Toàn cảnh Hội thảo "Vai trò của Quốc hội trong chính sách khoa học và công nghệ đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư: Quan điểm và giải pháp"
PGS.TS Hoàng Văn Tú - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp và PGS.TS Lê Bộ Lĩnh - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chủ nhiệm đề tài, đồng chủ trì hội thảo. Tham dự hội thảo có đại diện các cơ quan nghiên cứu, các chuyên gia và nhà khoa học.
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS. TS Hoàng Văn Tú cho biết, khoa học và công nghệ là vấn đề then chốt không thể thiếu trong tiến trình để Việt Nam nắm bắt và thụ hưởng những thành quả hữu ích từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Đề tài khoa học cấp bộ “Vai trò của Quốc hội trong chính sách khoa học và công nghệ đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” do PGS.TS Lê Bộ Lĩnh làm Chủ nhiệm, Viện Nghiên cứu lập pháp là cơ quan chủ trì, đã được thực hiện trong thời gian 2018 -2019. Hội thảo được tổ chức với mục đích tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý và đại biểu Quốc hội để hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu, đặc biệt là thảo luận các quan điểm và giải pháp nâng cao vai trò của Quốc hội trong hoạt động lập pháp, quyết định các chính sách tài chính, ngân sách và giám sát chính sách khoa học công nghệ trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
PGS.TS Hoàng Văn Tú, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, phát biểu khai mạc Hội thảo
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về quan điểm, giải pháp và những vấn đề về chính sách khoa học công nghệ hiện nay từ thực tiễn hoạt động của đơn vị. Trên cơ sở đó, đưa ra những kiến nghị cụ thể đối với Quốc hội trong việc đổi mới, hoàn thiện chính sách pháp luật về khoa học công nghệ đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Cho ý kiến tại hội thảo, TS.Nguyễn Thắng, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, cho rằng nội dung cốt lõi của cách mạng công nghiệp 4.0 là cuộc cách mạng số đang tăng tốc để đưa thế giới đương đại bước vào kỷ nguyên số. Quá trình chuyển đổi số đang diễn ra tại tất cả các quốc gia trên thế giới. Bởi vậy một trong những định hướng chiến lược của Việt Nam trong bối cảnh CMCN 4.0 là phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội và ở mọi cấp độ - doanh nghiệp, người dân và Nhà nước – bằng những thể chế và chính sách phù hợp. Đồng thời cần phải tính đến một đặc trưng riêng của Việt Nam, đó là quá trình chuyển đổi số diễn ra trong một nền kinh tế chuyển đổi, song hành cùng với các quá trình chuyển đổi khác theo hướng thúc đẩy tăng trưởng nhanh về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội.
Trên cơ sở đó, TS.Nguyễn Thắng cũng đưa ra một số giải pháp cụ thể để giúp Việt Nam nâng cao năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cụ thể: Nhà nước thúc đẩy phát triển dịch vụ Internet di động 5G, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư mở rộng mạng lưới cáp quang tốc độ cao quốc gia và tăng băng thông rộng Internet, mở rộng kết nối Internet băng thông rộng tốc độ cao đến tất cả các xã trong cả nước bằng các giải pháp phù hợp; Xây dựng chính sách, thể chế cho việc quản lý, kết nối, chia sẻ các dữ liệu mở; Có các thể chế cùng giải pháp cụ thể đảm bảo an toàn dữ liệu, bảo vệ quyền riêng tư của cá nhân; Khuyến khích các thử nghiệm thể chế để mở đường cho các ngành kinh tế mới, các mô hình kinh doanh mới sáng tạo.
TS. Nguyễn Thắng, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, phát biểu tại Hội thảo
Về giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật về khoa học công nghệ đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0, Ông Phạm Hữu Duệ, Vụ trưởng Vụ Khoa học, công nghệ và môi trường, Văn phòng Quốc hội, cho rằng hệ thống pháp luật về nghiên cứu, sáng tạo, phát triển, ứng dụng khoa học là có wor pháp lý quan trọng cho hoạt động khoa học công nghệ trên mọi lĩnh vực, như Luật khoa học và công nghệ (sửa đổi) năm 2013, Luật Chuyển giao công nghệ (2017), Luật Công nghệ cao (2008) và rất nhiều luật chuyên ngành khoa học kỹ thuật và công nghệ khác, tuy nhiên, Quốc hội vẫn cần tiếp tục phải sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật này để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Qua thực tế hoạt động giám sát của Quốc hội đối với khoa học và công nghệ thời gian vừa qua, tiếp cận những vấn đề về phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, để có thể tiếp tục nâng cao hiệu quả giám sát của Quốc hội đối với việc thực thi chính sách pháp luật về khoa học và công nghệ, Ths. Lê Thị Kim Chi -nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, công nghệ và môi trường, kiến nghị: Cần tiến hành thường xuyên, tăng cường các hình thức hoạt động giám sát, nhất là tranh luận tại nghị trường; Tăng cường giám sát tối cao của Quốc hội đối với việc phân bổ, sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực khoa học và công nghệ; Cần cân đối bố trí đại biểu có trình độ chuyên môn khoa học và công nghệ vào các cơ quan của Quốc hội phù hợp để phát huy năng lực, kiến thức của từng đại biểu; Theo dõi, đôn đốc việc giải quyết của các cơ quan có liên quan đối với các kiến nghị của đoàn giám sát. Thực hiện kiểm tra sau giám sát nhằm tăng cường việc chấp hành pháp luật và ý kiến kiến nghị.
Cũng tại hội thảo, một số ý kiến đại biểu kiến nghị, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 thì tính chủ động của Quốc hội cũng cần được tiếp tục phát huy, Quốc hội cần chủ động hơn nữa trong phối hợp với Chính phủ, Quốc hội có thể tổ chức các hoạt động chủ động nghiên cứu về đánh giá công nghệ, tác động của công nghệ; tác động môi trường của các dự án lớn. Đồng thời, đề xuất nghiên cứu ban hành Luật về Đổi mới sáng tạo.
Kết luận hội thảo PGS.TS Lê Bộ Lĩnh, Chủ nhiệm đề tài, khẳng định, trong xu thế thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và những điều kiện thực tại của nước ta, để hoàn thiện chính sách về khoa học và công nghệ cho phù hợp với xu thế này, cần có những định hướng, quan điểm tiếp cận để xây dựng và tạo lập hệ thống chính sách về khoa học và công nghệ của Việt Nam nhằm phát triển khoa học và công nghệ cũng như phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ý kiến phát biểu của các đại biểu tại hội thảo sẽ được Ban chủ nhiệm đề tài tổng hợp, nghiên cứu, tiếp thu nhằm tiếp tục hoàn thiện Đề tài khoa học trong thời gian tới. /.