Có phương án phù hợp, tránh lãng phí trong sắp xếp Đơn vị hành chính

01/10/2024

Sắp xếp đơn vị hành chính là chủ trương lớn của Đảng; Nghị quyết của Quốc hội cũng đặt ra yêu cầu phấn đấu cơ bản hoàn thành trong tháng 9/2024. Xem xét các Đề án sắp xếp Đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 tại Phiên họp thứ 37, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội lưu ý, cần có phương án sắp xếp cán bộ, trụ sở cơ quan dôi dư phù hợp đảm bảo tinh gọn, hiệu quả tránh lãng phí...

Bế mạc Phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Tập trung cao độ, chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo các nội dung Kỳ họp thứ 8

Phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Theo Tờ trình của Chính phủ, việc tổ chức, kiện toàn các cơ quan, đơn vị và chức danh lãnh đạo của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị của các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã mới hình thành sau sắp xếp của 13 tỉnh, thành phố (Bắc Giang, Cần Thơ, Đắk Lắk, Đồng Nai, Gia Lai, Khánh Hòa, Lào Cai, Ninh Thuận, Phú Yên, Quảng Ninh, Thái Bình, Tiền Giang, Vĩnh Long) thực hiện theo quy định của Đảng, Điều lệ của tổ chức và của pháp luật hiện hành. Trong đó, tỉnh Bắc Giang và tỉnh Quảng Ninh có sắp xếp, thành lập đơn vị hành chính cấp huyện nhưng không có cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện dôi dư (do số lượng đơn vị hành chính cấp huyện không thay đổi).

Tổng số cán bộ, công chức,viên chức y tế và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư của 13 tỉnh, thành phố là 1.935 người. Uỷ ban nhân dân 13 tỉnh, thành phố đã xây dựng phương án chi tiết để giải quyết số cán bộ, công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư nêu trên theo đúng quy định. Tổng số trụ sở dôi dư của 13 tỉnh, thành phố là 148 trụ sở. Uỷ ban nhân dân 13 tỉnh, thành phố đã có phương án giải quyết số lượng trụ sở, tài sản công dôi dư.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn 

Đặc biệt quan tâm tới phương án sắp xếp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, cần lưu ý 03 vấn đề quan trọng, gồm: trụ sở cơ quan dôi dư; bộ máy; biên chế. Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tại các tỉnh, thành phố phải phù hợp, tạo được sự đồng thuận cao. Trong đó, cần chú trọng, quan tâm tới việc thực hành tiết kiệm để sau sắp xếp không gây lãng phí.

Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, rà soát, thống kê cụ thể số lượng đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp nhưng Chính phủ, địa phương chưa đề nghị thực hiện trong giai đoạn 2023-2025; việc thực hiện sắp xếp phải đảm bảo chất lượng, đúng trình tự, kỹ lưỡng. Mặt khác, tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền cho người dân hiểu rõ được ý nghĩa, yêu cầu, mục đích của việc sắp xếp; đảm bảo yêu cầu đi lại thuận tiện của người dân ở các địa phương;...

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải

Nhấn mạnh kinh nghiệm từ quá trình thực hiện sáp nhập trước đó, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải lưu ý, các địa phương cần quan tâm tới vấn đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong việc sắp xếp, bố trí trụ sở làm việc sau khi các nghị quyết được ban hành. “Đây là một chủ trương rất đúng, 1 nghị quyết rất đúng đắn; quá trình xây dựng, thẩm tra được tiến hành kỹ lưỡng, công phu,.. nhưng nếu kế hoạch thực hiện các nội dung trong nghị quyết không được đầy đủ, chặt chẽ, xảy ra tình trạng một số nơi trụ sở dôi dư không sử dụng, để hoang hóa sẽ gây lãng phí, làm giảm hiệu quả, ý nghĩa của nghị quyết;…”, Trưởng Ban Công tác đại biểu nêu vấn đề.

Do đó, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải đề nghị, cần đặc biệt quan tâm tới thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quá trình thực hiện; có phương án phù hợp sử dụng những trụ sở dôi dư thực sự hiệu quả; không để xảy ra tình trạng trụ sở dôi dư sau sắp xếp bị hoang hóa, không sử dụng.. Ngoài ra, về bố trí đội ngũ cán bộ dôi dư cũng cần có phương án bố trí phù hợp, sắp xếp đảm bảo hợp tình, hợp lý; tạo sự đồng thuận cao, không gây xáo trộn.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh

Khẳng định việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính đòi hỏi quyết tâm rất cao từ trung ương đến địa phương, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng, vấn đề đặt ra là kế hoạch tổ chức thực hiện trên thực tế. Vì vậy, đề nghị các địa phương tiếp tục quan tâm xây dựng các giải pháp, phương án để thực hiện có hiệu quả kế hoạch thực hiện nghị quyết sau sắp xếp.

Trong đó, chú ý tới mục tiêu của việc sắp xếp là tạo không gian phát triển mới cho các địa phương. Sau khi sắp xếp người dân phải thấy được sự phát triển của địa phương, tạo sự thay đổi về đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Bên cạnh đó, sau sắp xếp phải tạo thuận lợi hơn cho người dân liên quan tới thực hiện các thủ tục hành chính; thuận lợi trong việc chuyển đổi; công tác cán bộ, tài sản công sau sắp xếp cũng phải thuyết phục và khắc phục được hạn chế, tồn tại của giai đoạn trước.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà

Báo cáo làm rõ thêm về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, liên quan đến việc sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư cũng như tài sản công dôi dư, quán triệt tinh thần chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt các địa phương thực hiện. Vì vậy, trên thực tế, đa số các địa phương trong quá trình triển khai đều có cơ chế, chính sách bổ sung thêm ngoài chính sách của trung ương.

Đối với vấn đề tài sản công, tới đây Chính phủ dự kiến đề xuất xây dựng một số luật, trong đó có kiến nghị sửa Luật quản lý, sử dụng tài sản công; đồng thời, trước mắt đề nghị sửa đổi Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công; Nghị định số 67/2021/NĐ-CP của Chính phủ;...

Liên quan đến giải quyết vấn đề phát sinh sau khi thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó có các thủ tục hành chính, tạo động lực, nguồn lực để thúc đẩy sự phát triển của các đơn vị hành chính,... Bộ trưởng nêu rõ, sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến tại Phiên họp để hoàn thiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo một cách đồng bộ, quyết liệt với tất cả các địa phương trong thực hiện sắp xếp./.

Lê Anh

Các bài viết khác