Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Việc làm (sửa đổi)

30/09/2024

Chiều ngày 24/9/2024, tại Phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Việc làm (sửa đổi). Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường vừa có văn bản số 4299 /TB-TTKQH thông báo Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung này.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Việc làm (sửa đổi)

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận sự nỗ lực của Chính phủ, các Bộ, ngành, cơ quan trong việc chuẩn bị hồ sơ dự án Luật Việc làm (sửa đổi), về cơ bản, hồ sơ bảo đảm theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Xã hội - Cơ quan chủ trì thẩm tra và ý kiến tham gia thẩm tra, góp ý có trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án Luật theo đúng quy định, rà soát toàn diện đối với từng nội dung sửa đổi và bảo đảm căn cứ khoa học, thực tiễn để tăng tính thuyết phục, đồng thuận cao. Đồng thời, bổ sung, hoàn thiện nội dung các báo cáo thành phần của hồ sơ dự án Luật để nâng cao chất lượng khi trình Quốc hội, trong đó lưu ý: (1) Phạm vi và nội dung sửa đổi phải bao quát tất cả đối tượng điều chỉnh, tính khả thi, góp phần phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập; (2) Bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của dự thảo Luật với Bộ luật Lao động, luật có liên quan, rà soát loại bỏ các quy định trùng lắp, tập trung quy định những nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội, không quy định chi tiết, cụ thể các nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ và các bộ, ngành để bảo đảm linh hoạt trong điều hành và tổ chức thực hiện. Đồng thời, chuẩn bị kỹ lưỡng các dự thảo văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành để Quốc hội xem xét, quyết định.

Chiều ngày 24/9/2024, tại Phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Việc làm (sửa đổi).

Đồng thời tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, đánh giá tác động kĩ lưỡng, ưu điểm, nhược điểm, những vấn đề phát sinh để làm căn cứ đề xuất sửa đổi các quy định của dự thảo Luật như: (i) Việc chuyển nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm thành nguồn vốn vay giải quyết việc làm; (ii) Chính sách hỗ trợ chuyển dịch việc làm đối với người lao động ở khu vực nông thôn và chính sách việc làm công; (iii) Đánh giá tác động khi giao Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện đăng ký lao động; (iv) Việc loại bỏ quy định nội dung thông tin thị trường lao động không có quy định thông tin về lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam; (v) Quy định rõ về đối tượng, phương thức, quy trình, các biện pháp xử lý, thẩm quyền của các cơ quan trong đăng ký lao động; (vi) Tính liên thông của thông tin đăng ký lao động, thông tin thị trường lao động và các thông tin khác có liên quan cũng như thẩm quyền, phạm vi thu thập, lưu trữ, tổng hợp, công bố thông tin thị trường lao động; (vii) Kết quả thực hiện thí điểm Hội đồng kỹ năng nghề theo Nghị quyết số 06-NQ-CP ngày 10/01/2023 Chính phủ; (viii) Mô hình, tổ chức, phương thức quản lý và nhiệm vụ của trung tâm dịch vụ việc làm…

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho ý kiến về dự án Luật Việc làm (sửa đổi).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Xã hội chủ trì thẩm tra dự án Luật này và chủ động tiếp tục tổ chức tọa đàm, hội thảo, hội nghị lấy ý kiến rộng rãi về các nội dung của dự án Luật, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội tiếp tục tham gia thẩm tra.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của Cơ quan chủ trì thẩm tra, các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan có liên quan để trình Hồ sơ chính thức, bảo đảm chính sách được giải trình thấu đáo, có cơ sở vững chắc, có tính thuyết phục cao và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8./.

Trọng Quỳnh

Các bài viết khác