Làm rõ vai trò trách nhiệm người đứng đầu trong công tác tiếp công dân

02/10/2024

Mặc dù công tác tiếp công dân đã chuyển biến tốt hơn so với trước nhưng việc trực tiếp tiếp công dân của Thủ trưởng cơ quan hành chính các cấp chưa đảm bảo số ngày theo quy định. Đây là đánh giá của các thành viên của UBTVQH tại Phiên họp thứ 37 cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính năm 2024.

UBTVQH cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo hành chính năm 2024

Thẩm tra sơ bộ Báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính năm 2024, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật đánh giá cao các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan đã nỗ lực trong việc tổ chức tiếp công dân với những đổi mới theo hướng thiết thực, hiệu quả. Tuy nhiên, so với năm 2023 (đủ 12 tháng), số đoàn đông người đến Thanh tra Chính phủ tăng rất mạnh (bằng 229%); ngược lại, số đoàn đông người đến các Bộ, ngành lại giảm mạnh (giảm 55%).

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân của tình hình này để có giải pháp phù hợp xử lý, khắc phục; đồng thời, bổ sung số liệu về kết quả tiếp công dân của 18 địa phương còn lại để có đầy đủ cơ sở phân tích, đánh giá sát thực tình hình, kết quả của công tác tiếp công dân của các địa phương nói riêng và của các cơ quan hành chính nói chung.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng

Về ưu điểm trong việc chấp hành pháp luật về trách nhiệm trực tiếp tiếp công dân của Thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước, Chính phủ nhận định người đứng đầu các cấp, các ngành thực hiện ngày càng tốt hơn trách nhiệm tiếp công dân theo quy định... Tuy nhiên, theo số liệu trong Báo cáo cho thấy, tình trạng Thủ trưởng cơ quan ủy quyền tiếp công dân tại Bộ, ngành, địa phương vẫn còn nhiều; đồng thời, do còn thiếu số liệu của nhiều địa phương nên chưa có đầy đủ cơ sở so sánh với năm 2023 để chứng minh thuyết phục, đầy đủ cho nhận định, đánh giá nêu trên.

Vì vậy, đề nghị Chính phủ từ năm sau cần cung cấp trong Báo cáo đầy đủ hơn thông tin về các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị làm tốt, chưa tốt công tác này để phát huy, nêu gương đối với những điển hình và yêu cầu chấn chỉnh, xem xét trách nhiệm đối với những cơ quan, cá nhân chưa thực hiện tốt quy định của pháp luật về tiếp công dân.

Về công tác tiếp công dân của các cơ quan TAND, VKSND, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, số lượng công dân trực tiếp đến kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo về hành chính không nhiều và đều không có đoàn đông người; tại Kiểm toán nhà nước không ghi nhận trường hợp nào công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị. Đối với TAND, mặc dù số lượng tiếp công dân không nhiều, nhưng so với năm 2023 thì lại tăng đáng kể (tăng 33,8% về lượt người và 50,2% về vụ việc). Do đó, đề nghị Chính phủ đề nghị đánh giá rõ những tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ảnh hưởng như thế nào đến tình hình trật tự, an toàn xã hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga

Quan tâm về công tác tiếp công dân, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị thời gian tới cần cố gắng tiếp công dân nhiều hơn nữa. Đối với một số đơn vị, cá nhân không tiếp công dân, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị cần có địa chỉ của địa phương tiếp công dân tốt, Bộ, ngành tiếp công dân tốt và cả những bộ ngành, địa phương mà người đứng đầu ít hoặc không tiếp công dân.

Đồng tình các ý kiến nêu trên và nhất trí với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật về các nội dung tiếp công dân, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải đề nghị Chính phủ cho biết thêm về kết quả tiếp công dân. Đặc biệt, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải đánh giá cao số liệu tiếp công dân của Chủ tịch UBND cấp xã là 318.362 ngày.

