QUY ĐỊNH CỤ THỂ CÁC VẤN ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN HOẠT ĐỘNG CỦA QUỸ PHÁT TRIỂN ĐẤT

16/08/2023

“Cần có quy định cụ thể các vấn đề liên quan tới hoạt động của Quỹ phát triển đất…” là một trong số nhiều nội dung được kiến nghị tại Hội thảo Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Viện nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức vào sáng 16/8, tại Hà Nội.

HỘI THẢO GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

Hội thảo Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bản cập nhật gồm 263 điều, 16 chương với 212 trang. Tại bản dự thảo, dù số lượng chương và điều vẫn giữ nguyên so với dự thảo tháng 6/2023, tuy nhiên các nội dung chỉnh sửa chi tiết hơn, thể hiện sự cẩn trọng, khoa học trong việc chọn lọc các từ ngữ, thuật ngữ phù hợp, chuẩn xác, tăng tính logic kết nối, logic giữa các chương, các cấu phần và giữa các điều khoản.

Quan tâm góp ý về quy định Quỹ phát triển đất tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chuyên gia kinh tế cho rằng, cần xác định rõ nguồn tài chính của quỹ phát triển đất là sử dụng vốn ngân sách Nhà nước hay ngoài ngân sách nhà nước (hiện chưa thống nhất tại điểm 1 và 2/điều 113) và cơ quan trực tiếp quản lý là Uỷ ban Nhân dân tỉnh hay Tổ chức phát triển quỹ đất?

TS.Cấn Văn Lực cũng đề nghị, xem xét tỷ lệ phân bổ tối thiểu 10% nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hằng năm của địa phương cho Quỹ phát triển đất để đảm bảo phù hợp với khả năng cân đối ngân sách địa phương nói chung. Bởi vì, tỷ lệ 10% có thể phù hợp các địa phương có tỷ lệ thu từ đất đai cao song chưa phù hợp với các địa phương có tỷ lệ thu từ đất thấp, chưa đảm bảo cân đối ngân sách, tỷ lệ trích 10% có thể ảnh hưởng đến nguồn chi cho các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội khác.

Để đảm bảo quy định có tính khả thi, toàn diện, TS.Cấn Văn Lực cũng lưu ý, ban soạn thảo cân nhắc các vấn đề đặt ra như: Cơ chế huy động các nguồn tài chính của Quỹ phát triển đất sẽ thực hiện như thế nào? có cơ chế hỗ trợ đặc thù để huy động vốn hiệu quả? phối hợp thế nào với các nguồn từ ngân sách Trung ương, địa phương và các nguồn khác để đảm bảo đáp ứng nhu cầu vốn cho bồi thường, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch….

TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chuyên gia kinh tế 

Quan tâm tới nội dung này, PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, Phó Chủ tịch Hội đồng Trường kiêm Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế - Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, tại Điều 113, dự thảo Luật quy định về thẩm quyền thành lập Qũy phát triển đất; nguồn vốn hình thành của loại quỹ này. Tuy nhiên, Điều 113 chưa quy định cụ thể cơ quan nhà nước nào có thẩm quyền quản lý và sử dụng Qũy phát triển đất: Tổ chức phát triển quỹ đất hay là cơ quan nhà nước nào?

Theo PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến đây là nội dung quan trọng cần được quy định trong Điều 113. Do đó, PGS. TS Nguyễn Quang Tuyến kiến nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung quy định tại Điều 113 về thẩm quyền của cơ quan quản lý và sử dụng Qũy phát triển đất.

PGS. TS Nguyễn Quang Tuyến, Phó Chủ tịch Hội đồng Trường kiêm Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế - Trường Đại học Luật Hà Nội 

Cũng tại hội thảo, góp ý vào những nội dung khác của dự thảo luật, các chuyên gia kiến nghị: Chuẩn hóa khái niệm về Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai; Bổ sung thông tin về “giao dịch quyền sử dụng đất” trong cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai và quy định về trách nhiệm của Uỷ ban Nhân dân cấp tỉnh về “thực hiện đăng ký bắt buộc về giao dịch quyền sử dụng đất và mọi biến động đất đai”; cân nhắc quy định điều kiện áp dụng phương pháp thặng dư như quy định hiện hành;...

Bên cạnh  đó, các chuyên gia cũng đề nghị, cần sửa đổi, bổ sung để đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ trong quy định về tái định cư; bổ sung quy định về việc bồi thường bằng đất ở, giao đất tái định cư nếu có chênh lệch về giá; tăng chế tài đối với trường hợp chậm đưa đất vào sử dụng,…

PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường

Ngoài ra, các chuyên gia cungx tập trung cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau, đặc biệt là một số điều luật  đang dự thảo theo 2 phương án như: định giá đất, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất; thu hồi, trưng dụng đất; hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất;... Đông thời, góp ý vào quy định chuyển tiếp, điều khoản thi hành và nguyên tắc áp dụng của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Theo Chương trình dự kiến, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 25 (8/2023) và tiếp tục được trình Quốc hội hội tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2023)./.

Lê Anh - Trọng Quỳnh