Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu chủ trì Hội thảo Những nội dung cơ bản của Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam

02/01/2014

Ngày 31/12, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu lập pháp đã tổ chức Hội thảo Những nội dung cơ bản của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu chủ trì Hội thảo.

Cùng dự có Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý; Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng; Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Kim Khoa.

Hội thảo đã nghe giới thiệu những nội dung cơ bản của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vừa được QH Khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ Sáu và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2014. Cụ thể, Chương I về Chế độ chính trị của Hiến pháp tiếp tục khẳng định nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam do nhân dân làm chủ và bổ sung quy định về kiểm soát việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp giữa các cơ quan nhà nước vào nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước. Bổ sung, phát triển các quy định về Đảng, khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam; Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về quyết định của mình. Chương II về Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được đặt ngay sau Chương I về Chế độ chính trị, thể hiện quan điểm và quyết tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong việc tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Hiến pháp cũng sửa đổi, bổ sung một số quyền mới của con người, công dân như: quyền được bảo đảm an sinh xã hội; quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa...

Tại Chương VI quy định về QH, Hiến pháp tiếp tục khẳng định QH là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. QH có thẩm quyền phê chuẩn, quyết định gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực của các điều ước quốc gia, tư cách thành viên của Việt Nam tại các tổ chức quốc tế, khu vực, điều ước quốc tế về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân và điều ước quốc tế khác trái với luật, nghị quyết của QH; quyết định mục tiêu, chính sách, nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế xã hội, quyết định chính sách cơ bản về tài chính, tiền tệ; thẩm quyền sửa đổi hoặc bãi bỏ các thứ thuế, quyết định mức giới hạn an toàn nợ quốc gia, nợ công, nợ Chính phủ. Chương IX về Chính quyền địa phương trong Hiến pháp nêu rõ: chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính. Mỗi cấp chính quyền địa phương có HĐND và UBND, được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.

 

Ngọc Điệp

(http://daibieunhandan.vn)