“Theo luật, mỗi đồng chí Chủ tịch UBND xã tiếp công dân 4 lần/tháng, có những con số tường minh như thế này là hết sức rõ ràng và đánh giá kịp thời. Tuy nhiên, việc ủy quyền tiếp công dân như đối với Chủ tịch UBND cấp tỉnh chiếm tỷ lệ 18% trên toàn quốc là rất cao, rất tốt. Tôi thấy đây là một sự chuyển biến lớn lao, còn cấp huyện chỉ có 16% và đặc biệt nhất là cấp xã ủy quyền chỉ có 8%”, Trưởng Ban Công tác đại biểu nêu rõ.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho rằng, đây là một thành công rất lớn của Luật Tiếp công dân khi triển khai do Thanh tra Chính phủ trực tiếp chỉ đạo đối với các địa phương. Đồng thời nhận thấy, qua các số liệu nêu trong Báo cáo, chất lượng công tác tiếp công dân đã được nâng lên một bước đáng kể. Trưởng Ban Công tác đại biểu nhấn mạnh, tiếp công dân để phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, ở các bộ, ngành là rất quan trọng.

“Vì qua những thông tin như vậy, chúng ta có thể phát hiện từ sớm, từ xa để ngăn ngừa kịp thời những vụ việc hoặc giải quyết sớm những vụ việc, tránh gây ra những hậu quả hoặc ảnh hưởng, thiệt hại lớn. Đây cũng là một trong những vấn đề rất quan trọng trong công tác tiếp công dân”, Trưởng Ban Công tác đại biểu cho biết.

Đáng chú ý, Luật Tiếp công dân có quy định lịch tiếp công dân của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị ở cả Trung ương, địa phương phải công khai trên Cổng thông tin điện tử. Do đó, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải đề nghị cần rà soát xem việc này đã được thực hiện chưa? Vì hiện chuyển đổi số trong các hoạt động hành chính diễn ra mạnh mẽ, người dân có thể nắm bắt được lịch tiếp công dân trên các Cổng thông tin điện tử, qua đó có thể theo dõi, đánh giá, đăng ký để được tiếp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định

Kết luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Báo cáo của Chính phủ cơ bản nêu được bức tranh tổng thể về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính của các cơ quan năm 2024, đánh giá được những kết quả đạt được với nhiều kết quả tốt, có những chuyển biến quan trọng trên các mặt nhờ sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của các lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Nhà nước, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, sự phối hợp của các cơ quan Trung ương, địa phương và đặc biệt sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết giám sát số 653.

Tuy nhiên, Báo cáo cũng nêu các tồn tại, hạn chế, trong đó có nhiều chỉ tiêu chưa đạt, từ đó nêu ra các kiến nghị, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác này trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát, cập nhật đầy đủ tình hình số liệu về kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính của các cơ quan hành chính Nhà nước, Tòa án, Viện kiểm sát, nhất là bổ sung số liệu của 18 địa phương còn thiếu. Đồng thời đề nghị đánh giá, làm rõ thêm đặc điểm, tình hình công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2024, xác định rõ nguyên nhân của tỷ lệ tăng, giảm số lượt, số người, số vụ và số đoàn đông người đến cơ quan hành chính Nhà nước, nhất là việc gia tăng số lượng các đoàn đông người đến Thanh tra Chính phủ.

“Đề nghị bổ sung trong báo cáo đầy đủ hơn về thông tin, về danh mục các bộ, ngành, địa phương, đơn vị làm tốt để biểu dương và cả những đơn vị chưa tốt để nhắc nhở, nhất là những nơi ít tiếp công dân, có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài, chậm giải quyết, trả lời thiếu cụ thể, trả lời chung chung, cần làm rõ vai trò trách nhiệm người đứng đầu”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh.

Ngoài ra, đề nghị Chính phủ tăng cường đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo để theo dõi, xử lý kết quả, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo./.

Bích Ngọc

Các bài viết khác