, thông qua ngày 17 tháng 11 năm 2010 là bước tiến quan trọng trong hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Việt Nam. Trong gần 12 năm thực thi, các quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 và các văn bản hướng dẫn đã góp phần thay đổi công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời tạo dựng nền tảng pháp lý cơ bản trong giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh. Tuy nhiên, với nhu cầu thể chế hóa quan điểm chủ trương của Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII và Hiến pháp 2013, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 cần phải được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với sự thay đổi của bối cảnh kinh tế - xã hội, xu hướng hội nhập quốc tế.
Vì vậy, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV vừa qua, Chính phủ đã trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu đối với dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Tới đây, dự kiến dự án luật sẽ tiếp tục được Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 5 vào 5/2023.
Nhằm hoàn thiện quy định về trách nhiệm cung cấp thông tin hàng hóa của tổ chức, cá nhân kinh doanh cho người tiêu dùng, Ths.Trần Thị Phương Liên kiến nghị 04 giải pháp, cụ thể:
Một là, cần ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng một cách cụ thể hơn. Hiên nay các quyền của người tiêu dùng nói chung và quyền được cung cấp thông tin nói riêng được quy định một cách chung chung rải rác trong Luật mà chưa được hướng dẫn cụ thể. Các thông tin mà Luật yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh phải cung cấp cho người tiêu dùng được điều chỉnh bởi nhiều văn bản pháp luật khác cụ thể hơn, tuy nhiên người tiêu dùng không thể nắm bắt, tìm hiểu được tất cả các vưn bản để có thể bảo đảm quyền lợi của mình. Do đó, đòi hỏi phải ban hành văn brn hướng dẫn, theo đó, quy định cụ thể các thông tin mà người tiêu dùng có quyền được biết là những thông tin gì, phương thức cung cấp thông tin cho người tiêu dùng ra sao và nếu những thông tin đó đã được quy định tại các văn bản pháp luật khác nhau thì phải có sự liệt kê các văn bản đó để người tiêu dùng hiểu rõ quyền lợi của mình được hưởng.
Hai là, xây dựng chế tài xử phát hợp lý đối với các hành vi vi phạm trách nhiệm cung cấp thông tin. Bởi lẽ, một trong những công cụ hữu hiệu nhất để thực hiện công tác quản lý của cơ quan Nhà nước đối với các hành vi vi phạm pháp luật là sử dụng chế tài. Tuy nhiên, mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm về trách nhiệm cung cấp thông tin cho người tiêu dùng của tổ chức, cá nhân kinh doanh và bên thứ ba còn khá thấp, không đủ tính răn đe đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Do đó, cần phải tăng mức phạt tiền để mang tính răn đe ngăn ngừa vi phạm để các tổ chức, cá nhân kinh doanh phải thực hiện đúng trách nhiệm của mình, cung cấp các thông tin về hàng hóa, dịch vụ một cách trung thực và rõ ràng cho người tiêu dùng.
Ba là, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm cung cấp thông tin cho người tiêu dùng của tổ chức, cá nhân kinh doanh. Tổ chức, cá nhân kinh doanh để bán được hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng sẽ cố gắng đưa ra các thông tin hấp dẫn về giá cả, chất lượng của sản phẩm mà đôi khi các thông tin này không chính xác nhằm gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, khiến người tiêu dùng hiểu lầm về hàng hóa, dịch vụ mà mình muốn mua. Chính vì vậy, đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước cần kịp thời xử lý các hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân kinh doanh, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng trên thực tế.
Ở mỗi địa phương đặc biệt là các Thành phố lớn nơi tập trung đông dân cư, Sở Công thương cần liên kết với các cơ quan quản lý nhà nước như Chi cụ tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Sở Y tế, Cục Quản lý thị trường…. để thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn thành phố xử lý kịp thời; tăng cường nguồn lực để đáp ứng được nhu cầu giải quyết khiếu nại của tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng.
Bốn là, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh cũng như trang bị cho người tiêu dùng những thông tin cơ bản để người tiêu dùng có thể bảo vệ mình.
Thực tế cho thấy, nhiều người tiêu dùng không hiểu được các thông số kỹ thuật ghi trên nhãn hay không biết quy định về nhãn phụ đối với hàng hóa nhập khẩu là bắt buộc… Việc này đòi hỏi cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phải tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người tiêu dùng.
Theo đó, nên phát hành miễn phí tại các địa điểm công cộng như chợ, siêu thị….những cuốn cẩm nang mua sắm, cẩm nang quyền lợi của người tiêu dùng. Những cuốn cẩm nang này phải được biên soạn rõ ràng, súc tích, đơn giản để người tiêu dùng có thể nắm bắt một cách dễ dàng nhất, từ đó mới có thể tự bảo vệ mình.
Pháp luật Việt Nam về trách nhiệm cung cấp thông tin hàng hóa cho người tiêu dùng của tổ chức, cá nhân kinh doanh đã tạo được một hành lang pháp lý cơ bản cho việc tiếp cận thông tin của người tiêu dùng. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành mà đặc biệt là Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) sẽ được Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua tới đây cần chú trọng hoàn thiện quy định này để thực sự trở thành một công cụ hữu hiệu bảo vệ các quyền của người tiêu dùng./.