Tọa đàm về sửa đổi Luật Đất đai

02/08/2008

Ngày 31.7, UB Kinh tế phối hợp với Bộ Tài nguyên Môi trường tổ chức Tọa đàm về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai. Chủ nhiệm UB Hà Văn Hiền và Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên đồng chủ trì.

Theo Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Đất đai năm 2003 đã xác lập một hệ thống quy phạm khá hoàn chỉnh, chi tiết, cụ thể, rõ ràng và đề cập đến mọi quan hệ đất đai; Đặc biệt đã thể hiện những quan điểm đổi mới phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thực tế từ sau khi Luật Đất đai năm 2003 có hiệu lực, công tác quản lý đất đai đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, quá trình thực hiện luật đã làm phát sinh nhiều vấn đề mới. Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai tập trung vào 2 nội dung chính là: quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và tài chính đất đai.

Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, quy hoạch phát triển KT-XH, quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng còn thiếu tính đồng bộ, chưa thực sự trở thành hệ thống quy hoạch phát triển thống nhất của cả nước. Hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn chung chung, chưa rõ chỉ tiêu, diện tích sử dụng của từng loại đất, chưa đáp ứng nhu cầu của thực tiễn, tính khả thi thấp, trách nhiệm của các cấp, ngành chưa rõ ràng. Đặc biệt, việc ồ ạt sử dụng đất trồng lúa để phát triển công nghiệp, dịch vụ ở nhiều địa phương nhưng không được tính toán một cách khoa học dẫn đến không bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong thời gian tới. Dự thảo Luật đề nghị sửa đổi theo hướng: quy hoạch sử dụng đất của cấp trên phải định hướng cho quy hoạch sử dụng đất của cấp dưới, bảo đảm cân đối nhu cầu sử dụng đất, phân bố quỹ đất cho việc phát triển các ngành, lĩnh vực và phải thể hiện nhu cầu sử dụng đất của cấp mình...

Về tài chính đất đai, việc quy định khung giá các loại đất do Nhà nước quy định chưa phù hợp với giá thị trường đã dẫn đến tình trạng không bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước - người sử dụng đất và nhà đầu tư; Cơ chế xác định giá đất chưa rõ ràng và cũng chưa có cơ chế phù hợp để theo dõi, cập nhật giá đất trên thị trường. Thực tế, việc thực hiện quy định về tài chính đất đai như hiện nay là một trong những nguyên nhân khiến người dân khiếu kiện kéo dài. Dự thảo Luật đề nghị sửa đổi theo hướng: giao trách nhiệm cho UBND cấp tỉnh xây dựng giá các loại đất 5 năm một lần để làm căn cứá tính các loại thuế, lệ phí về đất, tiền sử dụng đất...

Cơ bản tán thành các nội dung sửa đổi như dự thảo Luật, nhưng các chuyên gia tham dự Tọa đàm cũng cho rằng: những sửa đổi này chưa phải là căn bản và nếu không có cách tiếp cận mới về sở hữu đất đai thì chế định của Luật Đất đai sẽ vẫn còn nhùng nhằng mãi. Các chuyên gia cũng kiến nghị: không nên quy định cứng trong luật quá nhiều chế tài cụ thể mà có thể quản lý đất đai một cách khoa học và đơn giản hơn bằng công cụ thuế.

P.Thúy

(http://www.nguoidaibieu.com.vn)